Con sông Shweli (Thụy Lệ, hay còn gọi là sông Long Xuyên) chảy xuyên qua biên giới Trung Quốc và Myanmar mới đây đột nhiên chuyển sang màu đỏ không rõ lý do. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử con sông này xảy ra sự việc này khiến người dân địa phương cảm thấy hoang mang lo sợ. Họ nghi ngờ là do ô nhiễm từ nhà máy của Trung Quốc gây nên.

Theo tờ ASEAN Today, sông Shweli chảy qua bang Shan của Myanmar và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Vào ngày 10/6, nước sông này bỗng chuyển thành màu đỏ, người dân địa phương nghi ngờ là do các nhà máy Trung Quốc đổ nước thải ở thượng nguồn sông. Bên bờ của con sông này có nhiều nhà máy sản xuất đường, giấy, thịt và cá đóng hộp.

Cư dân địa phương Sai Aye sống ở gần đó cho biết, họ chưa từng nhìn thấy nước sông Shweli có màu đỏ bao giờ, đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc này. Họ không biết phía Trung Quốc đã làm những gì.

Nghị viên của bang Shan, ông Sao Kyaw Thein nói rằng: “Tôi nghĩ rằng một nhà máy nào đó của Trung Quốc đã đổ nước thải vào con sông này. Chúng tôi đã gửi thư phản đối đến bộ phận đối ngoại của thành phố Thụy Lệ thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.”

Ông Sao Kyaw Thein còn cho hay, họ đã gửi các mẫu về chất lượng nước của sông Shweli đến một phòng thí nghiệm ở Mandalay để xét nghiệm.

Mặc dù lý do tại sao sông Shweli chuyển sang màu đỏ vẫn chưa được xác định, nhưng sự việc này đã khiến người dân Myanmar chú ý đến tình trạng ô nhiễm môi trường có thể do dự án “Một vành đai – Một con đường” của Trung Quốc gây ra.

Khu vực sông Shweli của Myanmar và thị trấn biên giới phía đông bắc Muse là cốt lõi của thương mại hai nước Trung Quốc và Myanmar. Sông Shweli kéo dài dọc Hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar, đây là một trong những điểm chính của dự án “Một vành đai – Một con đường”.

Thị trấn Muse là một trong những cửa khẩu giao dịch biên giới Trung Quốc – Myanmar. Theo thông tin chính thức, khoảng một nửa giao dịch biên giới đất liền của Myanmar được thực hiện thông qua Muse, thu về tổng giá trị lên đến 6 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Hiện nay giao dịch tại Muse đã bị hạn chế nghiêm trọng do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Cũng giống như tại nhiều khu vực khác, dự án “Một vành đai – Một con đường” của ĐCSTQ đã gây ra tranh cãi về cách đối phó với tác động của các dự án phát triển ở biên giới. Nhiều năm trở lại đây, có rất nhiều đoàn thể địa phương đã luôn yêu cầu được cung cấp thêm thông tin rõ ràng hơn về dự án này.

Theo Epoch Times
Minh Ngọc

Xem thêm: