Dậy thì sớm vốn là hiện tượng đã được phát hiện từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, các bác sĩ trên khắp thế giới hiện đang bối rối trước ​​sự gia tăng đột biến tình trạng dậy thì sớm ở trẻ em gái trong thời kỳ đại dịch. 

dậy thì sớm
Dậy thì sớm có thể gây nên những ảnh hưởng xấu về cả thể chất lẫn thần đối với trẻ. (Ảnh: UGChannel/ Shutterstock)

Hiện nay ở nước ta, hiện tượng trẻ dậy thì sớm cũng không còn là cá biệt mà đã trở thành xu hướng đang ngày càng gia tăng. Chị T. tại Gò Vấp, TP HCM bất ngờ khi mẹ mình thông báo con gái chị (10 tuổi) đã xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Mẹ chị phát hiện ra điều này khi tắm cho bé. Chị T. kể thế hệ 8x của chị thông thường phải đến 14 tuổi mới bắt đầu có kinh nguyệt. Mẹ chị cảm thấy lo lắng không rõ cháu mình có bất thường gì đã hỏi dò nhiều người quen biết và cũng được họ kể rằng con/cháu họ cũng xuất hiện kinh nguyệt vào lúc 10 tuổi.

Theo một nghiên cứu của Ý, trong thời kỳ đại dịch, số lượng trẻ em gái nước này đến khám chữa bệnh do dậy thì sớm đã tăng gấp 3 lần so với trước đó. Các bác sĩ ở Mỹ và Ấn Độ cũng đã quan sát thấy tình trạng tương tự. Hiện tại, người ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm, nhưng trong thời kỳ đại dịch, các trường hợp mắc bệnh đã tăng lên đáng kể trên khắp thế giới, hiện các chuyên gia đang cố gắng tìm ra nguyên nhân đằng sau.

Các chuyên gia bối rối trước sự gia tăng của “nạn” dậy thì sớm trong thời kỳ đại dịch trẻ em gái toàn cầu

Các nhà nội tiết nhi từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Ý, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, đã phát hiện thấy sự gia tăng các lượt khám bệnh do dậy thì sớm trong thời gian đại dịch, nhưng không rõ liệu điều này có phải do căng thẳng, ít vận động hay do cha mẹ có nhiều thời gian ở bên con từ đó có điều kiện dễ dàng nhận thấy sự thay đổi này?

Các chuyên gia ở Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng nhiều bé gái bước vào tuổi dậy thì ở độ tuổi 6 hoặc 7. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy rằng các bé gái vào giữa những năm 1990 đã có những dấu hiệu dậy thì đầu tiên trung bình vào khoảng 10 tuổi, sớm hơn 1 năm so với trước đó, gây chấn động giới y khoa.

Theo báo cáo của tờ NewYork Times, Tiến sĩ Marcia Herman-Giddens, giáo sư trợ giảng tại Trường Y tế Công cộng Toàn cầu Gillings của Đại học North Carolina, lần đầu tiên chú ý đến vấn đề này khi đang là Giám đốc Nhóm vấn đề lạm dụng trẻ em tại Trung tâm Y tế Đại học Duke vào cuối những năm 1980. Bà nhận thấy những thay đổi về thể chất ở các bé gái, nhiều bé gái bị lạm dụng bắt đầu phát triển ngực từ khi 6 hoặc 7 tuổi, khiến bà nhận thức được rằng có điều gì đó không ổn.

Tiến sĩ Herman muốn biết liệu những bé gái phát triển ngực sớm có nhiều khả năng bị lạm dụng tình dục hay không, nhưng không thể tìm thấy bất kỳ dữ liệu nào theo dõi thời điểm bắt đầu dậy thì ở các bé gái ở Hoa Kỳ. Vì vậy bà quyết định tự mình thực hiện nghiên cứu. 

Một thập kỷ sau, bà đã công bố một nghiên cứu trên 17.000 trẻ em gái trên toàn quốc. Các con số tiết lộ rằng, trung bình, các bé gái vào giữa những năm 1990 đã bắt đầu phát triển ngực (thường là dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì) vào khoảng 10 tuổi, sớm hơn 1 năm so với ghi nhận trước đây. Sự sụt giảm thậm chí còn rõ nét hơn ở các bé gái da đen, trung bình bắt đầu phát triển ngực vào năm 9 tuổi.

Tiến sĩ Herman kể lại rằng cuộc nghiên cứu đã gây sốc cho cộng đồng y tế vào thời điểm đó, nhưng khám phá cuối cùng đã trở thành bước ngoặt trong sự hiểu biết y học về tuổi dậy thì. Các nghiên cứu trong nhiều thập kỷ đã xác nhận rằng kể từ những năm 1970, trẻ em gái ở hàng chục quốc gia trên thế giới có tuổi dậy thì giảm khoảng 3 tháng sau mỗi 10 năm. Hiện tượng tương tự cũng được tìm thấy ở trẻ em trai, nhưng không quá nghiêm trọng như trẻ em gái.

Dậy thì sớm có thể có những tác hại, đặc biệt là ở trẻ em gái. Trẻ em gái dậy thì sớm hơn dễ bị trầm cảm, lo lắng, sử dụng chất kích thích và các vấn đề tâm lý khác so với trẻ em cùng tuổi dậy thì muộn hơn. Trẻ em gái có kinh nguyệt sớm hơn cũng có nguy cơ mắc ung thư vú hoặc ung thư tử cung khi trưởng thành.

Béo phì

Hiện không ai biết các yếu tố nguy cơ của dậy thì sớm hoặc tại sao lại có sự khác biệt giữa các chủng tộc và giới tính. Béo phì dường như đóng một vai trò nào đó, nhưng không giải thích đầy đủ về sự thay đổi này. Các nhà nghiên cứu vẫn đang điều tra các yếu tố tiềm ẩn khác, bao gồm một số loại nhựa và hóa chất gây ra căng thẳng. Ngoài ra, các bác sĩ trên khắp thế giới đang nhận thấy sự gia tăng các trường hợp dậy thì sớm trong thời kỳ đại dịch.

Béo phì có liên quan đến thời kỳ kinh nguyệt sớm hơn ở trẻ em gái kể từ những năm 1970. Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng những bé gái thừa cân hoặc béo phì có xu hướng bắt đầu hành kinh sớm hơn những bé gái có trọng lượng trung bình. 

Tiến sĩ Natalie Shaw, nhà nội tiết nhi khoa tại Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia, người đã nghiên cứu về tác động của béo phì đối với tuổi dậy thì, cho biết: “Tôi không nghĩ rằng có nhiều tranh cãi rằng béo phì là nguyên nhân chính dẫn đến dậy thì sớm ngày nay.”.

Tuy nhiên, bà nói thêm, nhiều bé gái phát triển sớm không bị thừa cân. Bà nói: “Béo phì không thể giải thích tất cả những điều này.”

Nhà khoa học y tế Đan Mạch: Hóa chất là thủ phạm

Sau nghiên cứu của Tiến sĩ Marcia Herman-Giddens, Tiến sĩ Anders Juul, một nhà nội tiết nhi khoa tại Đại học Copenhagen ở Đan Mạch, bắt đầu nhận thấy sự gia tăng số lượng chuyển chẩn (chuyển nơi khám) trong giai đoạn đầu tuổi vị thành niên ở Copenhagen, hầu hết trong số đó là các bé gái đã phát triển ngực vào lúc 7 hoặc 8 tuổi.

“Sau đó chúng tôi nghĩ, đây có phải là một hiện tượng có thật không?” Tiến sĩ Juul đặt câu hỏi.

Sau đó, trong một nghiên cứu năm 2009 trên gần 1.000 nữ sinh ở độ tuổi đi học ở Copenhagen, Đan Mạch, ông tin rằng việc tiếp xúc với hóa chất là thủ phạm. Nghiên cứu năm 2009 của ông cho thấy những bé gái có ngực phát triển sớm hơn có hàm lượng phthalate trong nước tiểu cao nhất. Phthalate là một hóa chất dùng để làm cho nhựa bền hơn, nó được tìm thấy ở khắp mọi nơi trong cuộc sống.

Phthalate thuộc về một loại hóa chất rộng hơn được gọi là “chất gây rối loạn nội tiết” có thể ảnh hưởng đến hành vi của hormone và đã trở nên phổ biến trong môi trường trong vài thập kỷ qua. 

Căng thẳng và chấn thương cũng là những yếu tố có thể góp phần, và những bé gái mà mẹ có tiền sử rối loạn tâm trạng cũng như những bé gái không sống với cha ruột dường như dậy thì sớm hơn. Các yếu tố về lối sống như thiếu hoạt động thể chất cũng có liên quan đến những thay đổi trong thời gian dậy thì.

Trong nhiều thập kỷ, sách giáo khoa y học đã sử dụng “Thang đo Tanner” (Tanner Scale) để xác định các giai đoạn dậy thì khác nhau. Thang đo xác định rằng Đối với trẻ dậy thì sớm hơn 8 tuổi đối với trẻ em gái và 9 tuổi đối với trẻ em trai, các bác sĩ cần sàng lọc liệu có phải trẻ mắc chứng rối loạn nội tiết tố hiếm gặp được gọi là dậy thì sớm trung ương (central precocious puberty). Trẻ mắc chứng rối loạn này thường được chụp cắt lớp não và dùng thuốc ngăn chặn tuổi dậy thì theo quy định để trì hoãn sự phát triển giới tính cho đến một độ tuổi thích hợp.

Thanh Mộc (t/h)