Đôi khi để đạt được thành công trong cuộc sống, chúng ta phải chấp nhận mất đi một số thứ.

trì hoãn
(Ảnh: Shutterstock)

Khi nghĩ cách cải thiện một vấn đề nào đó, theo bản năng chúng ta thường tập trung tìm thêm những phương pháp bổ trợ hoặc xem xem cần thay đổi những gì.

Khi muốn cải thiện cuộc sống, bạn tự hỏi: “Mình cần những thói quen mới nào?

Khi muốn cải thiện hoạt động kinh doanh, bạn tự hỏi: “Mình cần tiếp thu hoặc thay đổi những quy trình nào?”

Khi muốn trở nên thông minh hơn, bạn tự hỏi: “Mình phải học thêm những kiến ​​thức mới nào?

Khi muốn tăng cường tín tâm, bạn tự hỏi: “Mình phải làm những việc tốt hay tuân theo kỷ luật nào?

Khi muốn cải thiện sức khỏe, bạn tự hỏi: “Mình phải tuân theo chế độ ăn mới hoặc phải tập thêm môn nào?

Có một quy tắc thiết thực rất dễ áp dụng, đó là hầu hết các vấn đề phức tạp đều dễ giải quyết hơn khi chúng ta thực hiện từ hướng ngược lại. Thay vì cải thiện vấn đề bằng cách thêm vào hoặc thay đổi một số thứ, hãy bắt đầu bằng cách xét xem có thể tránh hoặc bỏ bớt đi những gì.

Trong thần học và triết học, cách tiếp cận đó thường được gọi là “quy tắc giảm trừ”. Còn tôi lại thích coi nó như một nghiên cứu về những gì không cần làm.

Con đường của phép trừ

quy tắc giảm trừ
(Ảnh: Shutterstock)

“Quy tắc giảm trừ” có một số ưu điểm:

Thường dễ dàng nhận ra điều sai hơn là điều đúng.

Trong cuộc sống phức tạp, ngay cả khi chúng ta đã bổ sung thêm những thứ có vẻ “tốt” thì cũng không thể nhìn trước được kết quả. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng dự đoán kết quả hơn nếu không làm việc gì đó.

Hầu hết mọi người đều dành nhiều thời gian để suy nghĩ về những gì cần thêm vào, vì vậy khả năng cao là bạn có thể hái được ‘trái ngọt ở gần mặt đất hơn’ bằng cách loại bỏ những thứ không cần thiết. Ví dụ, bạn có thể cải thiện sức khỏe của mình bằng cách bỏ nước ngọt ra khỏi chế độ ăn uống hàng ngày. Hoặc bạn có thể làm cho ngôi nhà của mình trở nên dễ nhìn hơn mà không tốn một xu chỉ bằng cách dọn bỏ những đồ đạc không cần thiết.

Nhiều khi để đạt được thành công chỉ cần đơn giản là tránh những sai lầm lớn mà ngay cả những người thông minh cũng mắc phải. Ví dụ như chi tiêu quá tay, quá cầu toàn hay thường xuyên chậm trễ. 

Quy tắc tắc giảm trừ cho phép bạn tập trung vào những gì quan trọng nhất trong cuộc sống. Quy tắc giảm trừ còn mang lại cho bạn những cơ hội miễn phí. Ví dụ: nếu bạn bỏ chút thời gian để quan tâm tới người hàng xóm thì có thể nhận được lời mời ăn tối vào phút cuối. Tất nhiên, bạn không bắt buộc phải sử dụng hết tất cả các cơ hội này trong cuộc sống.

Áp dụng quy tắc giảm trừ

quy tắc giảm trừ
(Ảnh: Shutterstock)

Dưới đây là một số lĩnh vực trong cuộc sống thực tế mà bạn có thể cải thiện bằng cách loại bỏ hoặc giảm bớt những gì đang có.

Chủ nghĩa hoàn hảo: Thay vì bị chậm lại vì truy cầu một kết quả hoàn hảo, hãy thử đặt cho mình một khoảng thời gian nhất định để đưa ra quyết định và thực hiện nó.

Sự bừa bộn: Thay vì sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, hãy thử giảm bớt số lượng đồ đạc hiện có.

Mất tập trung: Thay vì tìm kiếm các gợi ý để tăng sự tập trung, hãy bắt đầu bằng cách loại bỏ các nguồn gây xao nhãng chính trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn không thể loại bỏ chúng hoàn toàn, hãy để chúng ở chỗ khó tiếp cận hơn (như điện thoại thông minh chẳng hạn).

Kiến thức mới: Thay vì đọc một cuốn sách hay trang blog tự lực, hãy thử viết ra 5 điều bạn đã học được trong năm trước và dành thời gian trong năm nay để cố gắng nắm vững chúng.

Sự trì hoãn: Thay vì mong có thêm thời gian trong ngày hoặc tò mò bí mật nào đó của người khác, hãy tìm cách loại bỏ nguồn gốc của sự trì hoãn và làm những việc thiết thực.

Thói quen: Thay vì tìm kiếm những thói quen mới, hãy bắt đầu bằng cách loại bỏ những thói quen xấu trước.

Chế độ ăn: Thay vì thử một chế độ ăn theo mốt mới, hãy ăn ít những thứ không có lợi cho sức khỏe. Một cách khác là thỉnh thoảng nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định. Lúc ăn, lúc nhịn có thể sẽ dễ thực hiện hơn.

Công việc: Thay vì thêm một cuộc họp, dự án hoặc ý tưởng khác, hãy tìm kiếm những điểm không hiệu quả trong hệ thống hiện tại có thể loại bỏ hoặc giải quyết.

Tài chính: Thay vì lập một bản kế hoạch ngân sách phức tạp, hãy bắt đầu với chi tiêu hiện tại của bạn và lọc ra một vài khoản chi tiêu mà bạn có thể cắt giảm. Lặp lại điều này thường xuyên nếu muốn.

Sản phẩm chứa hóa chất: Thay vì dùng thêm các sản phẩm mới với mục tiêu tốt cho sức khỏe nhưng lại chứa toàn hóa chất, có một cách không có tác dụng phụ là loại bỏ bớt những sản phẩm chứa hóa chất không cần thiết.

Thực hành lối sống giản dị

song toi gian
(Ảnh: shutterstock.com)

Tóm lại, “quy tắc giảm trừ” chỉ là một ứng dụng khác của thực hành lối sống đơn giản. Có nhiều cách không mất thời gian và cực kỳ dễ làm để đơn giản hóa cuộc sống của bạn. Sống đơn giản mang lại cho bạn và những người xung quanh rất nhiều lợi ích.

Học cách bỏ những gì không cần thiết chính là đang thực hành “quy tắc giảm trừ”. Thật đơn giản để xem xét lại những gì bạn đang làm và tự hỏi bản thân có thể bỏ bớt được những gì. Sử dụng các giải pháp khác (có thể phải mất phí) không những khó hơn nhiều mà còn có thể khiến bạn phải suy nghĩ và làm việc quá mức. 

Hơn hết, việc thực hành lối sống giản dị sẽ giúp bạn giảm những thứ thừa thãi trong cuộc sống và buộc bạn phải quyết định điều gì là quan trọng nhất đối với bạn. Nó khuyến khích bạn sống có chủ đích hơn thông qua những lựa chọn mà bạn đưa ra. Hy vọng quy tắc này sẽ giúp ích cho bạn trong cuộc sống.

Mike Donghia, This Evergreen Home
Ngọc Chi biên dịch

Xem thêm: