Chẳng ai thích ở cạnh một người luôn cho rằng mình vượt trội hơn người khác. Nhưng chúng ta lại thường có thói quen phán xét, đánh giá và áp đặt thế giới xung quanh phải phù hợp với ý thích và quan niệm của bản thân. Không chỉ phán xét khi nói ra những điều tiêu cực về cá nhân hay sự việc, chúng ta còn phán xét khi tán dương những gì chúng ta thấy thích, ngưỡng mộ và hoan nghênh.

phan xet co don image
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Chúng ta không ngừng đánh giá mọi việc, đặc biệt là ở các quốc gia phương Tây nơi được đào tạo về cách tư duy “lưỡng cực” – một thứ chỉ có thể ở trạng thái “tuyệt vời” hoặc “tồi tệ” chứ không có sự trung dung.

Chúng ta cũng liên tục phán xét và hoàn toàn dựa trên góc nhìn của bản thân. Để tập một thói quen mới, chúng ta phải quên đi các lề thói cũ.

Mấu chốt là chúng ta cần nhận thức ra thói quen áp đặt thế giới xung quanh bằng cách “gắn mác” cho mọi người và mọi chuyện.

Mỗi khi thể hiện sự phán xét dù là theo hướng tích cực hay tiêu cực, chúng ta không hề nhận thấy tác hại của việc này đối với các mối quan hệ cá nhân.

Ông Carl Rogers, một trong những nhà tâm lý học có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, từng nhấn mạnh về mối nguy hại của phán xét đối với giao tiếp cá nhân:

Rào cản chủ yếu trong giao tiếp giữa các cá nhân với nhau là ở chỗ chúng ta có thói quen phán xét, đánh giá, đồng tình hoặc bác bỏ quan điểm của đối phương.”

Do đó, muốn giao tiếp hiệu quả hơn, chúng ta cần học cách kiềm chế thói quen không ngừng phán xét người khác, cũng như thói quen xếp đối phương vào các “hạng người” được thiết lập sẵn trong tư duy của chúng ta.

4 hình thức phán xét

Dưới đây là bốn cách thức phán xét cơ bản chúng ta thường sử dụng, được phát hiện bởi Robert Bolton. Trên thực tế, sự phán xét đã ngăn không cho cuộc trò chuyện trở nên cởi mở, chân thành và có được sự thấu hiểu sẻ chia.

1. Chỉ trích (“Đáng đời bạn thôi.”)

Đây là hình thức phán xét phổ biến nhất. Chúng ta thể hiện sự không đồng tình với lời nói hoặc hành động của ai đó bằng cách chỉ trích họ. Chúng ta tự cho mình là thẩm phán và có chuẩn mực đạo đức cao hơn những người khác. Chúng ta ngụ ý rằng bản thân mình luôn đúng, luôn dựa trên sự thật khách quan và những người khác cần nghe theo mình.

2. Đặt tên chế giễu (“Đồ thất bại!”)

Chúng ta thể hiện sự coi thường những điều người khác nói hoặc làm bằng cách lăng mạ họ. Chúng ta xếp “hạng người” bằng cách gán cho họ những tên gọi ẩn ý đến đặc điểm của họ. Việc đặt tên chế giễu có thể trở nên phi nhân tính, và thủ đoạn này đã từng được áp dụng phổ biến và hiệu quả để tạo môi trường thuận lợi cho tội ác diệt chủng. Ví dụ ở Cộng hòa Rwanda – một quốc gia nhỏ nằm trong lục địa tại Vùng hồ lớn trung-đông Phi, tộc người Tutsi đã bị gán cho cái tên là “những con gián” khi bị tàn sát đến 70% dân số bởi chính quyền của người Hutu.

3. Phân tích (“Anh cố nói vậy chỉ để chọc tức tôi”)

Chúng ta coi mình là một bác sĩ có thể hiểu được những yếu tố tác động đến sức khỏe và hành vi của người khác. Và lẽ tất nhiên, chúng ta tỏ ra mình là người khỏe mạnh, có hiểu biết và vì thế có quyền lên mặt phán xét, dạy dỗ người khác.

4. Khen ngợi (“Bạn thật tài năng!”)

Những lời khen ngợi đóng vai trò quan trọng trong việc khích lệ người khác phát huy năng lực. Nhưng nó cũng có thể là chướng ngại vật trong mối quan hệ nếu những lời khen ngợi bị lạm dụng để khiến người khác phải làm theo những gì bạn mong muốn. Hơn nữa, những lời khen ngợi mang tính tâng bốc có thể làm xói mòn lòng tin khi đối phương nhận ra nó chỉ là lời nịnh hót thiếu trung thực.

Bài tập để bạn tự nhận thức bản thân

Thường ngày, bạn hay phán xét theo cách nào trong các hình thức nêu trên? Vào những tình huống nào thì bạn có xu hướng cho rằng bản thân cao thượng hơn người khác? Bạn có thường xuyên xử sự như một thẩm phán khi chỉ nhìn nhận thực tế dựa trên quan điểm của cá nhân mình?

Cần nhận thức được hành vi phán xét của bản thân khi đánh giá mọi người và mọi chuyện – đây là bước đầu tiên để kiềm chế việc phán đoán vội vàng. Chỉ khi làm được điều ấy, bạn mới có thể thiết lập cuộc trò chuyện chân thành.

Khi bạn kiềm chế việc phán xét của bản thân và cho phép người khác được bộc lộ đầy đủ bản thân họ, bạn sẽ giao tiếp hiệu quả hơn và khi đó, chất lượng các mối quan hệ sẽ tự được cải thiện.

Theo Aldo Civico Ph.D. (tác giả viết sách, chuyên gia giải quyết xung đột.)
Ánh Dương dịch