Có một dòng sông huyền bí chảy sâu trong rừng mưa nhiệt đới Amazon ở Mayantuyacu, Peru. Nước sông nóng tới mức có thể luộc chín những động vật nhỏ ngay lập tức.

Nhiệt độ nước trong khúc sông dài 6.4 km này dao động từ 50-90 độ C, ở một số nơi trên dòng sông, nhiệt độ gần như đạt đến điểm sôi 100 độ C. Nó đủ nóng để gây nên vết bỏng cấp độ 3 chỉ trong vài giây.

Hàng thế kỷ qua, người bản địa Asháninka đã biết về dòng sông nước nóng huyền bí này, họ gọi nó là ‘Shanay-timpishka’, nghĩa là ‘sôi với sức nóng của mặt trời’.

Dòng sông nước nóng huyền bí ở Peru, luộc chín cả động vật sống
(Ảnh: Animal Tube, Wikipedia, CC BY 3.0)

Truyền thuyết cổ đại kể rằng dòng nước nóng này là do một con rắn khổng lồ tên là “Yacumama” (mẹ của các dòng nước) gây ra và hiện có một tảng đá lớn có hình dạng giống đầu rắn ở thượng nguồn con sông, là minh chứng cho truyền thuyết cổ đại này.

Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới, hiện tượng thiên nhiên này chỉ là một truyền thuyết. Ngoại trừ một số tài liệu tham khảo từ những năm 1930, không có tài liệu khoa học nào nói về dòng sông nước nóng này và hầu hết các nhà địa chất học đều đơn giản là phủ nhận sự tồn tại của nó vì trên thực tế cần có một lượng địa nhiệt nóng rất lớn để có thể đun sôi cả toàn bộ các khúc sông, điều này là không thể vì lòng chảo Amazon cách núi lửa hoạt động gần nhất tới 643,7 km.

Ngoại trừ một vài du khách thăm Mayatuyacu mỗi năm để trải nghiệm liệu pháp chữa bệnh truyền thống của người Asháninka, thế giới văn minh hầu như đã lãng quên sự tồn tại của dòng sông nước nóng có thực này.

Sự tồn tại của dòng sông này đã được công nhận chính thức vào năm 2011, khi nhà địa nhiệt học Andrés Ruzo quyết định tự mình nghiên cứu vấn đề này, sau khi nghe một lượng lớn các câu chuyện và truyền thuyết, anh đã đủ tò mò để bắt đầu nghiên cứu dòng nước huyền bí này. Ông nội anh nói rằng dòng sông Shanay-timpishka đã được những người Tây Ban Nha đi chinh phục châu Mỹ phát hiện hàng trăm năm về trước, khi họ đi sâu vào rừng mưa để tìm vàng. Những người có thể quay trở lại đều kể những điều khủng khiếp về khu rừng này như những con rắn ăn thịt người, bệnh tật, đói khát và một dòng sông nước nóng kỳ lạ.

20 năm sau khi nghe câu chuyện này, Ruzo đã tìm thấy một người từng nhìn thấy trực tiếp dòng sông này, đó là dì của anh. Trong suốt buổi tiệc tối gia đình, anh đã nói về chủ đề này và những hoài nghi xung quanh nó, khi đó dì ông nói: “Không, Andres, dì đã ở đó, dì đã bơi trong dòng sông đó”. Vào năm 2011, được dì dẫn đường, nhà khoa học trẻ này cuối cùng đã tìm thấy dòng sông, và xác nhận rằng dòng nước thực sự đạt đến nhiệt độ sôi.

Ruzo đã viết một cuốn sách về dòng sông đặc biệt này, có tên “Dòng sông nước nóng: Cuộc phiêu lưu và khám phá ở Amazon”. Anh viết trong cuốn sách: “Giống như tôi đang ở trong nhà tắm hơi bên trong một lò nướng bánh mì”. “Nhúng tay vào dòng sông sẽ làm tay tôi bị bỏng cấp độ 3 trong vòng chưa đầy nửa giây. Tôi sẽ chết ngay nếu ngã vào đó”.

Anh cũng mô tả chi tiết về những con vật đã vô tình ngã vào dòng nước: “Thứ đầu tiên bị chết là đôi mắt”. “Mắt có thể bị nấu chín rất nhanh, chuyển sang màu trắng sữa. Dòng nước đang cuốn chúng theo. Chúng sẽ cố gắng bơi ra, nhưng thịt chúng đang bị nấu đến tận xương vì nước rất nóng. Chúng sẽ mất sức, mất dần sức lực, cuối cùng nước nóng sẽ vào miệng và chúng bị nấu từ trong ra”.

Thực tế, nước nóng đến độ người dân địa phương thường sử dụng chúng để pha trà. Họ cũng tin rằng hơi nước của dòng sông làm lá thuốc lấy từ cây Came Ranaco gần đó trở nên hiệu nghiệm hơn. Nhưng cho đến nay, không ai có thể giải mã sự huyền bí của dòng nước sôi này. Ruza đã đưa ra một giả thuyết, anh tin rằng nước nóng có thể chảy ra từ vùng đứt gãy, hay các vết nứt trong lòng đất, nung nóng các khúc sông khác nhau.

“Giống như chúng ta có máu chảy trong tĩnh mạch và động mạch, Trái Đất cũng có dòng nước nóng chảy trong những vết nứt và đoạn đứt gãy”, anh nói trong hội thảo TED Talk năm 2014. “Khi những động mạch này dẫn đến bề mặt, những động mạch của Trái Đất, chúng ta sẽ thấy những hiện tượng địa nhiệt: lỗ phun khí, suối nước nóng và trong trường hợp này, dòng sông nước nóng”. Ruzo cũng quan tâm tìm hiểu các sinh vật thích nóng có thể sống trong dòng nước nóng bỏng này, điều này có thể giúp các nhà khoa học hiểu về nguồn gốc sự sống trên hành tinh Trái Đất này diễn ra như thế nào.

“Tại thời điểm mà tất cả mọi thứ dường như đã được lập bản đồ, đo đạc và có thể lý giải, dòng sông này đã thách thức điều mà chúng ta nghĩ là mình biết”, anh nói thêm. “Nó làm tôi đặt câu hỏi về ranh giới giữa biết và không biết, cổ đại và hiện đại, khoa học và tâm linh. Nó nhắc nhở tôi rằng vẫn còn những thứ tuyệt với để khám phá. Điều ngạc nhiên là những người dân địa phương luôn biết về nơi này, và tôi không phải là du khách đầu tiên biết đến nó. Dòng sông này là một phần trong cuộc sống của họ. Họ uống nước, họ lấy nước nóng từ dòng sông. Họ nấu ăn, tắm rửa, thậm chí chế tạo thuốc trên dòng sông này”.

Mục tiêu trước mắt của Ruzo là muốn dòng sông nước nóng này được công nhận là di tích quốc gia Peru, và khu rừng xung quanh sẽ được xem là khu sinh thái độc quyền. Anh tin rằng kỳ quan thiên nhiên này đang bị đe dọa do nạn lâm tặc, và hy vọng rằng cuốn sách của mình sẽ thu hút sự chú ý của dư luận tới vấn đề này. “Sẽ không có sự tiến triển nào nếu chúng ta không làm gì đó”, anh nói.

Dòng sông nước nóng khiến nhà nhiệt địa học trẻ Ruzo đặt câu hỏi về ranh giới giữa biết và không biết, cổ đại và hiện đại, khoa học và tâm linh. Nó nhắc nhở Ruzo rằng vẫn còn những thứ tuyệt vời để khám phá.

Và đối với những ai muốn đến thăm dòng sông nước nóng này, website của dự án cảnh báo rằng những chuyến đi này sẽ không mấy dễ dàng. “Hãy chuẩn bị để đón nhận cái nóng (từ cả mặt trời và dòng sông) và tình trạng ẩm ướt, phải đi bộ đường dài rất nhiều, côn trùng cắn, tình trạng thiếu không khí, không internet hay tín hiệu điện thoại, cũng như phải mất 1 giờ để đến phòng khám gần nhất và 3 giờ để đến bệnh viện gần nhất”, dự án cho biết. “Sự an toàn của cá nhân bạn hoàn toàn phụ thuộc vào trách nhiệm của bạn và khi tiến vào khu rừng này bạn phải đương đầu với những hiểm nguy. Không có lối đi lót ván, không dây thừng và không tay vịn”.

“Khu vực dòng sông nước nóng này sẽ duy trì (hầu hết các phần) sự hoang dã và không bị thuần dưỡng, đây chính là điều mà chúng tôi hy vọng”.

Xem video Andrés Ruzo thuyết trình về dòng sông nước nóng trong chương trình TED Talks:

Theo Oddity Central
Hoàng Vũ

Xem thêm: