Cư dân ở bang Punjab, miền bắc Ấn Độ lần đầu tiên nhìn thấy dãy núi Himalaya sau 30 năm nhờ sự giảm bớt ô nhiễm không khí. 

núi Himalaya
(Ảnh minh họa: Starry-J/ Pixabay)

Cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, rất nhiều nước ban hành lệnh cách ly toàn cộng đồng để hạn chế sự lây lan. Nhờ vậy mà chất lượng không khí nhiều nơi được cải thiện đáng kể. Trước đó, người dân Ý cũng vui mừng thông báo họ đã nhìn thấy cá bơi trong các con kênh ở Venice.

Những ngày gần đây, người dân Ấn Độ liên tục chia sẻ ảnh của dãy Himalaya trên Twitter. Họ có thể nhìn rõ hình ảnh ngọn núi từ độ xa hơn 100 dặm. Không có dữ liệu chính xác cho biết lần cuối khu vực này nhìn thấy dãy Himalaya nhưng người dân địa phương tin rằng không khí mờ mịt đã tồn tại ít nhất ba thập kỷ. Theo CNN, bầu trời quang đãng là kết quả của việc toàn xã hội tự cách ly trong nhà. Người dân Ấn Độ hiện đã ngừng sử dụng phương tiện giao thông công cộng, còn các hãng hàng không thì hủy các chuyến bay giữa đại dịch COVID-19.

Chất lượng không khí ở Jalandhar (nơi chụp một số bức ảnh của dãy Himalaya) được đánh giá là “tốt” trong 16 trên 17 ngày đầu tiên Ấn Độ đóng cửa. Cùng thời gian 17 ngày này năm ngoái không có một ngày nào không khí được ghi nhận ở mức “tốt”. Theo dữ liệu từ Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2019 của IQAir AirVisual, Ấn Độ chiếm sáu trong số mười khu vực đô thị ô nhiễm tồi tệ nhất trên thế giới. 

AN DO
(Ảnh Shutterstock)

Tác hại của ô nhiễm không khí có sức ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân sống ở đây. Theo Hệ thống dự báo và nghiên cứu chất lượng không khí (SAFAR), mật độ bụi mịn PM2.5 đo được đầu tháng 11 năm 2019 tại New Delhi là gần 900 microgram/m3, cao hơn nhiều so với mức “nguy hiểm” là 500 microgram/m3. Trong khi đó, chỉ số an toàn với sức khỏe theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là tối đa 25 microgram/m3. Một chỉ số khác cũng ghi nhận chất lượng không khí ở New Delhi từ tháng 10 đến tháng 11 đã suy giảm 7 lần.

Nhằm đối phó tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng ở New Delhi, Chính phủ Ấn Độ đưa ra hàng loạt biện pháp, trong đó có đóng cửa toàn bộ trường học trong khu vực và phát khẩu trang cho hơn 5 triệu trẻ em ở đây. Bụi mịn PM2.5 là hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet. Tương đương khoảng 3% đường kính của một sợi tóc người. Các hạt này có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể, xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và tuần hoàn. Sau đó dần làm hỏng phổi, tim và não của con người. Gây ra một loạt các bệnh nguy hiểm như nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính, gây đột quỵ, suy nhược thần kinh, đau tim, hen suyễn, viêm phổi, ung thư phổi, thậm chí tử vong.

Ngoài bụi mịn, các hạt sooty và oxit nitơ thải ra từ xe hơi, nhà máy sản xuất và nhà máy điện có thể tạo thành một hỗn hợp khí ô nhiễm vô cùng nguy hiểm. Khi hít vào, chúng sẽ di chuyển trong khắp cơ thể bạn thông qua đường máu, đặc biệt nguy hiểm khi các bụi này là hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, kim loại nặng… có thể khiến cơ thể bị nhiễm độc, hen suyễn hay ung thư. Ô nhiễm không khí còn gây ra bệnh về mắt và da. Bụi bay vào mắt sẽ làm bắt bị đỏ, có cảm giác bỏng rát, chảy nước mắt, ngứa, khô, có sạn, thị lực suy giảm. Về lâu dài có thể dẫn những bệnh nguy hiểm như đục thủy tinh thể hoặc ung thư. Tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm nặng còn làm chúng ta bị mắc các bệnh về da, rụng tóc, hói đầu.

Không có phương tiện giao thông công cộng và ít xe hơi trên đường, chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt trên khắp đất nước, bao gồm cả ở Delhi và Jalandhar. Thủ tướng Ấn Độ cho biết trong thời gian tới, các hoạt động tập trung vẫn phải hạn chế, người dân phải ở trong nhà và chỉ có các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa/dịch vụ thiết yếu mới được hoạt động.


Minh Minh

Xem thêm: