Cuộc đời của mỗi người đều hữu hạn, hãy tận dụng thời gian làm những điều tốt đẹp. Rất ít người có thể chịu đựng được một đời sống cô độc trường kỳ bởi lẽ giữa người với người đều cần chia sẻ, nhưng trong giao tiếp ắt sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Khi gặp phải mâu thuẫn trong đối nhân xử thế, có người một lòng báo thù, cuối cùng hai bên đều tổn thương; có người lựa chọn tha thứ, cuối cùng nắm tay vui vẻ; có người lại lựa chọn buông bỏ, cuối cùng mỉm cười nhìn đời.

Đối nhân xử thế
(Ảnh: Sasin Tipchai từ Pixabay)

Ba thái độ nhân sinh khác nhau cũng ẩn chứa ba tâm thái khác nhau trong đối nhân xử thế:

Kẻ yếu báo thù

Tacite, một sử gia người La Mã nổi tiếng, từng nói một câu rằng: “So với hảo ý báo ân, con người thường thích báo thù hơn. Bởi lẽ cảm ơn thì nặng gánh, trả thù lại vui vẻ trùng trùng.”

Báo thù là thói xấu thâm căn cố đế trong nội tâm con người. Nó giống như thuốc súng đầy tính bạo lực, dùng bạo lực trị bạo lực, khiến đôi bên mù quáng làm càn. Nhưng báo thù lại không thể giải quyết tận gốc vấn đề, oan oan tương báo chỉ khiến đôi bên đều rơi vào vực thẳm đen tối mà thôi.

Do vậy làm thế nào mới có thể giảm bớt tâm thái phục thù mới thể hiện sự tu dưỡng của một con người. Dẫu đối mặt với bất công tày trời, vẫn có thể kiểm soát cảm xúc của bản thân, không hành sự lỗ mãng, mới có thể tránh được tai ương.

Người trí bao dung

Không báo thù là sự tu dưỡng, lựa chọn dùng đức báo oán lại là đại trí huệ cao hơn, cũng thể hiện sự độ lượng và khoáng đạt trong tâm. Điều này được gây dựng trên nền tảng nhận thức sâu sắc về thế giới, nhân tính. Chúng ta thường nói “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người khi sinh ra, bản tính vốn đã lương thiện. Bởi cảnh ngộ khác nhau, nên trong tâm cũng có những lý giải khác nhau. Nhưng mọi thiện ác, đúng sai đều do nhân quả.

Trên xe lửa, một người đàn ông say ngất ngư xô xát với hành khách. Bé gái hỏi mẹ: “Ông ấy có phải người xấu không mẹ?”

Người mẹ nhẹ nhàng đáp: “Ông ấy không phải là người xấu, có thể ông ấy đang không vui.”

Bởi lẽ khi nhìn thấy hành vi của người đàn ông say xỉn này, bà nghĩ tới thời khắc khó khăn, bế tắc trong đời mình. Vì tính tình nóng nảy, bà đã vô tình làm tổn thương những người xung quanh. Vậy nên bà mới so sánh mình với người đàn ông kia, mà thấu hiểu rằng mỗi người đều khó tránh được những khi khốn cùng như vậy.

Bởi lẽ có thể thấu hiểu đối phương, nên bà mới có một cái nhìn bao dung. Khi một người có sự phản tỉnh sâu sắc trong tâm, ắt sẽ có sự bao dung lớn hơn dành cho thế giới bên ngoài. Đây không chỉ là sự hàm dưỡng, mà còn là bậc trí huệ.

tổ chức cuộc sống, nền tảng gia đình, dạy con học đi đứng, Đầu tư cho con, đặt niềm tin vào con, trường mẫu giáo Nhật Bản, tự trọng
(Ảnh: Shutterstock)

Kẻ mạnh buông bỏ

Một người được mời làm người dẫn chương trình tạm thời trên sân khấu. Đạo diễn thấy anh ấy giỏi biên đạo, bèn nhờ anh tới dựng phim. Nào ngờ làm xong, đạo diễn không những không trả tiền biên tập, mà còn lấy lý do dự toán vượt chi, bớt của anh 1,5 triệu đồng tiền công.

Người bạn này không hé răng nói một lời, anh ấy vẫn làm tốt công việc của mình. Sau khi chương trình lên sóng, anh ấy đã được nhà đài để mắt tới, mời đảm nhiệm làm MC cho một chương trình mới. Chương trình ăn khách, cộng thêm nỗ lực của bản thân, vài năm sau anh đã trở thành một MC nổi danh. Vị đạo diễn nọ, giờ mỗi lần gặp anh, đều rất khó xử.

Có người hỏi anh: “Vì sao không tới báo lại chuyện này cho cấp trên của anh ta?”

Anh đáp: “Hà tất phải như vậy? Tôi sống đâu có thiếu số tiền đó. Hơn nữa hiện giờ chức vị của tôi còn cao hơn anh ấy bao nhiêu, tố cáo anh ấy chẳng phải là tôi đang chèn ép anh ấy hay sao.”

Cuộc đời mỗi người đều hữu hạn, nên tận dụng thời gian làm những điều tốt đẹp. Khi đối diện với điều ác ý, có thể lựa chọn bỏ qua, nỗ lực tiến về phía trước, biến những viên gạch mà họ quăng tới thành bậc thang lót chân cho hành trình tiến về phía trước. Như vậy, khi chúng ta đạt đến một tầm cao nhất định, những lời ác ý, những việc hại người sẽ chẳng thể đụng chạm tới chúng ta được nữa.

Trong cuộc đời, ai nấy đều sẽ gặp phải đủ kiểu người, trong đó không thiếu những kẻ tiểu nhân, những người độc ác. Khi chúng ta bị chèn ép, thử thay đổi góc nhìn, biến áp lực và mong muốn trả thù trở thành động lực cho chúng ta vươn lên. Vậy thì cuộc đời càng đi càng tốt đẹp, càng sống càng nhiều niềm vui.

Lê Minh