Hà Lan dường như là đất nước không ngừng và luôn có thể cho ra đời những sáng kiến nhằm “cứu vãn thế giới” đầy sáng tạo nhưng không kém phần kỳ quặc. Và gần đây, một dự án kéo dài 2 năm hướng đến mục đích bảo vệ môi trường đã được Hà Lan triển khai: Xây dựng làn đường dành cho xe đạp từ giấy vệ sinh đã qua sử dụng.

bike netherlands
Hình ảnh làn đường dành cho xe đạp ở Hà Lan. (Ảnh: Wikipedia Commons)

Theo các nhà chức trách Hà Lan, mỗi năm người dân nước này tiêu thụ khoảng 180.000 tấn giấy vệ sinh. Bên cạnh đó, người Hà Lan vốn ưa chuộng những loại giấy vệ sinh chất lượng tốt, nên điều đó cũng đồng nghĩa với việc các loại sợi chất lượng cao thường bị lãng phí. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến Carlijn Lahaye, giám đốc điều hành của CirTec – một trong hai công ty đầu tư cho dự án Cellvation này quyết định đầu tư kinh doanh mảng tái chế từ giấy vệ sinh đã qua sử dụng.

Nhà máy xử lý nước thải Geestmerambacht ở gần Alkmaar của Hà Lan đã thực hiện dự án Cellvation, triển khai thí điểm việc sử dụng một loại sàng công nghiệp để lọc nước thải và giữ lại phần giấy vệ sinh bẩn đã qua sử dụng. Mỗi ngày nhà máy này sẽ chiết xuất được khoảng hơn 400 kg (900 pound) chất xenluloza – những sợi tự nhiên có trong các cuộn giấy vệ sinh mà người Hà Lan thường sử dụng.

Người dân Hà Lan tiêu thụ 180.000 tấn giấy vệ sinh mỗi năm.

Tiếp theo, xenluloza này sẽ được khử trùng và trở thành “vật liệu hay dạng viên mềm mịn” dùng để làm lớp cách điện hoặc chai lọ, hoặc làm nguyên liệu thô để sản xuất các sản phẩm như nhựa đường hay vật liệu xây dựng. Trong dự án này, nó được sử dụng làm đường dành cho xe đạp.

Một phần sợi xenluloza này còn được xuất khẩu sang Anh quốc, ở đó, Đại học Brunel cũng đang nghiên cứu công nghệ để biến nó thành nguồn năng lượng, chai nhựa sinh học và các sản phẩm khác.

Mặc dù lượng sợi xenluloza thu được không nhiều nhưng về cơ bản những gì đã triển khai khá khả quan.

Ông Noor Ney – Trưởng phòng vệ sinh của Ủy ban Cấp nước Hollands Noorderkwierier (HHNK) cho hay: “Nước thải không chỉ là chất thải, mà nó còn là nguồn cung cấp những tài nguyên có giá trị: phốt phát, xenluloza, năng lượng và nước sạch”.

Dự án Cellvation tái chế giấy vệ sinh chỉ là một trong rất nhiều dự án của Hà Lan nhằm cố gắng thu được giá trị từ việc tái chế chất thải. Một công ty khác tên là Aqua Minerals cũng tái chế và “biến” nước thải thành viên canxit, một chất quan trọng thường được dùng để làm mềm nước và sử dụng trong ngành sản xuất sơn và gốm sứ.

Theo The Guardian
Minh Minh

Xem thêm: