Đừng vội đập vỡ máy tính khi thấy con quá thích thú với game. Trước hết hãy quan sát và phán đoán xem trẻ có thực sự “nghiện game” hay không. Nghiện game thuộc về vấn đề tâm lý, nếu tìm ra gốc rễ của vấn đề tâm lý này thì có thể giải quyết được chứng nghiện game của trẻ.

trẻ nghiện game
Nếu cảm thấy trẻ quá thích chơi game, bạn không nên mắng mỏ mà hãy quan sát và phán đoán xem trẻ có thực sự “nghiện game” hay không. (Ảnh: Anatoliy Karlyuk/ Shutterstock)

Có lẽ sẽ có nhiều người ngạc nhiên về cách thức tụ hợp của các thanh niên nam và nữ. Khi các cô gái gặp nhau, họ trò chuyện không ngừng. Còn khi một nhóm con trai lâu ngày không gặp nhau thì họ sẽ hẹn nhau trực tiếp tại một quán internet. Họ ngồi thành hàng, cùng chơi game và hồi tưởng về những ngày tháng đã qua. Vậy thì tại sao người ta vẫn chơi trò chơi điện tử cùng nhau khi đã trưởng thành? 

Điều này có thể xuất phát từ nguồn gốc lịch sử sâu xa. Kể từ thời các bộ lạc nguyên thủy, vai trò của nam giới và phụ nữ đã được tách biệt rõ ràng. Phụ nữ sẽ tập trung vào việc định cư, thu hoạch thực phẩm và nuôi dạy con cái. Trong khi đó, nam giới chủ yếu chịu trách nhiệm đi săn, săn bắt động vật để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm đầy đủ cho gia đình. Trong quá trình đó, bản năng của đàn ông sẽ thành những người chiến đấu. Bạn đã trải qua cảm giác hồi hộp phấn kích khi có được thứ gì đó thông qua sự cạnh tranh khốc liệt chưa?! Trong xã hội hiện đại và văn minh phát triển ngày nay, nam giới không cần săn bắn mà có thể trải nghiệm cảm giác này thông qua “thể thao” và “trò chơi điện tử”. Trong đó, trò chơi điện tử thì dễ dàng hơn, nên đàn ông khó mà cưỡng lại sức cám dỗ của trò chơi điện tử. 

Nếu bạn giành chiến thắng trong thể thao hoặc trò chơi điện tử, chất dẫn truyền thần kinh dopamine trong não sẽ tăng lên, từ đó tạo ra cảm giác khoái cảm. Mặc dù dopamine là  hormone mang lại khoái cảm và hạnh phúc, nhưng nếu bạn tiếp tục theo đuổi dopamine, bạn sẽ bị nghiện trước khi nhận ra được điều đó và gây ra một vấn đề lớn. Giống như việc nghiện ma túy, não của người nghiện chơi game lâu dần sẽ trở thành “một bộ não thích chơi game”.

Hiện tượng “nghiện game” gần đây dường như không chỉ có ở các bé trai, mà cả ở các bé gái. Có 3 lý do chính khiến trò chơi trở nên phổ biến. 

Trước hết, thiết kế trò chơi hiện tại đã thay đổi theo thị hiếu của các lứa tuổi. Tiếp theo là do ảnh hưởng của sự phổ biến điện thoại thông minh. Trong những năm gần đây, thông qua các thiết bị di động, bạn có thể chơi game trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, việc giao tiếp giữa con trai và con gái thường xuyên hơn trước, giờ con gái sẽ chơi với con trai một cách tự nhiên, và cũng sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng bởi văn hóa của con trai. Do đó xuất hiện hiện tượng con trai và con gái đến quán Internet để chơi game cùng nhau.

Thuận theo xu hướng của thời đại, trò chơi điện tử cũng trở nên phổ biến. Những người ban đầu không quan tâm đến trò chơi cũng có thể nhấp vào tin nhắn mời tham gia trò chơi do bạn bè của họ tình cờ gửi và họ ngay lập tức mở ra cánh cửa bước vào thế giới game. Nói chung, chúng ta đã quá dễ tiếp cận với các trò chơi, và chơi trò chơi cũng thuận tiện hơn nhiều so với trước đây. 

Tuy nhiên, bản thân việc chơi game không phải là vấn đề, nhưng nếu trò chơi gây nghiện thì điều đó có thể gây ra vấn đề lớn. Điều này đặc biệt đúng đối với lứa tuổi thanh thiếu niên còn non nớt cả về thể chất và tâm lý. 

Nếu cha mẹ cảm thấy con chơi game quá “dữ đội”, điều đầu tiên nên làm không phải là đập nát máy tính hay tịch thu điện thoại di động mà hãy quan sát và phán đoán xem con có thực sự “nghiện game” hay không, điều này quan trọng hơn nhiều.

Đặc điểm rõ nhất của chứng “nghiện game” là ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày vì chơi game. Một số phụ huynh cho rằng con họ “nghiện game” mặc dù bài tập về nhà của con rất tốt, nhưng chúng chỉ thỉnh thoảng giết thời gian bằng cách chơi game. Thực ra nó chỉ là tạm thời dùng game để xả stress. Vì vậy, hãy quan sát xem thời gian chơi của trẻ có thực sự quá dài theo quan điểm khách quan hay không.

Nếu trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe do chơi game như thiếu ngủ, suy dinh dưỡng, mất nước.v.v. thì đó là biểu hiện của chứng nghiện game nghiêm trọng. Khi chơi game đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của một đứa trẻ, rất khó để khiến đứa trẻ bỏ được chứng nghiện này. Một số người thậm chí còn mô tả một cách cường điệu chứng nghiện chơi game như một “vấn đề ngoài tầm kiểm soát”.

Tuy nhiên, có thể nhìn nhận vấn đề này theo một hướng khác. 

Mặc dù hoạt động của thần kinh trong não của người nghiện chơi game tương tự như nghiện ma túy. Tuy nhiên, so với nghiện ma tuý thì nghiện chơi game là vấn đề tâm lý. Do đó, nếu trước tiên bạn tìm hiểu kỹ nội tâm của bọn trẻ, rồi từ từ giúp chúng tìm ra hướng đi đúng đắn trong quá trình này, bạn có thể giảm bớt xung đột với trẻ do chơi game. 

Nếu chúng thực sự thích thú với trò chơi điện tử, hãy trò chuyện chân thành với con bạn về vấn đề này cũng là một cách nên làm. Bằng cách thảo luận về việc tương lai sẽ bị ảnh hưởng bởi trò chơi điện tử như thế nào, chúng ta có thể đối thoại với trẻ một cách cởi mở.

Ngoài ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày vì game, đặc điểm của “nghiện game” còn bao gồm “chỉ muốn đắm chìm trong game suốt ngày” và “đặt game lên vị trí ưu tiên hàng đầu”. 

Trẻ nghiện game sẽ suy giảm khả năng phán đoán thực tế, không phân biệt được thế giới ảo và thực. Ngoài ra, trẻ cũng mất hứng thú với những thứ trong thế giới thực, điều này có thể dẫn đến các vấn đề trong các phương diện như mối quan hệ gia đình, các mối quan hệ giữa các cá nhân và bài tập ở trường. Cha mẹ cần hướng dẫn một cách tích cực những đứa trẻ đang nghiện game ra khỏi thế giới ảo. Hãy quan sát kỹ xem có những vấn đề nào khiến trẻ muốn trốn tránh cuộc sống thực, bao gồm: Vấn đề gia đình, vấn đề kết bạn, không thích nghi với cuộc sống học đường, áp lực học tập cao.v.v. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến đứa trẻ chỉ muốn trốn vào thế giới game. 

Cuối cùng, có một lý do khác có thể dẫn đến chứng “nghiện game”: Đứa trẻ không có việc gì làm ngoại trừ chơi game. Vì vậy, hãy để những đứa trẻ nghiện game có cơ hội tiếp xúc với những phương diện khác như nấu ăn, đọc sách, thể thao, thủ công, âm nhạc, nghệ thuật,… để chúng biết sử dụng thời gian một cách lành mạnh thay vì suốt ngày chơi game. Nếu thông qua các hoạt động này, trẻ có thể tự nhiên cảm nhận được niềm vui khi ở bên gia đình hoặc bạn bè, trẻ cũng sẽ tự nhiên nhận ra rằng mình không phải đang sống trong thế giới game, mà là ở thế giới thực. 

Kết luận

Nếu con bạn nghiện chơi game, trước tiên hãy kiểm tra xem có “thế lực” nào trong gia đình đẩy con bạn vào thế giới game hay không. Ví dụ: Văn hóa gia đình độc đoán, thiếu cơ hội đối thoại, đối xử khác biệt giữa các thành viên, ngược đãi, các yếu tố kinh tế.v.v. đều có thể khiến trẻ nghiện game. Ngoài ra, những vấn đề học đường như trẻ bị cô lập ở trường, không thích nghi với trường học, áp lực học tập.v.v. cũng có thể trở thành nguyên nhân chính khiến trẻ nghiện game. 

Hãy giúp trẻ để trẻ có thể cảm nhận được sự tồn tại của mình ở những nơi khác ngoài thế giới game! Khi trẻ em có một môi trường mà chúng cảm thấy an toàn, chúng trở nên tự kỷ luật và có thể quản lý tần suất chơi game của mình.

Theo Epoch Times

Ngữ Yên biên tập