Làm người khôn ngoan không phải ở chỗ tranh giành phần hơn mà là đối với người luôn hào phóng. Trên bề mặt là mất đi một chút vật chất nhỏ bé nhưng thật ra đang thu được hơn thế rất nhiều.

sống hòa hợp
Đối tốt với người ắt người tốt lại. Tâm luôn thiện lương, trợ giúp người khác vừa hay lại chính là chu toàn chính mình. (Ảnh: Porstocker/ Shutterstock)

Có thể nói, sự hòa hợp giữa người với người mấu chốt nằm ở 3 điều: chủ động nhượng bộ, học cách nhượng bộ và luôn vị tha.

1. Chủ động giành lợi ích cho người khác

Có một nhà sưu tầm đồ cổ nọ rất am hiểu về đồ cổ và có mắt nhìn rất tinh tường. Đối với món đồ anh thích, anh sẽ mua nó đúng giá nhưng tuyệt đối không để người bán phải chịu thiệt thòi. 

Một lần, đi ngang qua một tiệm đồ cổ, khi nhìn thấy món đồ rất ưng ý, anh đã hỏi giá chủ tiệm. Ông chủ suy nghĩ một lúc rồi nói rằng ông đã mua nó về từ Nhật Bản và sẽ để lại với giá 250 triệu. Sau khi nghe ông chủ báo giá, anh cười và nói sẽ trả 300 triệu.

Kể từ đó, khi cửa hàng này có món đồ nào đặc biệt cũng sẽ liên hệ với anh trước tiên. Vì vậy, anh luôn có được những món đồ mà người khác không thể có.

Có một câu nói rất hay rằng “chịu được thua thiệt, mới hưởng nổi phúc”. Giữa người với nhau, càng so đo với người, càng dễ mất lòng người.

Khi một người nguyện ý chủ động nhượng bộ, các mối quan hệ sẽ càng ngày càng tốt, từ đó giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp của bản thân.

Nếu chúng ta không so đo tính toán thì mới có thể nhận được sự yêu mến và lòng thiện chí của người khác. Nhượng bộ nếu như có thể giúp người khác nhận được lợi ích thì bản thân cũng sẽ nhận lại được sự biết ơn và những đáp trả tương xứng. 

2. Học cách nhượng bộ

Có một câu chuyện rất thú vị và đáng để chúng ta suy ngẫm. Chuyện kể rằng: Ở quê, mỗi nhà đều có một cái hàng rào trúc làm ranh giới. Một hôm, anh chàng nọ thấy người hàng xóm lén dời hàng rào qua bên đất của nhà anh một chút. Khi đó, anh đã rất tức giận, lập tức đi nói cho ông nội. Vốn nghĩ rằng ông nội sẽ trách mắng người hàng xóm, thế nhưng anh không ngờ rằng ông nội chỉ bình thản và nói: ‘’Ta vốn đã biết rồi!’’

Ngày hôm sau, ông nội đi đến hàng rào trúc và di chuyển tiếp về phía nhà của mình. Anh hỏi ông nội: “Ông ơi! không phải làm như thế cái sân của nhà ta sẽ nhỏ hơn sao ạ?” Ông nội chỉ cười và im lặng.

Vào buổi chiều, người hàng xóm đi làm về, anh thấy người hàng xóm cứ nhìn chằm chằm vào cái hàng rào trúc một hồi lâu, sau đó bước tới di chuyển hàng rào về phía nhà của mình.

Từ đó, quan hệ hai nhà trở nên hòa thuận. Có rau tươi trái ngọt đều chia sẻ cho nhau và họ đã quên đi cái hàng rào trúc từ lúc nào không hay.

Quả đúng là như thế, giữa người và người, không cần quá so đo tính toán. Nếu ta biết tha thứ bao dung cho người khác và chủ động nhượng bộ, làm được thế người khác sẽ nhất mực tôn trọng.

Sự thăng hoa của một mối quan hệ chính là khi ai ai cũng đều nghĩ rằng: ‘’Tôi hiểu được những khó khăn của bạn, và bạn cũng thấu hiểu được những khó khăn của tôi.’’

sống hòa hợp
Biển rộng vì biển có thể khoan dung. (Ảnh: StockSnap từ Pixabay)

3. Luôn vị tha 

Trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Tầng lớp Itaewon”, nhân vật Park Sae Roy đã thuê một cửa hàng để kinh doanh quán ăn, dù cửa hàng trang trí khá đẹp và bát đĩa rất đặc biệt, nhưng công việc làm ăn vẫn không có tiến triển. Anh nhìn con hẻm tối om về đêm, chợt thấy chỉ có cửa hàng của mình là sáng đèn, chỉ bằng ánh sáng yếu ớt của một cửa hàng thì khó mà thu hút được sự chú ý của người qua đường.

Vì vậy, anh đã đi tới từng cửa hàng khác, phân tích chiến lược kinh doanh của mình và gợi ý cho mọi người nên làm thế nào. Nhưng cũng vì vậy mà những người đồng hợp tác với anh đã rất tức giận, họ không thể lý giải được tại sao anh lại giúp đỡ những đối thủ cạnh tranh với mình. Anh giải thích rằng, chỉ khi công việc kinh doanh của con hẻm tốt lên và tất cả cửa hàng đều có thể duy trì sự tồn tại thì cửa hàng của chúng ta mới có hy vọng thành công. 

Các cửa hàng xung quanh sau đó đã thay đổi theo gợi ý của anh. Từ sau hôm đó, cứ về đêm, con hẻm lại sáng lung linh rực rỡ cả một góc phố. Cửa hàng của anh Park Sae Roy cũng từng bước tiến triển, từ một cửa hàng nhỏ ban đầu, anh đã phát triển lên thành một chuỗi cửa hàng nổi tiếng, trở thành nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống uy tín.

Khi chúng ta làm gì cũng nghĩ đến người khác trước tiên, nhìn thì có vẻ như bản thân đang chịu thiệt thòi, thật ra thì chính là chúng ta đang bắc thêm một cây cầu cho chính mình.

Đôi khi, một mối quan hệ xã giao trở nên thân thiết tới mức có thể cảm nhận đến tận sâu đáy lòng đều là do tấm lòng chân thành vì người khác.  

Nếu làm bất kể việc gì, bản thân đều ‘hướng lợi tránh hại’ thì ngược lại sẽ dễ dàng để cho mình vấp té.

Người có tấm lòng thoáng đãng, biết cho đi và vị tha thì con đường phía trước sẽ càng đi càng thuận lợi suôn sẻ.

Đối tốt với người ắt người tốt lại. Tâm luôn thiện lương, trợ giúp người khác vừa hay lại chính là chu toàn chính mình.

Khi bản thân luôn nghĩ đến lợi ích cho người khác, chủ động nhượng bộ thì chúng ta sẽ nhận được những điều quý giá từ người khác, cuộc sống tự nhiên sẽ ung dung tự tại và mối quan hệ sẽ vô cùng hòa hợp. Mang tấm lòng vị tha, những điều tốt đẹp sẽ đến.

Hi vọng trong cuộc đời, chúng ta có thể đạt được tới sự hào phóng, thiện lương, làm việc gì đều lưu lại cho người ba phân, trước tiên đều nghĩ đến người khác.