Trong các mối quan hệ, người ta thường có thói quen phán đoán về một người khác, một số điểm phán đoán là rất chính xác. Khí chất thoát ra từ một người có thể khiến người đối diện cảm nhận được họ là thuộc dạng người nào. 8 điểm “quý tướng” dưới đây vẫn thường gặp ở những người cao quý:

quý tướng
Lòng tốt là “quý tướng” quan trọng nhất ở một người. (Ảnh: Fizkes/ Shutterstock)

1. Lòng tốt

Lòng tốt là “quý tướng” quan trọng nhất ở một người.

Nếu một người mà tâm thuật bất chính thì những chuyện khác cũng không còn gì đáng nói.

Người ta cần phải luôn có một trái tim biết ơn và tử tế thì mới có thể nhận được sự kính trọng từ mọi người. Hãy giữ cho mình thiện tâm và làm nhiều việc thiện hơn. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể trở thành một người thản nhiên, điềm tĩnh, đạt được cảnh giới mà “ngày thường không làm điều xấu, nửa đêm không sợ ma gõ cửa”.

2. Thành thực và thủ tín

Thành thực là cái gốc làm người. Người xưa coi trọng chữ tín là một trong những đức hạnh quan trọng nhất của đời người. Có câu “quân tử trọng lời hứa”, đã nói thì phải làm, làm gì cũng để người khác có thể tin cậy.

Chìa khóa để giao thiệp giữa các cá nhân chính là nói về chữ tín. Nói chuyện trên mây, làm việc trái khoáy, chỉ đông đánh tây, trước còn thân thiện hợp tác sau thì quay ngoắt lại không nhận người, thực ra, khi đã để mất lòng tin thì cuối cùng người thua thiệt lớn nhất vẫn chỉ có thể là mình thôi!

3. Có trước có sau

Bất kể việc lớn hay việc nhỏ, đều cần làm có đầu có cuối, làm đến nơi đến chốn, kiên trì và bền bỉ. Nói chuyện, viết lách có mạch lạc, có tính suy luận, điều này thể hiện rằng đây là một người có đầu óc tỉnh táo, xử lý chuyện tự nhiên cũng sẽ biết nặng nhẹ, thong thả hay cấp bách, trong khi bận bịu mà không loạn, khẩn trương mà không luống cuống.

4. Đoan trang đôn hậu

Quân tử trọng uy nghi, đứng có tướng đứng, ngồi có tướng ngồi.

Cổ nhân cho rằng bước đi nhẹ nhàng, thận trọng là điềm cao quý, ai đi vội vàng, không chạm đất sẽ khó có thể phát triển.

Ngoài ra còn có kiểu đi “xà hành tước dược”, tức là đi không đi theo đường thẳng, cứ lắc lư uốn lượn từ bên này sang bên kia giống như rắn, hoặc giống như đi nhảy nhảy nhót nhót như chim vậy. Người xưa cho rằng đây là sự thất bại và sẽ bị bần cùng cả đời.

5. Khiêm nhường lễ độ

Khiêm nhường lễ độ tức là đối với mọi người đều khiêm tốn, đúng mực, ngôn hành cử chỉ cung kính và có tiết lễ.

Người xưa nói: “Dù là người ở đẳng cấp nào thì cũng không được nịnh bợ, dù hành nghiệp gì cũng không được hợm mình.”

Làm người khiêm nhường, nhã nhặn luôn được người người người yêu mến; người cuồng vọng tự đại, lỗ mãng vô lễ luôn chỉ bị người khác ghét bỏ, xa lánh.

6. Lạc quan, bình thản

Nhân tình ấm lạnh, lòng người dễ đổi, mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra như mong đợi. Xem nhẹ và nhìn thấy mọi chuyện chính là lạc quan, tâm bình khí hòa, bình tĩnh nhã nhặn chính là đạt được bình thản.

Nếu tâm linh của một người thanh tịnh, không vấy bẩn, thì dẫu thân này lâm vào cảnh khốn cùng, trong lòng cũng chẳng ưu phiền. Trái lại, khi tâm linh của một người bất an, lo lắng thì dẫu mỗi ngày tĩnh tu nơi rừng sâu núi thẳm, cái tâm kia cũng sục sôi như đang ở giữa chốn phố xá sầm uất, chẳng thể nào an yên. Bởi vậy, cảm thấy vui vẻ, may mắn hay không, phúc khí có đến hay không, là do tâm của mình quyết định.

 7. Tao nhã lịch sự

đọc vị
Tao nhã lịch sự là một loại vẻ đẹp trí tuệ, sự ưu nhã trong phong thái trí thức. (Ảnh minh họa: Flamingo Images/ Shutterstock)

Tao nhã lịch sự là một loại vẻ đẹp trí tuệ, sự ưu nhã trong phong thái trí thức.

Phép lịch sự bao gồm hai mặt lịch sự: Lịch sự trong hành động và lịch sự từ tâm hồn. Lịch sự trong hành động thể hiện ở cử chỉ hành vi, nó tạo nên sự tích cực trong xã hội. Còn lịch sự trong tâm hồn chính là cái mà người ta gọi là “biết sống”, biết hòa nhập với mọi người và cùng mọi người tạo ra đời sống xã hội, mọi hành động hướng tới lẽ thiện, đó là nhân cách của người được giáo dục kỹ lưỡng.

Kể cả những người dù học vấn không cao nhưng lại rất dễ mến và lịch sự trong mắt người khác. Đó là vì hành động của họ xuất phát lòng thiện tâm, cư xử có tình người, cái đó chính là nét đẹp của tâm hồn, nét đẹp của nội tâm trong sáng, không thể đánh đổi bằng các hình thức cử chỉ lịch thiệp bề ngoài.

8. “Thận độc” – Thận trọng lúc ở một mình

Người xưa nói: “Con đường tự tu, không có gì khó bằng dưỡng tâm; mà cái khó của dưỡng tâm lại nằm ở thận độc”.

Mạnh Tử nói trong thiên “Tẫn tâm” rằng: “Ngẩng mặt không thẹn với trời, cúi đầu không thẹn với người”. Cái gọi là dưỡng tâm, nhất định phải là “thanh tâm quả dục”, để tâm thanh tịnh, giảm bớt ham muốn. Cho nên, người có thể tự thận trọng xét lại bản thân mình sẽ không cảm thấy áy náy, hổ thẹn.

“Thận độc” có nghĩa là chỉ việc một người lúc chỉ có một mình cũng phải thận trọng, dè dặt, tự kiềm chế bản thân mình, thủ giữ đức hạnh, không vì ở nơi phòng tối khi không có người hay biết mà tùy tiện phóng túng bản thân.

“Thận độc” bắt nguồn từ Nho giáo, là phương pháp tinh thần của Nho giáo để tự tu dưỡng và rèn luyện bản thân, đề cao ý thức đạo đức cao độ và tính tự giác nghiêm khắc hàng ngày. Nó được coi là cảnh giới cao nhất của Nho giáo.

Bậc quân tử thận độc, ngoài không lừa dối người, trong không tự khinh khi bản thân, trên không bất kính với Trời, trước sau như một, quang minh lỗi lạc.

Người mà có tâm lý bầy đàn, dễ bị lạc trong tập thể, dễ sa đọa trong thói đời trượt dốc. Vì vậy, bậc quân tử tự giữ mình, nơi đông người giữ miệng, ở một mình giữ tâm.

Mộc Lan biên tập/ Vision Times