Một người đàn ông tại thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị mất liên lạc sau khi gió thổi bay chiếc khinh khí cầu mà anh đang ở trên đó hái quả thông. Ngày 7/9, các kênh truyền thông nói rằng người đàn ông đã được cứu sau khi trôi dạt hơn 300 km.

id13819184 dcd3ebd0420f0289b028b9b02101880f
Một người đàn ông ở thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, đang ở trên khinh khí cầu hái quả thông thì bị gió thổi bay đi. (Ảnh chụp màn hình video)

Hiện đang là mùa thu hoạch quả thông tại Trung Quốc Đại Lục. Ngày 7/9, truyền thông Đại Lục đưa tin, 2 công nhân ở thị trấn Sơn Thị, thành phố Hải Lâm, trực thuộc thành phố cấp tỉnh Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, đã gặp tai nạn khi đang ở trên khinh khí cầu hái quả thông vào ngày 4/9. Sợi dây an toàn tuột ra, khiến khinh khí cầu lơ lửng trên không.

Các nhân viên của một công ty địa phương, lính cứu hỏa, cảnh sát và lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp đã nhanh chóng thành lập một đội cứu hộ gồm 500 người nhằm thực hiện cuộc giải cứu.

Đoạn video được đăng tải trên mạng Internet cho thấy, một người đàn ông đang đứng trên mặt đất và nhìn lên chiếc khinh khí cầu đang lơ lửng trên bầu trời. Nó không dừng lại mà vẫn tiếp tục bay thẳng về một hướng.

Người quay video cho biết: “Có người vẫn ở trên đó, có thể nhìn thấy người. Gia đình anh ấy rất lo lắng, sau khi trời tối, thì cũng mất liên lạc.”

Được biết, vào thời điểm xảy ra vụ việc, có 2 công nhân trên chiếc giỏ của khinh khí cầu. Một người nắm lấy một cành cây giữa không trung, nhảy ra khỏi chiếc giỏ và tự giải cứu thành công. Còn lại là một người khoảng 30 tuổi, đã bị khinh khí cầu cuốn đi và mất liên lạc. Sáng 5/9, lực lượng cứu hộ mới có thể liên lạc với anh và hướng dẫn anh cách kéo “dây thừng”, xì hơi khinh khí cầu để hạ cánh an toàn, theo đài truyền hình CCTV đưa tin. Cuối cùng, chiếc khinh khí cầu đã hạ cánh xuống khu vực rừng cách đó 300 km.

Đến 9:00 ngày 6/9, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy người đàn ông này nằm sâu trong khu rừng thuộc huyện Phương Chính, tỉnh Hắc Long Giang, sát biên giới với nước Nga. Anh bị thương ở thắt lưng và được đưa đến bệnh viện địa phương điều trị.

Meng Qingchun, một thành viên của đội cứu hộ, nói với tờ “Beijing Youth Daily” rằng quá trình giải cứu diễn ra rất khó khăn.

“Trời mưa rất lớn trong khu rừng tối khiến chúng tôi khó để nhìn rõ mọi thứ”, anh kể lại.

Do nhiệt độ xuống thấp cộng thêm mặt đất sũng nước, mọi thành viên trong đội cứu hộ đều kiệt sức sau 10 giờ tìm kiếm liên tục trên diện tích 900 ha.

Sau khi được giải cứu, anh đã kể lại kinh nghiệm của mình. Anh kể, trong rừng trời mưa suốt 2 ngày 2 đêm, nhiệt độ xuống thấp, đói, khát, đau đớn và tín hiệu bị gián đoạn, khiến anh có lúc muốn bỏ cuộc. Anh cũng cảm ơn mọi người đã cứu giúp.

Được biết, những quả thông mọc trên ngọn cây thông có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao. Cứ đến mùa thu ở vùng rừng núi Đông Bắc lại có rất nhiều người dân lên núi “hái quả thông”.

Hái quả thông là một công việc khá nguy hiểm. Trước đây mọi người thường leo lên cây, rung cho quả rụng. Ngồi khinh khí cầu hái quả thông là một hiện tượng mới của người dân Trung Quốc trong những năm gần đây. Hai công nhân ngồi trên chiếc giỏ của khinh khí cầu, cùng nhau bay lơ lửng trên đỉnh cây thông.

Khi hái quả thông, thường có hai dây an toàn, một sợi cột trên mặt đất và một sợi cột vào cành cây, để tránh khinh khí cầu bị cuốn đi.

Một người trên khinh khí cầu móc chiếc móc dài 5m lên ngọn cây. Người còn lại dùng chiếc móc dài 1m để cố định vị trí. Khi thả tay ra, họ có thể hái hết quả thông trên cây.

Được biết nếu ngồi khinh khí cầu hái quả thông, 2 công nhân có thể hái được 1.000 cây mỗi ngày. Trong khi một công nhân lành nghề tối đa cũng chỉ có thể hái được 30 cây mỗi ngày bằng cách leo cây. Mặc dù việc này giúp giảm đáng kể chi phí và tăng hiệu quả, nhưng vẫn có những rủi ro về an toàn.

Theo các báo cáo công khai, tai nạn đã xảy ra tại nhiều nơi ở vùng Đông Bắc, khi xảy ra sự cố khinh khí cầu bị gió cuốn đi.

Tháng 8/2017, một người đàn ông ở huyện Uông Thanh, tỉnh Cát Lâm, đã bị rơi từ độ cao 800 m, do sợi dây giữ khinh khí cầu không được buộc chặt, và bị cuốn đi hơn 50 km. Sau đó, bằng cách làm xẹp khinh khí cầu, anh ấy đã tự hạ cánh thành công và được giải cứu.

Vào tháng Chín cùng năm, một người đàn ông ở thành phố Tập An, tỉnh Cát Lâm, đã vô tình làm đứt dây của một khinh khí cầu và bị gió cuốn đi.

Tháng 9/2019, 2 người dân huyện Uông Thanh, tỉnh Cát Lâm, cũng bị gió cuốn đi khi đang ngồi trên khinh khí cầu hái quả thông. Vì cả hai đều biết điều khiển khinh khí cầu, nên cuối cùng họ đã hạ cánh thành công tại Trạm xăng Hà Đông, thuộc thị trấn Đại Hưng Câu.

Liên quan đến sự cố khinh khí cầu bị gió cuốn đi khi đang hái quả thông, cư dân mạng Đại Lục coi đây là “tin cố định” theo mùa, “hầu như năm nào cũng có báo cáo như vậy”. “Giờ thì bạn đã biết tại sao hạt thông đắt rồi nhé. Vì hái quả thông quá nguy hiểm, và người bình thường cũng không thể hái được.” 

Bình Minh (t/h)