Gần đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra tàn tích của một quán rượu có niên đại từ năm 2700 trước Công nguyên dưới bề mặt ở thành phố cổ Lagash, Iraq, cùng với những chiếc ghế dài, lò nướng lớn và tủ lạnh cổ… Phát hiện quan trọng này dường như đã phá vỡ cách hiểu và cái nhìn truyền thống của con người ngày nay về xã hội cổ đại.

khảo cổ
Các nhà khảo cổ gần đây đã phát hiện ra tàn tích của một quán rượu có tuổi thọ lên tới 5.000 năm ở một thành phố cổ Lagash của Iraq. (Ảnh minh họa: Andriy Petryna/ Shutterstock)

Giám đốc hiện trường, Tiến sĩ Sara Pizzimenti từ Đại học Pisa cho biết rằng thay vì đào thẳng xuống, họ sử dụng một cách tiếp cận khác là đào theo chiều ngang của khu vực. Bằng cách đi theo phương pháp này, nhóm đã tìm thấy quán rượu chỉ cách bề mặt 19 inch (khoảng 0,48 mét).

Quán rượu này bao gồm hai phần, khu vực ăn uống trong nhà và ngoài trời. Bên trong còn lưu giữ nhiều băng ghế dài, lò nướng “quy mô công nghiệp” và chiếc tủ lạnh cổ có lịch sử 5.000 năm. Ngoài ra, hàng chục chiếc bát hình nón chứa xác cá đã được tìm thấy ở khu vực sân ngoài trời. Nhóm khảo cổ cho rằng đây là khu vực ăn uống ngoài trời của quán rượu cổ. 

Các phát hiện khảo cổ học quan trọng này dường như đã phá vỡ cách hiểu và cái nhìn truyền thống của con người ngày nay về xã hội cổ đại.

Quán rượu được phát hiện tại Lagash (nay là thị trấn al-Hiba), là một địa điểm khảo cổ rộng 1.000 mẫu Anh. Đây được coi là một trung tâm công nghiệp phồn thịnh với nhiều cư dân sống trong thời kỳ đầu triều đại. Các nhà nghiên cứu cho biết Lagash là một trong những thành phố lớn nhất và lâu đời nhất ở miền nam Lưỡng Hà.

Kể từ năm 2019, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật Lagash. Họ đã sử dụng các phương pháp bao gồm khai quật, khảo sát bề mặt, chụp ảnh UAV (máy bay không người lái), từ kế, lập bản đồ và lấy mẫu địa chất trên một địa điểm trải rộng hơn 600 ha. Đồng thời họ cũng đã thu thập và nghiên cứu các mẫu trầm tích từ độ sâu 80 feet (24,3 mét) dưới bề mặt để tìm hiểu về địa chất và địa vật lý của khu vực này. Việc thực hiện công trình khảo cổ lớn được sự ủng hộ và kết hợp giữa Bảo tàng Đại học Pennsylvania, Đại học Cambridge, Ủy ban Di sản và Cổ vật Nhà nước Iraq.

Tiến sĩ Holly Pittman, giám đốc Chương trình Khảo cổ học Lagash (LAP) và là người phụ trách bộ phận tại Bảo tàng Đại học Pennsylvania, nói rằng: “Địa điểm này có tầm quan trọng lớn về chính trị, kinh tế và tôn giáo. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nghĩ rằng Lagash là một trung tâm dân số quan trọng, sẵn sàng tiếp cận với đất đai màu mỡ và những người chuyên sản xuất thủ công thâm canh.”

Ông Reed Goodman, nhà khảo cổ ở Đại học Pennsylvania, đã nói rằng chiếc lò được tìm thấy trong khu khảo cổ này là một điểm nhấn: “Nó có kích thước rất lớn và hình dáng đẹp. Đặc biệt, nội thất được xây bằng những viên gạch khá lớn”.

Ông Goodman nhận định: “Trên thực tế, người dân thời đó có thể đến những nơi tụ tập công cộng, ngồi uống rượu và ăn cá, thay vì làm việc trong một thời gian dài dưới sự quản lý chuyên chế của nhà vua và giao lưu sau giờ làm việc. Những hiện vật này chứng minh cho chúng ta thấy một lịch sử phong phú và nhiều màu sắc hơn của các thành phố cổ đại.”

Tiến sĩ Holly Pittman cho rằng: “Việc khôi phục một địa điểm như quán ăn công cộng gần 5.000 năm tuổi gần bề mặt này là rất đáng chú ý. Chỉ có một cuộc khai quật theo chiều ngang tỉ mỉ, nhiều giai đoạn mới có thể phơi bày những gì còn sót lại.”

Bà Pittman và nhóm của mình tin rằng công trình khảo cổ học lần này càng khẳng định chắc chắn suy đoán của họ, rằng các xã hội cổ đại không chỉ bao gồm giới tinh hoa và nô lệ (quan điểm chủ đạo trước đây), mà còn có một “tầng lớp trung lưu” cổ đại. 

An Chi (t/h)