Việc không thể tự do du lịch nước ngoài thời đại dịch khiến nhiều phụ nữ giàu có tại Trung Quốc cảm thấy khó chịu vì tài khoản dư giả nhưng không được sắm sửa đồ hiệu tại các kinh đô thời trang.

phu nu giau trung quoc 1 e1633516145459
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Nhiều tháng sau khi cuộc sống trở lại bình thường mới, mức chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ ở thị trường nội địa Trung Quốc đang chững lại do đa số người tiêu dùng giàu có đang chờ được mua sắm ở nước ngoài khi các chuyến bay quốc tế thông thường được nối trở lại, theo SCMP.

Mặc dù có nhiều lựa chọn tại nội địa, đa số người tiêu dùng giàu có Trung Quốc chuộng mua sắm ở nước ngoài, dù là trực tiếp lựa chọn hay thông qua các daigou (người buôn hàng xách tay). Báo cáo do cơ quan nghiên cứu thị trường LookLook ở New York (Mỹ) công bố ngày 5/10 chỉ ra những người tiêu dùng giàu có ở xứ tỷ dân chủ yếu đến từ các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thành Đô và Thâm Quyến với 75% khách hàng của các thương hiệu cao cấp là phụ nữ.

Đồ hiệu gần đây thường được phụ nữ Trung Quốc xem là một thước đo giai tầng xã hội quan trọng và là cách thức giảm căng thẳng. Phụ nữ Trung Quốc hiện đại có xu hướng độc thân và ngại sinh con, coi “có bất động sản, được trả lương cao, mặc hàng hiệu và có lối sống phương Tây” mới là người thành công. Hình mẫu phổ biến của họ trên phim truyền hình là: giỏi, trẻ đẹp, độc lập tài chính, có nhiều chàng trai theo đuổi, thích tập gym và ăn salad.

Điển hình cho trào lưu này là câu chuyện một phụ nữ bị cắt ra khỏi bức ảnh chụp chung với một nhóm các bà nội trợ giàu có trong một sự kiện xã hội do cô chỉ đeo một chiếc túi xách hiệu Chanel khoảng 4.800 USD, trong khi những người khác đều đeo túi Hermès Birkin hoặc Kelly, có giá rẻ nhất cũng từ 12.000 USD.

Phụ nữ giàu Trung Quốc
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Theo công ty tư vấn Bain & Company năm 2020, đại dịch khiến thị trường hàng xa xỉ trên thế giới thu hẹp tới 23% trong hơn một thập kỷ tới. Song, một vài thương hiệu vẫn báo cáo mức doanh thu tăng trưởng ở thị trường Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái, khi người dân bị cấm du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, tới giữa năm 2021, con số này đã chậm lại, trùng khớp với sự suy giảm tổng thể của doanh số bán lẻ toàn quốc và thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng 7%.

“Việc tạm dừng chi tiêu này sẽ bị đảo ngược ngay khi nhóm siêu giàu và khá giả ở nước này được đi du lịch để mua sắm. Điều này có thể diễn ra rất sớm thôi”, bà Malinda Sanna, Giám đốc điều hành LookLook nói.

Báo cáo cũng ghi nhận xu hướng tăng trưởng của “Virtual Double” tại Trung Quốc, nơi người tiêu dùng có thể thuê hoặc mua các trang phục từ những thương hiệu cao cấp, hoặc thử đồ với hình thức trực tuyến. Đây có thể coi là một “liều thuốc giảm đau” cho các tín đồ hàng hiệu trong thời gian việc mở lại các chuyến bay quốc tế chưa thể xác định.

Hoài Anh (tổng hợp)

Xem thêm: