Từ khi còn nhỏ, Marion Chaygneaud-Dupuy đã có tình yêu đặc biệt với thế giới tự nhiên. Cô thích vào rừng dạo chơi, tìm hiểu về các loài động và thực vật. Đây chính là động lực giúp cô thành lập một dự án nhằm dọn sạch rác thải cho đỉnh Everest – Nóc nhà của thế giới.

 

View this post on Instagram

 

A post shared by @marion.chaygneaud.dupuy

Marion thích đi du lịch để khám phá nhiều vùng đất mới. Theo Bored Panda, 17 năm qua, Ấn Độ hay Tây Tạng đã trở thành quê hương thứ hai của cô gái. Hiện cô Marion đã 39 tuổi và làm nghề hướng dẫn viên leo núi.

Đỉnh Everest là mục tiêu lớn của nhiều người nhưng Marion đã chinh phục được nó 3 lần. Điều đáng buồn là thay vì cảm giác hạnh phúc, cô lại cảm thấy buồn lòng vì Everest chất đầy rác thải. 

Sau khi hoàn thành mục tiêu chinh phục, các vị khách leo núi sẽ bỏ lại lều phát quang, dụng cụ leo núi hỏng, bình gas rỗng, giấy gói, thức ăn thừa… Bên cạnh đó, các vị khách chưa có kinh nghiệm thường thuê người Sherpa (một bộ tộc bản địa) để dẫn đường lên xuống và giúp đỡ nhiều việc khác trong chuyến đi. Người Sherpa phải giúp khách vác vật dụng nặng như lều, bình oxy, dây thừng… nên không thể mang cả rác thải xuống núi được. Kết quả là Everest đang dần trở thành một bãi rác cao nhất thế giới.

Lượng rác thải khổng lồ ở Everest có thể ảnh hưởng đến nguồn nước chảy xuống các thung lũng. Như vậy, người dân bản địa và động vật sẽ phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm độc để sinh sống. 

 

View this post on Instagram

 

A post shared by @marion.chaygneaud.dupuy

Cô Marion chia sẻ: “Khi tôi lên đỉnh Everest vào năm 2013, tôi nhận ra ngọn núi đã bị hư hại rất nhiều trong quá trình khám phá của con người. Ước tính có khoảng 10 tấn chất thải bị bỏ lại. Tôi hoàn toàn bị sốc”.

Đến năm 2016, cô Marion đã thành lập dự án “Làm sạch Everest” (Clean Everest) nhằm dọn sạch rác thải cho đỉnh Everest. Ban đầu, cô sẽ làm sạch đỉnh núi rồi sau đó sẽ mở rộng ra toàn bộ dãy Himalaya. Cô còn thuyết phục chính quyền địa phương cung cấp cho 50 con bò Tây Tạng để giúp đưa chất thải xuống sườn núi. 

Chỉ sau 3 năm, các thành viên trong dự án đã thu gom được 3/4 lượng rác nhân tạo (tương đương 8,5 tấn rác) trên đỉnh núi.

 

View this post on Instagram

 

A post shared by @marion.chaygneaud.dupuy

Với Marion, thiên nhiên là một phần quan trọng của cuộc sống, là sự tồn tại song hành theo từng hơi thở. “Thiên nhiên giúp tôi cảm nhận được rằng mình còn sống. Đó là lý do tôi muốn giúp mọi người được trải nghiệm với thiên nhiên theo cách tốt nhất” – Cô nói.

Nhờ cống hiến to lớn, cô Marion đã nhận được giải thưởng Terre de Femmes vào năm 2019. Đây là giải thưởng vinh danh những phụ nữ có hoạt động tích cực nhằm bảo vệ môi trường.

 

View this post on Instagram

 

A post shared by @marion.chaygneaud.dupuy

Marion không phải là người duy nhất mong muốn dọn sạch rác trên đỉnh Everest. Theo Daily Mail, chủ tịch Hiệp hội Leo núi Nepal, Ang Tsering Sherpa cũng muốn thành lập các đội thu gom rác. Chính phủ Nepal từng áp dụng biện pháp mạnh như thu 4.000 USD (90 triệu VND) từ mỗi đội leo núi. Số tiền này sẽ được hoàn trả nếu từng thành viên mang xuống núi ít nhất 8kg rác.

Phía cao nguyên Tây Tạng, du khách cũng phải mang một khối lượng rác tương tự nếu không sẽ bị phạt khoảng 100 USD (2,2 triệu VND) cho mỗi kg. Một số chuyên gia ở Mỹ đang có ý định xây dựng nhà máy sản xuất khí sinh học gần đỉnh Everest, nhằm biến lượng chất thải của con người trở thành phân bón cho cây trồng.

Minh Minh

Xem thêm: