Năm nay, chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới là “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution). Dưới góc nhìn khoa học hiện đại, ô nhiễm môi trường toàn cầu không chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thiếu nước, mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái của động vật và thực vật, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm của con người.

rac thai nhua
Chai nhựa thông thường gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Pixabay)

Khẩn cấp chống ô nhiễm nhựa

Ngày 5/6 hàng năm là “Ngày Môi trường Thế giới” (tiếng Anh: World Environment Day). Chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2023 là “Chống ô nhiễm nhựa” để cùng nhau kiểm soát việc sử dụng nhựa quá độ, khơi dậy quan tâm của toàn cầu đối với vấn đề ô nhiễm nhựa và khuyến khích mọi người hành động cụ thể để giảm thiểu và loại bỏ ô nhiễm nhựa.

Việc sử dụng rộng rãi và tiêu thụ quá mức các sản phẩm nhựa đã dẫn đến một lượng lớn chất thải nhựa, trong đó rất nhiều là đổ xuống các vùng nước như đại dương, sông hồ, gây ra mối đe dọa lớn đối với hệ sinh thái biển và động vật hoang dã. Có thể nói ô nhiễm nhựa đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường sống và sức khỏe con người trên toàn cầu.

Dù nhựa có rất nhiều công dụng giá trị cho cuộc sống con người, nhưng việc xã hội loài người trở nên nghiện các sản phẩm nhựa dùng một lần đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, xã hội, kinh tế và sức khỏe.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc (LHQ), trên thế giới mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa được mua và mỗi năm có khoảng 5000 tỷ túi nhựa được sử dụng! Nhìn chung, một nửa số nhựa sản xuất được thiết kế để sử dụng một lần, chúng bị vứt bỏ chỉ sau một lần sử dụng.

Kể từ những năm 1970, sản xuất nhựa đã phát triển nhanh hơn bất kỳ vật liệu nào khác, nếu cứ xu hướng tăng trưởng này thì ước tính sản lượng nhựa toàn cầu sẽ đạt 1,1 tỷ tấn vào năm 2050. Khoảng 36% tổng số nhựa sản xuất được sử dụng trong bao bì, bao gồm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần là hộp đựng thức ăn và đồ uống, trong số đó khoảng 85% đưa vào bãi rác hoặc thành đồ bỏ vứt lung tung ngoài kiểm soát.

Theo thống kê của LHQ, trong số 7 tỷ tấn rác thải nhựa phát sinh trên toàn cầu cho đến nay chưa đến 10% được thu hồi tái chế. Có thể nói mỗi ngày hàng triệu tấn chất thải nhựa bị thải ra môi trường, đôi khi được vận chuyển đến các địa điểm cách xa hàng nghìn km, nơi hầu hết bị đốt hoặc đổ.

Ước tính trong các đại dương trái đất hiện nay chứa khoảng 199 triệu tấn nhựa. Trừ khi chúng ta thay đổi cách chúng ta sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa, nếu không lượng chất thải nhựa xâm nhập vào hệ sinh thái biển có thể tăng gần gấp 3 lần, từ 9-14 triệu tấn mỗi năm vào năm 2016 lên 23-37 triệu tấn dự kiến ​​vào năm 2040.

Rác thải nhựa – dù ở sông ngòi, đại dương hay trên đất liền – có thể tồn tại trong môi trường hàng thế kỷ. Độ bền lâu dài và khả năng chống phân hủy của nhựa khiến chúng gần như không thể phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên. Hầu hết các vật dụng bằng nhựa không bao giờ biến mất hoàn toàn, chúng chỉ phân chia thành những mảnh không ngừng nhỏ hơn, theo đó những hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp và tích tụ trong các cơ quan cơ thể. Không khó hiểu khi thấy vi hạt nhựa trong phổi, gan, lá lách và thận của chúng ta, một nghiên cứu gần đây thậm chí còn phát hiện vi hạt nhựa trong nhau thai của trẻ sơ sinh…

Mỗi người có thể làm gì?

Chúng ta cần hành động ngay bây giờ và phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt từ gốc vấn nạn sử dụng nhựa một lần. Ngày Môi trường Thế giới năm nay nhắc nhở mọi người giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa, theo đó hãy chú trọng 8 điều “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution):

  1. Dọn dẹp bãi biển: Tham gia dọn dẹp bãi biển địa phương. Cùng gia đình làm sạch bãi biển và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
  2. Xin hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy: Hóa đơn điện tử cứu thế giới!
  3. Làm sạch các dòng sông: Các dòng sông là con đường trực tiếp đưa các mảnh vụn nhựa vào đại dương. Mỗi khi chúng ta ra sông chơi chỉ cần thuận tay vớt rác trên sông chính là thể hiện tấm lòng dịu dàng của chúng ta với thiên nhiên.
  4. Mua sắm bền vững: Khi đi mua sắm, hãy cố gắng chọn thực phẩm không có bao bì nhựa, mang theo túi bảo vệ môi trường có thể tái sử dụng, mua sản phẩm địa phương thay vì sản phẩm nhập khẩu và mang theo hộp đựng riêng để giảm rác thải nhựa, qua đó tác động hữu ích đến bảo vệ môi trường.
  5. Thử lối sống không rác thải: Đầu tư vào các sản phẩm bền vững, thân thiện với đại dương như cốc uống cà phê, chai nước… có thể tái sử dụng. Cân nhắc các vật dụng như cốc nguyệt san, bàn chải đánh răng bằng tre và bánh dầu gội để giúp tiết kiệm tiền và bảo vệ đại dương.
  6. Du lịch bền vững: Khi bạn đi du lịch, hãy cố gắng lưu ý giảm thiểu lượng nhựa sử dụng một lần mà mình sử dụng.
  7. Trở thành người vận động bảo vệ môi trường.
  8. Thời trang bền vững: Ngành thời trang tạo ra 20% lượng nước thải và 10% lượng khí thải carbon toàn cầu: “Con số này nhiều hơn tất cả các chuyến bay và vận chuyển quốc tế cộng lại”. Từ bỏ các sản phẩm thời trang nhanh càng nhiều càng tốt, cố gắng chọn mua nhiều quần áo cổ điển và quần áo cũ, chọn loại vải bền, khi quần áo bị hỏng hãy ưu tiên sửa chữa thay vì mua mới. Chọn các sản phẩm làm đẹp không chứa nhựa: Các sản phẩm làm đẹp là nguồn chính chứa vi nhựa đi thẳng từ phòng tắm của chúng ta ra đại dương. Tìm kem chống nắng, sữa rửa mặt, đồ trang điểm, chất khử mùi, dầu gội đầu… có dạng không chứa nhựa.

Thông qua những hành động và nỗ lực đó, chúng ta có thể cùng nhau đánh bại ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của trái đất, đồng thời tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho sự phát triển bền vững.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Môi trường Thế giới

Nguồn gốc của “Ngày Môi trường Thế giới” (tiếng Anh: World Environment Day) có thể truy nguồn từ năm 1972, khi Chương trình Môi trường LHQ tổ chức “Hội nghị Môi trường Con người của LHQ” lần đầu tiên tại Stockholm – Thụy Điển từ ngày 5 -16/6 năm đó, vì vậy đã đề xuất lấy ngày 5/6 là “Ngày Môi trường thế giới” (World Environment Day). Đó không chỉ là lần đầu tiên LHQ đưa vấn đề môi trường ra thảo luận, mà còn kêu gọi thế giới nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; sau đó từ năm 1973, nhằm kỷ niệm cuộc gặp này, LHQ đã ấn định ngày 5/6 hàng năm là “Ngày Môi trường Thế giới” và đến nay vẫn được sử dụng, năm 2023 cũng là kỷ niệm 50 năm “Ngày Môi trường Thế giới”.

Ngày nay, “Ngày Môi trường Thế giới” đã trở thành nền tảng quan trọng để các bên liên quan tại hơn 100 nước trên thế giới tích cực thực hiện các hành động bảo vệ môi trường; kêu gọi mỗi người có hành động tích cực để nhiều hành động nhỏ trở thành sức mạnh to lớn chung tay bảo vệ trái đất của chúng ta, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Chúng ta có thể làm gì cho “Ngày Môi trường Thế giới”?

Chủ đề của “Ngày Môi trường thế giới” năm 2023 là “Chống ô nhiễm nhựa”  (Beat Plastic Pollution), chủ đề hy vọng khơi dậy sự quan tâm của công chúng đối với các vấn đề môi trường, còn chủ đề của năm 2022 là “Chỉ một Trái đất” (Only One Earth).