Khu phố Tàu
(Nguồn: Maridav/ Shutterstock)

Khi sang Canada, tôi chăm chỉ tìm hiểu văn hóa bản địa và cố gắng hòa nhập vào xã hội. Tôi đã học lịch sử, địa lý, các vấn đề dân sự, văn học và các khóa học trung học khác của Canada. Tôi cũng tham gia nhiều khóa học về lý luận lịch sử của các thành phố và khu vườn khi còn là một sinh viên cao học. Tất cả đều tương tự như các khóa học triết học và thần học. Về mặt tư tưởng, tôi cho rằng mình rất gần với người phương tây. Khi chuẩn bị đăng ký thi chuyên gia lập kế hoạch, tôi còn phải học rất nhiều đạo đức phương Tây, bắt đầu từ thời Plato, để hiểu và biết phán đoán tốt xấu. Tôi nghĩ các giá trị của mình đã rất gần với người phương Tây.

Nhưng trong công việc, dù là ông chủ Hồng Kông hay ông chủ không phải người Hoa đều nhắc nhở tôi không được phủ định người khác. Trong số những người Hoa, chắc chắn tôi là một người vui vẻ và tích cực. Khi ở Trung Quốc, mọi người đều yêu mến tôi vì tôi luôn tràn đầy sức sống. Bản thân tôi chưa bao giờ nhận ra rằng đôi khi tôi trước tiên là phủ định người khác. 

Vấn đề này chỉ được bộc lộ khi tôi đi làm tại Canada. Xã hội phương Tây đặc biệt chú trọng về tâm thái tích cực, và rất phản đối tâm lý tiêu cực. Vì vậy, chỉ cần bạn thể hiện một chút ý nghĩa tiêu cực, người khác sẽ rất nhạy cảm với điều này, bởi nó thể hiện sự tương phản giữa bạn và xã hội của họ. 

Sau khi tôi tiếp tục loại bỏ thái độ tiêu cực còn sót lại thông qua công việc của mình, tôi đã gặp một số người Hoa ở Trung Quốc Đại Lục, và thái độ tiêu cực mạnh mẽ của họ thực sự khiến tôi khó chịu. Lúc này tôi mới hiểu sâu sắc hơn tại sao ban đầu tôi phủ định người khác mà sếp tôi lại có ý kiến. Họ chưa bao giờ sống giữa những người Hoa ở Trung Quốc Đại Lục, nên cũng khó chịu như tôi khi nhìn thấy những người này suy nghĩ và nói về mọi thứ một cách tiêu cực.

Tâm lý tiêu cực này chỉ đặc biệt nổi bật ở người Trung Quốc Đại Lục, còn người Hoa ở Đài Loan, Hồng Kông và Singapore thì không như vậy. Điều này cho thấy, đây không phải tâm lý bẩm sinh của người Trung Quốc, cũng không đến từ văn hóa truyền thống Trung Quốc, mà đến từ văn hóa đảng (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ).

Vì vậy, tôi thấy cần phân tích biểu hiện, nguồn gốc và mục đích của những tâm thái này. Những ví dụ dưới đây đều có thật, chúng không chỉ xuất hiện ở một người tôi biết. Những lời kể của tôi chỉ nhằm vào sự việc, không nhằm vào đả kích cá nhân nào.

Thứ nhất, luôn can thiệp vào việc riêng của người khác và câu đầu tiên thường phủ nhận họ

Trong xã hội phương Tây, mọi người thường coi trọng không gian cá nhân, họ biết đâu là việc của mình và đâu là việc của người khác. Mọi người sẽ cởi mở và trung thực chia sẻ những gì đã xảy ra trong cuộc sống của họ, nhưng điều này chỉ nhằm mục đích chia sẻ thông tin và hiểu biết lẫn nhau, tuyệt đối không phải để ai đó chỉ đạo. Nếu thực sự cần một số lời khuyên, họ sẽ hỏi ý kiến ​​của bạn.

Khi lắng nghe những chia sẻ của người khác, người nghe nên bày tỏ sự thấu hiểu của mình, đây cũng là biểu hiện của sự đồng cảm, như vậy sẽ khiến mọi người chung sống hòa thuận hơn. Rất nhiều việc không cần người khác giúp, chỉ cần có người lắng nghe, giúp họ trút bỏ gánh nặng cảm xúc mà thôi. Nếu không ai hỏi ý kiến ​​của bạn, bạn lại khua chân múa tay, chỉ chỉ trỏ trỏ, cũng đồng nghĩa với việc thiếu tôn trọng họ.

Giữa những người Trung Quốc Đại Lục cũng xảy ra tình trạng tương tự, một số người nghe sẽ nói ngay: “Bạn làm sai rồi, nên làm như thế này này …” Câu đầu tiên, họ thường phủ nhận người khác trước, vì luôn đặt mình vào địa vị cao hơn hoặc thông minh hơn người. Họ nâng cao bản thân bằng cách phủ định người khác. Bất kể người kia đang đưa ra đề xuất về việc chung hay nói về việc riêng, câu đầu tiên đều là sự phủ định lạnh lùng.

Tiếp theo, những lời chỉ dẫn của họ dành cho người khác lại càng không phù hợp. Nếu làm theo cách của họ, người trong cuộc không những không đạt được kết quả tốt hơn, mà còn tốn nhiều công sức hơn, bởi họ không hiểu hoàn cảnh của người đó hoặc không thể đặt mình vào vị trí của người khác, mà chỉ áp dụng kinh nghiệm của mình cho người khác một cách cứng nhắc, áp đặt, nhất quyết bắt họ phải nghe theo mình.

Nếu không nghe, họ sẽ quay ngược lại chỉ trích người này thích kiểm soát và bắt nạt người khác. Rõ ràng là họ đang can thiệp quá mức vào chuyện của người khác, khi không được tiếp nhận lại quay ra chà đạp đối phương.

Nếu bị chỉ ra rằng họ thiếu tôn trọng mọi người và nghĩ quá nhiều về bản thân, những người này sẽ ngay lập tức đổi chủ đề và nói: “Tôi khuyên bạn chỉ vì muốn tốt cho bạn mà thôi.” Vì vậy, ham muốn kiểm soát người khác, tự cho mình là đúng đã được che đậy một cách xảo quyệt dưới lớp vỏ “chí công vô tư”. Xin hãy nghĩ xem, chẳng phải ĐCSTQ cũng kiểm soát và ra lệnh cho người dân Trung Quốc nhân danh lòng tốt hay sao?

Thứ hai, chỉ nhìn thấy khuyết điểm, mà không thấy ưu điểm của đối phương

Ở phương Tây, chủ đề của mọi người khi gặp gỡ không phải chỉ nói về thời tiết như được dạy trong giáo dục tiếng Anh ở Trung Quốc. Nhiều khi gặp nhau và chào hỏi, người ta thường nói những lời khiến đối phương hài lòng như: “Em thích cái áo mới của anh!” “Kiểu tóc mới làm bạn trẻ ra!”. Như vậy có thể bày tỏ sự quan tâm của mình dành cho đối phương và để họ biết rằng trong tâm bạn có họ, điều này cũng khiến cuộc trò chuyện trở nên sôi nổi hơn.

Ngay cả khi đó là một cuộc họp chính thức trong công việc của tôi, chẳng hạn như chính quyền thành phố triệu tập một cuộc họp với các nhà quy hoạch, kiến ​​trúc sư và chủ sở hữu của một dự án nào đó. Vài phút trước cuộc họp, khi đợi mọi người có mặt đông đủ, người lập kế hoạch cũng sẽ nói những lời này với nhà hoạch định chính quyền thành phố, giao lưu về cảm xúc với nhau.

Sở Quy hoạch của Canada sẽ không nhận hối lộ như ở Trung Quốc. Nhưng con người là sinh vật có cảm xúc, không phải người ngoài hành tinh, và những giao tiếp cảm xúc tích cực này rất hữu ích cho việc thúc đẩy dự án.

Mặt khác, người Hoa ở Trung Quốc Đại Lục lại làm ngơ trước những người khác, một số người còn có xu hướng chỉ trích người khác, khen ngợi một ai đó là điều quá khó đối với họ. Khi nhìn thấy người khác mặc một bộ trang phục đẹp và làm một kiểu tóc xinh, họ sẽ nói rằng người đó trông thật tệ. Bởi những gì họ học được từ sự giáo dục của ĐCSTQ là phê bình người khác và bộ dạng thô ráp, khổ cực mới là điều tốt.

Việc lôi kéo mối quan hệ của người Trung Quốc Đại Lục nhất định phải được xây dựng trên bàn rượu, chỉ có nịnh hót và tâng bốc, không có lời khen chân thành. Trong các cuộc họp trang trọng, mọi người đều giống như một con rô bốt, dè dặt và khó hòa đồng. Khi đứng lên phát biểu, họ đứng nghiêm trang và phát biểu nghiêm túc, không tự nhiên chút nào.

Nhiều người đã sống ở nước ngoài nhiều năm, nhưng lối tư duy này vẫn không thể thay đổi. Vì họ ở nước ngoài, nhưng chỉ qua lại với người Trung Quốc, không tìm hiểu về văn hóa phương Tây, chỉ biết kiếm tiền, mà không đi đến các công viên, bảo tàng nổi tiếng của địa phương, v.v., lại càng không nói đến việc tiếp nhận một nền giáo dục phương Tây. Vậy nên biểu hiện của họ vẫn giống như những bài giáo dục cứng nhắc trong sách giáo khoa của ĐCSTQ.

Thứ ba, xúc phạm người khác không phải là hài hước

Người phương Tây nổi tiếng với khiếu hài hước. Tính hài hước của họ thường là một số trò chơi logic khách quan, hoặc tự cười nhạo, hạ thấp bản thân để khiến bầu không khí trở nên thoải mái.

Người Trung Quốc có lẽ cũng rất hài hước. Ví dụ, khi nói về phong tục Giáng sinh của phương Tây, người Hoa ở Hồng Kông thường nói: “Chúng tôi giết lợn và cừu trong lễ hội, còn các bạn lại chặt những cái cây nhỏ.” Câu nói đùa này có thể khiến mọi người bật cười vì lỗi lôgic, bởi cây không thể ăn được.

Tôi cũng là một người Hoa có khiếu hài hước. Ví dụ, khi đồng nghiệp hỏi về tuổi của tôi, họ ngạc nhiên rằng tôi đã 50 tuổi. Một đồng nghiệp nữ ngạc nhiên và nói: “Nhìn anh cùng lắm chỉ 38 tuổi!” Đồng nghiệp nam Ali cố tình nói đùa: “Trông anh còn trẻ hơn, như chỉ mới 49.”

Đồng nghiệp nữ muốn sửa cho anh ấy, nhưng tôi đã vui vẻ nói: “Tôi rất vui vì Ali nói rằng tôi trông mới chỉ 49 tuổi.” Mọi người có thể hiểu được chúng tôi đang nói đùa với nhau.

Tôi cũng tự chế giễu bản thân, mọi người đã công nhận tôi trẻ rồi, thì không cần bàn cãi, lùi một bước và khen ngợi đồng nghiệp đã trêu đùa tôi một cách thiện ý còn vui hơn, và khiến mọi người dễ hòa nhập hơn.

Nhưng nhiều người từ Trung Quốc Đại Lục không có khiếu hài hước. Việc chọc giận, làm tổn thương và hạ thấp người khác nhằm nâng cao bản thân là điều vô đạo đức. Đây là một vấn đề phổ biến trong giới hài kịch ở Trung Quốc Đại Lục, họ thường đả kích người bạn đời của mình. Trong khi các chương trình trò chuyện nước ngoài lại thường chế giễu bản thân và các thành viên trong gia đình họ.

Trên Facebook cũng có một số video do người Trung Quốc Đại Lục đăng tải, tôi thấy nội dung khó coi, thô tục, bạo lực và man rợ. Phụ nữ đều hung hãn, mắng nhiếc chồng, con cái cãi cha mẹ như dân côn đồ. Câu đầu tiên cha mẹ nhìn thấy thầy cô giáo là quát tháo, hầu như đều là sự phủ định.

Suốt nhiều năm, nhiều người Hoa Đại Lục ở nước ngoài vẫn xem một cách thích thú, về lâu dài sao có thể loại bỏ những độc tố từ ĐCSTQ đây? Một số người còn cho tôi xem những video như thế này, khiến tôi không chỉ không hài lòng mà còn thấy khiếp đảm.

Điều mà những người này tích tụ vào xương tủy của mình là mang người khác ra làm trò đùa, lấy việc tổn thương người khác làm thú vui, mà bản thân không ý thức được.

Cực đoan nhất là chuyện tang tóc, có thể nói đây là nỗi đau lớn nhất của một gia đình. Người dân thuộc nhiều dân tộc ở Canada sẽ gửi lời hỏi thăm và an ủi chân thành đến gia đình người quá cố, người Hồng Kông và Đài Loan cũng làm rất tốt.

Nhưng một số người Hoa từ Trung Quốc Đại Lục lại có thể thêu dệt về người đã khuất của nhà khác, hoặc chế nhạo mối quan hệ giữa người đã khuất và những người nhà họ, khiến người nhà của người quá cố càng thêm đau xót. Khi bị chỉ chích, những người này lại thản nhiên nói rằng mình đang đùa.

Một sinh mệnh lìa đời là điều vô cùng hệ trọng. Bất kỳ ai qua đời, trong điếu văn của người nhà sẽ luôn cố gắng diễn tả sự đáng quý của người đã khuất lúc sinh thời, và không công khai bất cứ khuyết điểm nào của người đó. Chỉ Cách mạng Văn hóa mới khiến vợ chồng tương đấu, phụ tử tương tàn. Lối tư duy của tất cả những người thích khích bác người quá cố đều là tàn dư từ Cách mạng Văn hóa.

Cái chết của một thành viên quan trọng trong gia đình của người khác, sao có thể trở thành một trò cười được đây? Kiểu người này chẳng qua chỉ là kẻ thiếu nhân tính, thích kiểm soát người khác, không được thì dùng những lời khích bác này khiến họ tổn thương.

Nếu không chủ động diệt sạch lối tư duy này, thì dù sống ở nước ngoài bao nhiêu năm cũng không thể loại bỏ độc tố của văn hóa đảng, họ sẽ luôn tìm nhiều lý do khác nhau để bao biện cho tư tâm ích kỷ của bản thân.

Giữa cơn đại dịch, một thái độ lạc quan sẽ giúp bạn tránh được những điều tiêu cực. Vì sức khỏe và sự an toàn của chính mình, những điều mà trước kia người Hoa cho rằng không quá quan trọng giờ cũng nên thay đổi. 

Tân Địch / Vision Times
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)