Một lượng lớn người Vũ Hán nằm ngoài con số thống kê bệnh nhân viêm phổi, bị bức tới nỗi đành phải phơi bày gia cảnh trước 900 triệu cư dân mạng. Nửa đêm họ gửi đi một tin nhắn kêu cứu: “Xin chào, cầu xin bạn nhất định phải xem nội dung dưới đây.”

Benh nhan viem phoi Vu Han
Một người cầu cứu tiết lộ trên Weibo, người cha 59 tuổi của mình bị bỏ tại điểm cách ly không người chăm nom (Ảnh: Weibo swaness)
Benh nhan viem phoi Vu Han 2
(Ảnh chụp weibo)

Người cầu cứu là một cụ ông 77 tuổi, tên là Lưu Lập, một giáo viên về hưu. Ông nói: “Con gái tôi, Lưu Oanh vừa mới qua đời. Cháu bắt đầu phát bệnh từ ngày 22/1, bệnh viện chẩn đoán là bị viêm phổi. Do không thể xếp hàng đợi đến lượt thử thuốc, nên sau khi bệnh tình trầm trọng vẫn không được cứu chữa, các bệnh viện đều từ chối vì lý do không còn giường bệnh. Cuối cùng, vào ngày 30/1 đã qua đời ở nhà tôi. Những người có tiếp xúc mật thiết có 3 người chúng tôi ở cùng nhà, gồm tôi là Lưu Lập, vợ tôi bà Phó Lâm Lê 72 tuổi và cháu ngoại (cháu gái) Trần Vận Thu 13 tuổi. Hiện giờ, tôi, vợ tôi, cháu ngoại tôi đều đã nhiễm bệnh. Vợ tôi bệnh nặng nhất, hồ sơ chẩn đoán tôi đều tải lên đây.”

Hiện nay ông cụ và vợ mình là người thân và người giám hộ duy nhất của cháu gái 13 tuổi. (Cha của cháu đã mất tích sau khi ly hôn.) “Vợ tôi đã bị nhiễm cả hai bên phổi, tôi và cháu ngoại bị nhiễm một bên. Con gái tôi vì không được chữa trị theo thông lệ mà mất ở nhà, chúng tôi bị bức bách tới mức truyền nhiễm cho nhau, nỗi bi phẫn này thực khó tỏ bày! Hai người già chúng tôi làm thế nào mới nuôi được đứa trẻ trong tình cảnh này? Quả thực là vạn phần tuyệt vọng! Khẩn thiết cầu mong hãy cứu lấy đứa trẻ 13 tuổi này, cho cháu được nằm viện chữa trị để bảo toàn mạng sống!”

Nhấn vào trang chủ trên Weibo của ông, dòng đầu tiên chỉ có 2 chữ: “Xin chào.” Một câu “Xin chào” vào lúc hơn 1h sáng khiến chúng ta nhìn thấy mong muốn được cứu vớt một cách tuyệt vọng và giằng xé. Hai chữ đơn giản cũng đủ khiến những trái tim sắt đá nhất phải vỡ òa.

Khó có thể tưởng tượng được, một ông cụ 77 tuổi làm thế nào lại có thể mò mẫn ra Weibo lúc hơn 1h sáng, chỉ vì muốn tìm kiếm cơ hội cầu cứu cho cháu gái mình.

Trên Weibo “Cứu trợ những người viêm phổi”, những lời cầu cứu như vậy có tới 1.500 bài. Hơn nữa cứ 5 phút lại tăng lên mười mấy lời cầu cứu. Nhiều bài viết khiến người xem khó lòng cầm được nước mắt, trong tâm suy sụp.

Sáng ngày 10/2 khi vừa tỉnh giấc, lượng bài đăng trong SuperTalk lại tăng gấp đôi. Tại đây, có rất nhiều sinh mệnh không được tính vào số liệu thống kê. Những người cầu cứu đa phần là đăng giúp người nhà hoặc bạn bè. Những người mắc bệnh có tới 80% đều là người già trên 55 tuổi, sức đề kháng yếu, và có tiền sử bệnh. Rất nhiều người trong số họ không biết dùng Weibo, chỉ có thể miêu tả lại tình hình bệnh tật của người nhà, gửi tin nhắn kêu cứu.

Một người con gái nói: “Phổi của ba tôi đã trắng xóa rồi, điều chúng tôi có thể làm chỉ là chờ chết. Tôi không muốn mất ba. Tôi muốn dùng sinh mệnh của mình đổi lấy sinh mệnh của ba.”

Một người con trai nói: “Tình hình của ba tôi hiện giờ rất xấu, việc hô hấp đã rất khó khăn. Dẫu bản thân tôi cũng đã mắc bệnh, nhưng nghĩ tới tình trạng sức khỏe của ba, tôi đã không còn thời gian nghĩ tới bệnh tình của bản thân nữa rồi. Tâm như dao cứa, từng phút từng giây đều là sự dày vò thống khổ.”

Tại đây, còn có người chưa kịp đợi để được thử thuốc chẩn đoán bệnh đã rời xa cõi nhân thế, cuối cùng người nhà cũng không may nhiễm viêm phổi mới, đang chờ đợi được cứu chữa.

Vì muốn tin kêu cứu của mình có thể được nhìn thấy, họ không chỉ đăng phiếu xét nghiệm, kết quả chụp CT, thậm chí còn mang cả giấy chứng nhận người tàn tật, chứng nhận học lực… Đây không phải là vạch áo cho người xem lưng, mà là bản năng kêu cứu.

Quy luật truyền bá của thời đại này quá tàn nhẫn, bức bách những gia đình không muốn lộ diện cũng phải đưa ra chứng cứ, bức bách tới mức những gia đình sợ tiết lộ danh tính, cũng đành phải phơi bày trước 900 triệu cư dân mạng.

Nhưng nếu họ không được nhìn thấy, có lẽ cuối cùng sẽ trở thành nhóm người nằm ngoài con số thống kê. Trong bảng thống kê, họ chỉ là những chùm ký hiệu, nhưng đối với người nhà, họ lại là tất cả.

Trong những lời cầu cứu, chúng ta còn thấy được quá nhiều nỗi bi phẫn và sự bất lực…

Benh nhan viem phoi Vu Han 3
(Ảnh: chụp màn hình Weibo)

Gần đây, trên Weibo lan truyền một đoạn video ngắn, về một người phụ nữ Vũ Hán trên ban công nhà cao tầng vừa gõ chiêng vừa cầu cứu. Cô ấy khóc mà rằng: “Cứu mạng với, mẹ tôi không xong rồi. Người đâu mau tới đây, tôi hết cách rồi! Quả thực hết cách rồi! Ngày nào tôi cũng gõ thế này, tôi không muốn làm phiền mọi người, nhưng thực sự là tôi hết cách rồi!”

Khi cư dân mạng “@Lôi Gia Đồng” (Đứa trẻ nhà họ Lôi) lần đầu đăng tải video này lên Weibo thì đã nhìn thấy video ấy đã có người đăng vào nhóm Wechat. Anh chia sẻ video này lên Weibo và viết bên dưới: “Phải tuyệt vọng tới mức nào mới ngồi đó gõ chiêng.”

“@Lôi Gia Đồng” nói, không ngờ khi vừa tỉnh giấc đã phát hiện ra Weibo đang lan truyền rất nhanh. Một người tự xưng là chị họ của người phụ nữ gõ chiêng trong video nhắn riêng cho cậu rằng, người phụ nữ gõ chiêng và mẹ cô bị cách ly trong nhà. Tình hình của người mẹ không ổn, “không biết có thể gắng gượng tới ngày mai nữa hay không”. Hơn nữa người phụ nữ gõ chiêng cũng có dấu hiệu lây nhiễm, “Em gái họ gõ chiêng của tôi đêm qua sốt cao cả đêm, cô ấy cũng không thể kiên trì được nữa rồi, xin hãy cứu mạng!”

>> Thống khổ lớn nhất của người Vũ Hán không phải trên thể xác, mà là ở tâm hồn

Theo báo cáo của tạp chí Caijing, người phụ nữ này là Lý Lệ Na, sống tại khu dân cư Quan Lán, đường Tứ Tân, khu Hán Dương, thành phố Vũ Hán. Cô ấy nói: “Mẹ tôi sắp không gắng gượng được nữa rồi, chỉ trong một hai ngày quan trọng này thôi. Tôi cũng có công việc đàng hoàng, nhưng vì xin cho mẹ được nằm viện, tôi không cần thể diện gì nữa, chỉ mong mẹ tôi qua khỏi. ”

Một đoạn video khác cho thấy những tờ tiền giấy bay rợp trời, nghi là từ một người Trung Quốc nhiễm ‘viêm phổi Vũ Hán’. Trong cơn tuyệt vọng, người này ý thức được rằng dẫu bạc vàng đầy kho, thì đứng trước sự hoành hành của đại dịch, cũng chẳng thể đánh đổi được sinh mệnh. “Mạng chẳng còn thì cần tiền làm gì?” Người quay video nói, “Nhà ở tầng 27 khu đối diện đã quăng tiền bốn đợt rồi, mà đều là những tờ 100 đồng nhân dân tệ.”

Minh Tú