Một người dân ở Indonesia mới đây đã chụp được hình ảnh ngôi sao băng phát ra ánh sáng xanh lao vào núi lửa Merapi khiến cư dân mạng bàn luận sôi nổi. Một số người đặt câu hỏi liệu đó có phải là là tia laze do người ngoài hành tinh phát ra hay không? Có người nói đùa rằng có thể điều này sẽ dẫn đến cuộc đại chiến giữa các hành tinh, còn có người thì nói rằng: “Có chuyện lớn rồi!”

Người đàn ông này chụp được hình ảnh ngôi sao băng rơi xuống đỉnh của ngọn núi lửa Merapi vào ngày 27/5, sau đó anh đã đăng tải hình ảnh này lên tài khoản Instagram của anh và nhận được sự chú ý của rất nhiều người.

Người này cho biết vốn dĩ anh muốn chụp hình ảnh núi lửa cùng với trăng tròn, nhưng khi đó anh đã phát hiện ra trên bầu trời có luồng sáng bay nhanh qua rồi rơi xuống núi lửa nên anh đã vội nhấn nút chụp.

Anh đã mô tả sự việc sao băng lao vào đỉnh núi lửa Merapi là “siêu sáng và tốc độ cực nhanh”.

Máy quay giám sát được lắp đặt ở gần ngọn núi lửa Merapi cũng đã quay lại được hình ảnh ngôi sao băng này. Chỉ thấy nó xuyên qua những tầng mây, sau đó phát nổ trên đỉnh núi lửa. (Xem video giây thứ 21).

Một cư dân mạng đã chia sẻ hình ảnh ngôi sao băng lao về phía núi lửa Merapi này trên trang Reddit, và một số người khác đã đùa rằng: “Bạn có chắc là không phải tia laze của người ngoài hành tinh không đấy?”

Sau đó, hình ảnh này cũng đã được đăng tải trên diễn đàn PPT của Đài Loan, thu hút rất nhiều cư dân mạng bình luận: “Có chuyện lớn rồi!”, “Godzilla xuất hiện rồi!”, “Đây là do người ngoài hành tinh ném phải không, sao lại chuẩn như thế được nhỉ?”, “Người ngoài hành tinh đến rồi! Chiến tranh thế giới của Tom!”, “Hẳn là có vĩ nhân nào đó sắp ra đời rồi!”, “Không ngờ hình ảnh này lại có thật”, “Đẹp quá! Thật là giống cảnh tượng trong phim điện ảnh vậy”…

Núi lửa Merapi là một ngọn núi lửa hình nón nằm ở đảo Java của Indonesia, đây là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở nước này. Kể từ năm 1548, ngọn núi lửa này đã phun trào 68 lần không liên tục và được các tổ chức quốc tế liệt vào danh sách 1 trong 16 ngọn núi lửa cần được theo dõi và nghiên cứu trên thế giới.

Minh Ngọc (Theo Epoch Times)

Xem thêm: