Đường lên đỉnh Hoa Sơn linh thiêng được mệnh danh là “tử địa dẫn đến thiên đường” tại Trung Quốc và cũng được công nhận là một trong những đỉnh núi hiểm trở, cheo leo bậc nhất thế giới. Hành trình đến Hoa Sơn như một lời thách thức đầy huyền bí với những nhà leo núi dù gan dạ nhất. Người ta nói tìm về Hoa Sơn không chỉ đơn giản là về với thiên nhiên đất trời hùng tráng, mỹ diệu mà còn là quá trình “ngộ đạo” tìm về chân ngã của chính mình và ý nghĩa của nhân sinh.

shutterstock 523729147 image
(Ảnh: Shutterstock)

Núi Hoa Sơn nằm gần thị xã Hoa Âm, phía nam tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc và cách thành phố Tây An khoảng 100km về phía đông. “Con đường mòn nguy hiểm nhất hành tinh” đến đỉnh núi này quả thật đã cướp đi mạng sống của hàng trăm người trong nhiều năm qua. Có nguồn tin cho rằng con số ngã tử vong lên tới 100 người mỗi năm.

Hoa Sơn linh thiêng

Hoa Sơn là một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Nhạc Danh Sơn của Trung Quốc. Bốn ngọn còn lại gồm núi Thái Sơn tại Sơn Đông, Tung Sơn tại Hà Nam, Hằng Sơn tại Sơn Tây và Hành Sơn tại Hồ Nam. Trong nhiều thiên niên kỷ, năm ngọn núi này đối với người Trung Quốc có ý nghĩa rất thiêng liêng, là những danh sơn trong giới võ hiệp và cộng đồng Đạo giáo thời bấy giờ; từ đó đến nay đã thu hút không ít người hành hương tìm về.

shutterstock 711936769 image
(Ảnh: Shutterstock)

Núi Hoa Sơn gồm năm đỉnh được bao bọc bởi đóa hoa cương, từ xa mà nhìn hình núi dựng đứng như một bông hoa. Phía Đông có đỉnh Triều Dương là nơi ngắm bình minh rạng rỡ nhất. Đỉnh cao nhất nằm ở phía Nam, còn gọi là đỉnh Lạc Nhạn. Phong cảnh đẹp đẽ nhất lại ngụ tại đỉnh Liên Hoa ở phía Tây. Hai đỉnh còn lại gồm Vân Đài phía Bắc và Ngọc Nữ ở giữa.

Có niềm tin rằng người sáng lập Đạo giáo đồng thời cũng là một trong những triết gia nổi tiếng bậc nhất tại Trung Quốc – Lão Tử đã từng sống và thuyết pháp trên ngọn núi này. Vì thế Hoa Sơn được coi là chốn linh thiêng. Tại đây, một số ngôi đền của Đạo giáo đã được gìn giữ từ rất nhiều đời. Tương truyền vào khoảng thế kỷ thứ 8, các đạo sĩ hành hương đã dùng một mạng lưới những tấm ván gỗ nhỏ gắn lên vách núi một cách tạm bợ, nối thành những con đường mòn lên đỉnh núi để xây dựng những Đạo quán và tu luyện.

temple on Huashan image
Một ngôi đền ở Hoa Sơn (Ảnh: Raffaele Nicolussi /CC BY 3.0 )

Ngày nay có khá nhiều lý do để du khách tìm đến Hoa Sơn. Một trong số đó là địa điểm thưởng trà nổi tiếng gọi là Hoa Sơn Trà Thất, nơi đây cũng từng là một ngôi đền. Tờ báo Times of India tiết lộ rằng phần thưởng hấp dẫn cho chuyến leo núi mạo hiểm chính là món trà độc đáo hoàn toàn được làm từ nguyên liệu thiên nhiên, được pha bằng nước từ băng tuyết tan, nước mưa và nước suối Hoa Sơn.

Travel map of Huashan image
Bản đồ khu du lịch núi Hoa Sơn (Ảnh:CC BY SA 4.0 )

Khi Hoa Sơn ngày càng nổi tiếng trong giới du lịch, những con đường mòn lắt lẻo làm từ ván gỗ đã được kiên cố lại để đảm bảo an toàn cho khách viếng thăm. Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực cải tiến cung đường độc đạo này trong cả thập kỷ qua, nhưng hằng năm những bi kịch về việc nhiều người bị mất thăng bằng và ngã tử vong khi leo núi vẫn xảy ra.

shutterstock 1174641499 image
(Ảnh: Shutterstock)

Lối về thiên cảnh

Với một số người, Hoa Sơn không hấp dẫn họ bằng trà ngon hay những Đạo quán linh thiêng. Mà chính cảm giác hồi hộp và nguy hiểm trên những con đường mòn vắt vẻo tựa vách núi đã khiến họ liều mình chinh phục Hoa Sơn. Một số người khác lại cảm thấy thỏa mãn bởi khung cảnh thần tiên khi chạm chân lên đỉnh núi. Năm đỉnh Hoa Sơn mở ra những khung cảnh kỳ vĩ và những chứng tích lịch sử, mang đến cảm thụ khác nhau cho người chinh phục.

Chẳng hạn đỉnh núi cao nhất ở phía Nam còn có danh hiệu là “Quốc vương của Hoa Sơn”. Truyền thuyết kể rằng nơi đây từng là chỗ hạ cánh của những bầy nhạn trở về từ phương nam; vì thế cái tên “Lạc Nhạn” ra đời. Đường lên Lạc Nhạn cũng là phần nguy hiểm nhất trong cuộc hành trình. Người leo núi phải men theo những con đường ván được tạo thành từ những thanh gỗ nhỏ có chiều rộng chỉ khoảng 30cm gắn dọc theo vách núi thẳng đứng. Sự mạo hiểm này được đền đáp bằng khung cảnh tráng lệ từ độ cao hơn 2000m, nơi người ta có thể quan sát bốn đỉnh còn lại của núi Hoa Sơn cũng như sông Hoàng Hà dưới chân.  

shutterstock 1015013452 image
(Ảnh: Shutterstock)

Hay trên đỉnh núi phía Tây có một Đạo quán gọi là Thúy Vân, trước Đạo quán có một tảng đá hình dạng giống hệt một bông hoa sen nên cái tên đỉnh Liên Hoa cũng có nguồn gốc xa xưa như vậy. Quanh Đạo quán còn có bảy tảng đá đặc biệt mà theo dân gian có nguồn gốc từ truyền thuyết Bảo Liên Đăng (lồng đèn hoa sen), được hình thành khi người con Trầm Hương một mình lên núi Hoa Sơn xẻ núi cứu mẹ.

Đỗ Hoàng (tổng hợp)