Trên trang “Sân nhà của người di cư” có tăng tải một bài viết gây chú ý. Tác giả của bài viết này là một người Hoa sống ở nước ngoài nhiều năm, cuối cùng lựa chọn quay về nước phát triển. Sau khi về nước, anh đã gặp rất nhiều cú sốc và những điều không quen. Ở Trung Quốc có rất nhiều cách sống và giá trị quan khác biệt với nước ngoài. Tác giả đã viết ra những gì mà mình đã thấy và nghe được, thu hút sự chú ý của rất nhiều người Hoa ở hải ngoại.

Tác giả bày tỏ rằng trong rất nhiều năm sống ở châu Âu anh đã quen nhiều người bạn làm trong các ngành nghề khác nhau. Trong số đó có những thanh niên chỉ mới 20, cũng có nhiều người hơn 30 tuổi, tuổi tác chỉ là con số, không hề tồn tại khái niệm “giai đoạn nào, làm việc gì”, còn hôn nhân cũng chỉ là một sự lựa chọn, hoàn toàn không phải là “điểm mốc” trong đời, tất cả mọi việc đều không xa rời mục đích chung: Tôi nên sống ra sao trong đời này?

Mọi thứ đều xảy ra xung quanh “tôi”, “tôi” có thể tự do suy nghĩ, quyết định, hành động.

Quan trọng nhất là không có ai chỉ huy, bình phẩm về cuộc sống của bạn được. Bạn tự kiểm soát tốt cuộc sống của mình.

Nhưng khi trở về Trung Quốc thì “ranh giới” này lại biến mất, xung quanh đột nhiên xuất hiện rất nhiều tiếng nói chiếm lấy đầu óc bạn, giành lấy quyền định nghĩa cuộc sống của bạn.

“Nhìn mà xem xung quanh còn có ai lớn như vậy rồi mà chưa kết hôn như con không?”

“Con từng đi nhiều nơi, có nhiều trải nghiệm thì có tác dụng gì chứ? Mẹ nói cho con biết, ở đây con phải thực tế một chút, xem con ở nước ngoài mấy năm đã bỏ lỡ bao nhiêu là cơ hội rồi.”

“Con đã 30 tuổi rồi, sắp bị thế hệ sau 95 bỏ xa rồi.”

“Sao con cứ làm cái nghề truyền thông chẳng có tương lai này chứ….”

Những lời nói này thường đến từ người thân, bạn bè và xã hội.

Ở Trung Quốc, không có lúc nào mà tác giả không cảm thấy mình là “nhóm thiểu số” bị mọi người “đóng khung” đánh giá hết lần này đến lần khác, tuy chưa đến mức giá trị quan bị dao động, nhưng cũng đã hao tổn không ít sức lực và tinh thần trong sự so sánh, xê dịch và xung đột không ngừng với thế giới bên ngoài về mặt tinh thần.

Nhưng ở nước ngoài, hoàn toàn không tồn tại những sự phòng thủ như “đối kháng với thế giới bên ngoài” hay “bảo vệ bản thân”, tất cả mọi thứ đều rất thoải mái, dù bạn là thanh niên độc thân 37 tuổi hay nữ tiến sĩ văn học cũng chẳng có ai có hứng thú đánh giá bạn.

Sau khi về nước thì nhận ra mình đã trở thành “tầng lớp thấp trong xã hội”

Ở Trung Quốc, nếu bạn có thể được 10 điểm thì đừng chỉ muốn 5 điểm, đừng hỏi cái giá phải trả là gì, đừng tính toán xem có vui vẻ hay không; chỉ cần bạn khác chúng tôi thì bạn là “người quái gở, lập dị”, bạn sẽ sống rất khốn khổ.

Tác giả cho biết, khi ở châu Âu, anh thường xuyên tụ tập bạn bè thuộc các ngành nghề khác nhau, có người làm thiết kế, quản lý kho, pha rượu ở quầy bar, lập trình viên, nhân viên hành chính văn phòng, đương nhiên còn có cả những người làm tài chính và các công việc khác, không hề có ai quan tâm đến thành tựu, tương lai hay thu nhập của nhau cả, mọi người đều tùy ý cùng tụ tập, tận hưởng thời gian, trò chuyện và cười đùa.

Thật ra trong số họ có rất nhiều người đều làm những công việc rất “bình thường” đối với chúng ta. Nhưng họ đều hài hước, thông minh, sống rất thoải mái, tự do. Quan trọng hơn là dù là bản thân họ hay bạn bè, người thân quanh họ đều rất nhiệt tình với nghề nghiệp mà họ đang làm, đều nhận ra giá trị và ý nghĩa từ công việc ấy, dù là sự vị tha, niềm vui, tự do hay sự trưởng thành của cá nhân.

Khi mà các thanh niên trên dưới 30 ở nước ngoài vẫn đang hẹn hò, đổi công việc, đi du lịch, tìm kiếm chính mình thì những người cùng độ tuổi với họ ở Trung Quốc lại suốt ngày sống trong lo lắng và buồn phiền, lo không trả nổi tiền nhà nữa, không đổi được xe mới, con không được học trường danh tiếng, chức vị của mình có ngày sẽ bị thế hệ trẻ hơn hoặc người máy thay thế. Nếu là ở Trung Quốc, những công việc “không kiếm được bao nhiêu” sẽ bị xem là “tầng lớp thấp của xã hội”.

Bài viết này đã đánh trúng tâm lý của rất nhiều người Hoa chưa về nước hoặc đã về nước. Có người bày tỏ rằng bài viết này đã nói lên tiếng lòng của họ, đây chính là nguyên nhân khiến họ không muốn về nước.

“Mình không quay về được nữa rồi”

Chắc rằng bất cứ ai ra nước ngoài đều không nghĩ rằng cả đời này mình sẽ ở nước ngoài, ban đầu mọi người sẽ luôn nghĩ rằng nước ngoài rất tốt, cuối cùng có thể ra ngoài rồi, cuối cùng có thể đạt được ước mơ của mình rồi, rồi cũng sẽ quay về nước thôi…

Tác giả cho biết lúc đầu thì cảm thấy ở nước ngoài chẳng có ai thân quen cả, giống như ở nông thôn vậy, không khí rất buồn chán, ảm đạm, sau đó thì đột nhiên cảm thấy rằng thì ra yên tĩnh như vậy cũng rất thoải mái.

Trước đây khi ở Trung Quốc cảm thấy vô cùng náo nhiệt, bây giờ thì về nước lại thấy không quen cho lắm, “người người chen lấn nhau”. Thế nhưng quả thật là đối với những người đã rất lâu chưa về nước thì Trung Quốc giống như một hành tinh khác vậy, vì thế nên đã xảy ra không ít những lần làm “trò cười cho thiên hạ” khi về nước.

Lần đầu tiên về nước rất kích động, cảm thấy có hàng ngàn điều muốn kể, hàng triệu người muốn gặp, rất nhiều nơi muốn đi. Nhưng sau khi về nước thì nhận ra, thì ra mình chẳng có bao nhiêu điều muốn kể cả, kể rồi cảm thấy có thể họ không hiểu, những người bạn mình luôn nhớ cũng không còn là những người bạn ngày xưa nữa, nhóm bạn thân của mình đã trở thành bạn của người khác rồi, những nơi muốn đi đột nhiên không tìm thấy nữa, bởi vì có thể đã bị dỡ bỏ đi mất rồi.

Nếu ở nhà có con lớn lên ở nước ngoài thì có thể sẽ càng khó thích nghi. Bình thường khi ở nước ngoài, các con làm được mọi thứ do không gặp trở ngại về ngôn ngữ, khi đến Trung Quốc thì lại thành ra không làm được gì cả, như thể IQ bị sụt giảm vậy, ngay cả người ta thối tiền cũng có thể bị nhận phải tiền giả.

Tác giả bày tỏ:

Cảm giác như thế giới ấy ngày càng xa ta rồi, muốn quay về, lại không dám; không quay về, trong lòng vẫn có cảm giác khúc mắc và không đành lòng. Sự cách biệt giữa mình và thế giới ấy ngày càng lớn, ngày càng ít liên lạc với bạn bè trong nước, ngày càng không còn tiếng nói chung nữa, ngày càng lười đọc tin tức trong nước…

Nhưng khi thấy bố mẹ ngày càng già đi, trong lòng vẫn luôn có cảm giác áy náy. Thôi vậy, cứ như thế này trước đã, cứ tiếp tục cuộc sống hiện tại trước đã rồi tính sau.

Nhưng rồi có lẽ ta sẽ trì hoãn mãi đến cuối đời…

Ngọc Trúc

Xem thêm: