PGS.TS Đào Ngọc Chương vừa tiếp tục chia sẻ suy nghĩ sau khi status rao bán thơ do ông sáng tác với giá 5.000 đồng mỗi bài sau cơn bạo bệnh nhận được sự quan tâm của nhiều người.

ban tho
“Rất có thể đây là cuộc giao lưu thơ giữa những người bạn với nhau đầu tiên… Trên vòng quay đó tôi hy vọng chúng ta sẽ chạm sự vận động của một vùng thơ trên đất nước…”, thầy Chương cho hay. (Ảnh minh họa/dẫn qua veritasfayetteville.com)

PGS.TS Đào Ngọc Chương, 64 tuổi, hiện giảng dạy môn Văn học Mỹ ở khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP HCM. Mới đây, ông bị xuất huyết não, đang điều trị tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất.

Ông chia sẻ trong thời gian nằm viện, ông cảm thấy “mơ hồ về nhiều chuyện cuộc sống, những khó khăn gian khổ” và quyết định viết thư ngỏ bán thơ do ông sáng tác. Mỗi bài thơ được gửi tới người mua dưới hình thức status với giá 5.000 một bài. Ông cho hay mọi người có thể trả rẻ hơn và cũng lưu ý mọi người ghi rõ địa chỉ để ông có thể in bài thơ và gửi đến các bạn “như là thứ kỉ niệm“. “Tôi sẽ ghi rõ ngày giờ mà tôi sáng tác bởi vì bài thơ có đời sống của nó. Tôi cũng sẽ ký vào đó“, ông cho hay.

Thư ngỏ bán thơ cũng như các dòng chia sẻ của PGS.TS Chương được con trai của ông là Đào Nguyễn Vĩnh viết lại trên trang cá nhân của ông theo yêu cầu của ông từ giường bệnh.

Trong status mới nhất, ông chia sẻ thêm về suy nghĩ bán thơ của mình: “Trong cái lờ mờ giữa sự sống và cái chết, tôi nhận ra đó là vấn đề của những mối quan hệ giữa tôi và gia đình, giữa tôi và xã hội. Dẫu tôi nói bán thơ để chữa bệnh, tôi nghĩ về một cuộc giao lưu thơ hơn vì 5.000 là số tiền tôi nghĩ là vừa đủ để gởi một tờ giấy qua đường bưu điện.

Nhưng trong sự rõ ràng và tách bạch của các bạn, các bạn nghĩ mua thơ là một cách giúp tôi. Có nhiều bạn đề nghị tôi bán 1.500 bài thơ. Tôi xin cảm ơn về những ý nghĩ đó, nhưng tôi phải thú nhận rằng chúng ta không có chung suy nghĩ. Tôi nghĩ về sự giao lưu còn các bạn nghĩ về sự trợ giúp“.

Ông cho hay bài thơ đầu tiên là bài có lời bình của nhà thơ Trần Quốc Toàn, một người bạn mà ông rất quý vì tính cách dung dị.

Người thầy của nhiều thế hệ sinh viên cho hay ông luôn nghĩ về một cuộc giao lưu thơ chân chính. “Rất có thể đây là cuộc giao lưu thơ giữa những người bạn với nhau đầu tiên“, và “Trên vòng quay đó tôi hy vọng chúng ta sẽ chạm sự vận động của một vùng thơ trên đất nước chúng ta. Tôi rất mong các bạn cùng có ý nghĩ chung đó”, ông cho hay.

Phó giáo sư chia sẻ xin giảm giá một bài thơ là 999 đồng và chỉ bán 1 bài thơ 1 người 1 lần, đồng thời gửi lời cảm ơn và xin lỗi “vì có lẽ tôi đã không chọn một cách thông minh để truyền tải ý tưởng của mình. Tôi hy vọng mình có thể quay lại khi tôi cảm thấy minh mẫn hơn“. 

Con trai ông – anh Vĩnh cho biết ông vừa trải qua ca mổ tại Bệnh viện Thống Nhất và ca mổ thành công. Trước và sau ca mổ, anh không có thời gian để làm việc khác vì gần như toàn bộ thời gian anh phải ngồi để ổn định tâm thần cho ông.

Qua một đồng nghiệp của thầy Chương, anh Vĩnh gửi lời cảm ơn đến quý thầy cô và các học trò đã thăm hỏi và nhờ chia sẻ: “Ba buộc em viết status trong lúc đầu óc chưa hoàn toàn tỉnh táo, em chỉ làm theo ý của ba thôi. Gia đình em không muốn mọi người hiểu lầm. Còn sau này, ba của em chắc sẽ không giảng dạy được nữa. Làm thơ, viết lách là cách ông cảm thấy mình còn có ích và còn gắn bó được với nghề Văn. Rất mong quý thầy cô, các bạn sinh viên hiểu và nếu muốn giúp ba em thì hãy làm theo ý nguyện của ba. Ba em sẽ rất vui nếu biết những gì mình viết ra còn được quan tâm…”.

Sinh viên cũ sau khi biết được tình trạng sức khỏe của thầy đã tới bệnh viện thăm, cho hay khi vào thầy đang ngủ nên nói chuyện với con trai thầy, được biết sức khỏe thầy cơ bản đã ổn, đêm có chút mê. Thầy cứ lo chuyện bệnh phải nghỉ việc cả năm nên tỉnh dậy là đòi làm việc.

PGS.TS. Đào Ngọc Chương là giảng viên lâu năm tại Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH và NV – ĐHQG TP.HCM, là chuyên gia về văn học Mỹ và thi pháp tiểu thuyết. Ông có nhiều công trình nghiên cứu, sách xuất bản trong nước, các bài báo đăng tạp chí quốc tế và trong nước, cũng như đề tài dịch thuật đã xuất bản thành sách.

Nghinh Xuân

Xem thêm: