Nhắc tới biên giới chắc các bạn sẽ mường tượng ra cảnh một vùng đất vắng vẻ chỉ có bức tường, hàng rào hoặc các cột mốc với lính gác biên phòng ngày đêm có mặt. Nhưng không, đường biên giới giữa Bỉ và Hà Lan lại là một câu chuyện khác đầy thú vị.

1 5
(Ảnh: wikipedia.org)

Baarle là thị trấn biên giới của Bỉ và Hà Lan, gồm hai khu tự trị: Baarle-Nassau thuộc tỉnh North Brabant, tọa lạc ở phía nam thuộc Hà Lan; còn Baarle-Hertog thuộc tỉnh Antwerp của Bỉ. Đường biên giới kỳ lạ này không phải là một đường thẳng mà cũng chẳng phải là đường cong, mà là những phần đất nhỏ tách biệt nằm xen lẫn nhau.

1 7
(Ảnh: amusingplanet.com)

Thật vậy, có 26 phần đất nhỏ ở Baarle, một số thuộc Bỉ, số khác thuộc Hà Lan. Phần đất lớn nhất gọi là Zondereigen nằm ở phía bắc thị trấn Merksplas, 22 phần tách biệt nằm trên địa phận Hà Lan nhưng thuộc Bỉ và 3 phần nằm trên biên giới Hà Lan-Bỉ. Trên phần đất tách biệt lớn nhất của Bỉ cũng có 6 phần thuộc Hà Lan, một phần khác nằm trong phần đất lớn thứ hai, và phần thứ tám nằm ở làng Zondereigen.

Sự phức tạp của Baarle-Hertog và Baarle-Nassau là kết quả sau nhiều hiệp ước, thỏa thuận, trao đổi, và mua bán giữa vua xứ Breda và công tước xứ Brabant từ thế kỷ 12. Sau khi Bỉ tách khỏi Hà Lan vào năm 1839, chính quyền hai nước cần phân định rõ ranh giới. Và có tới ba hội đồng phân chia mới có thể quyết định được vấn đề này. Đến tận năm 1995 mới được giải quyết ổn thỏa với 36km đường biên giới.

1 6
(Ảnh: flickr.com)
1 4
(Ảnh: Dr. Norbert Heidenbluth/ flickr.com)
1 1
(Ảnh: Dan/ flickr.com)
1 2
(Ảnh: Brendan McKeon/ flickr.com)
1 8 1
(Ảnh: David O’Leary/ flickr.com)
1 3
(Ảnh: SBA73/ flickr.com)

Đường biên giới thú vị này được đánh dấu bằng những dấu thập màu trắng trên vỉa hè và những đầu tròn kim loại trên đường, ngoằn ngoèo khắp nơi trong thị trấn bất kể là nhà cửa, vườn tược hay đường xá. Có chỗ đường biên giới đi qua quầy hàng quà tặng trong một tòa nhà rồi sau đó xuyên thẳng ra phía sau của một siêu thị. Rất nhiều ngôi nhà bị chia làm đôi bởi đường ranh giới này, và theo quy ước thì quốc tịch của hộ gia đình đó sẽ được quyết định theo cửa chính của ngôi nhà, nếu cửa thuộc Bỉ thì họ sẽ mang quốc tịch Bỉ và ngược lại. Còn nếu đường này đi xuyên qua cửa chính thì sao? Khi đó chủ nhà hoàn toàn có quyền quyết định chọn một trong hai quốc tịch. Ngay cả với những tòa nhà có đường biên giới đi xuyên qua, hai phần của tòa nhà đó cũng sẽ thuộc về hai nước khác nhau, với hai địa chỉ khác nhau.

Khách du lịch bị thu hút bởi đặc điểm độc đáo này. Trong nhiều năm trước, các cửa hàng thuộc Bỉ vẫn mở cửa vào chủ nhật trong khi Hà Lan thì không (ở Baarle thì ngoại lệ). Thuế quan của Bỉ và Hà Lan cũng rất khác biệt, vì thế dù có mua sắm trên cùng một con phố, bạn cũng có thể sẽ phải trả với mức giá khác nhau. Tương tự, theo luật Hà Lan thì các nhà hàng phải đóng cửa sớm, nghĩa là nếu bạn đang thưởng thức món ăn trong một nhà hàng, tới giờ đóng cửa, bạn chỉ cần chuyển sang dãy bàn thuộc Bỉ là vẫn có thể tiếp tục thưởng thức rồi. Tuy nhiên, với sự ra đời của liên minh châu Âu, sự khác biệt này cũng dần được xóa mờ.

Người dân của hai nước trong thị trấn này, họ học cách sống chan hòa và hòa hợp với nhau. Chính quyền tự trị của Baarle- Nassau và Baarle-Hertog cũng thường xuyên trao đổi và đưa ra quyết định chung trong những vấn đề như đường xá, nước thải. Quả là một ví dụ điển hình tốt đẹp về một đường biên giới hòa bình, thân thiện của thế giới.

Thế là chỉ cần đến thị trấn nhỏ Baarle, bạn có thể đặt chân tới hai nước Bỉ và Hà Lan với hai nền văn hóa và cách sống khác nhau một cách dễ dàng chỉ bằng một bước chân. Hãy cho mình cơ hội trải nghiệm điều thú vị này bạn nhé!

Tuấn Anh

MỜI XEM VIDEO: Sự tồn tại của vũ trụ là phép lạ lớn nhất mọi thời đại

Xem thêm: