Một người tin vào điều gì, thì cuộc đời họ sẽ có thể gặp được điều đó. Nội tâm bạn thanh tịnh, quang minh, bạn sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh, quang minh từ thế giới bên ngoài. Ánh mắt thuần tịnh mới có thể thấy được mỹ cảnh, tâm hồn thuần tịnh mới gặp được tình cảm chân thành. Thanh tịnh là một cảnh giới nhân sinh, cũng là sự tu hành kiếp nhân sinh.

shutterstock 1148383130 image
(Ảnh: Shutterstock)

Người thanh tịnh thoát tục, tâm không vướng bận

Người thanh tịnh hành sự không chần chừ, không do dự. Họ sẽ không vì bận rộn mà luống cuống, có thể siêu thoát khỏi con người và sự việc cụ thể, không bận lòng bởi tình cảm và được mất nhất thời.

Trong cuộc đời một người sẽ có rất nhiều sự việc xảy ra. Chỉ trong giây lát đã xảy ra việc hay gặp phải những điều trắc trở ngoài dự liệu, chẳng kịp trở tay, đôi khi lại là những lợi ích từ trên trời rơi xuống. Dẫu là việc lớn việc nhỏ, dẫu là chuyện xấu chuyện tốt, xin chớ bận lòng.

Trong cuộc sống sẽ gặp phải những sự tình chẳng như ý, hay những người “đặc biệt”. Người thanh tịnh sẽ không chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực.

Người thanh tịnh
(Ảnh: Marvent/Shutterstock)

Tâm thanh tịnh sẽ giúp họ có thể vượt thoát khỏi sự dày vò của những phiền não, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Họ hiểu rằng không thể bận lòng bởi những người “đặc biệt” đó. Như Trang Tử từng nói, chẳng thể nói chuyện mùa đông giá lạnh với loài hạ trùng. Người thanh tịnh có thể nhìn thoáng, không so đo được mất nhất thời.

Họ có cốt cách, có thể tịnh hóa thân tâm. Họ như một dòng sông chảy mãi chẳng ngừng. Mọi phiền não, đả kích trong cuộc sống đều như những nhánh sông, như những dòng suối nhỏ, dẫu chúng đục ngầu, cũng đều được tẩy tịnh trong dòng nước ào ạt.

Người thanh tịnh lương thiện, không tà niệm

Hành thiện là vui nhất, không cầu người biết. Hành ác là khổ nhất, chỉ e người hay. Nội tâm có ác niệm, ắt là kẻ xấu; nội tâm không thanh tịnh, kỳ thực cũng là điều khổ tâm nhất. Bởi lẽ lương thiện là hành vi thuộc về dương, là phía huy hoàng, là sự khoáng đạt. Hành vi ác lại thuộc về âm, là co cụm, căng thẳng, kèm theo cảm giác sợ hãi, thống khổ.

Tâm tồn thiện niệm, quang minh, tĩnh tại thì dẫu về tinh thần hay thể xác cũng đều tường hòa. Bởi lẽ thiện niệm có thể kích thích dương khí trong cơ thể, quét sạch mây mù trong thâm tâm.

Người thanh tịnh tiến thẳng trên con đường chính đạo, hành sự quang minh lỗi lạc, ngửa mặt không thẹn với Trời, cúi đầu không thẹn với người. Kiểu người này trong tâm thản đãng, như làn gió mát khi trời hửng nắng sau cơn mưa, như vầng trăng sáng sau trận bão tuyết. Trong tâm thanh tịnh vạn vật tự nhiên cũng tươi sáng, thuần khiết.

Người thanh tịnh thanh đạm, vô cầu

Phòng trống thì sáng, may mắn tràn về. Nếu trong phòng chất đầy đồ, ắt sẽ ách tắc chẳng thể lưu thông, ánh sáng cũng chẳng thể lọt vào. Phong thủy cũng quan niệm như vậy.

Con người tạo nên rất nhiều đồ chứa, là vì ruột của nó trống không, nên mới có thể chứa đồ. Con người xây dựng phòng ốc là vì phòng trống rỗng nên người mới có thể ở.

Người có nội tâm thanh tịnh, thong dong tự tại, tâm như căn phòng trống vậy, không có tạp vật và rác thải, nội tâm thông thấu, an hòa.

Họ sẽ không bị dục vọng bức bách, không vì tham cầu quá nhiều mà phóng túng bản thân. Một người nếu lún sâu vào biển dục vọng, tham lam vô độ, sẽ mất đi linh tính, ngộ tính và trí huệ trong sinh mệnh, từ đó bỏ lỡ rất nhiều cơ duyên và phúc báo trong đời. Tâm thanh tịnh, thản đãng thì trí huệ, linh tính, phúc phận mới tăng thêm.

Dục vọng như ngọn lửa không ngăn sẽ lan rộng, dục vọng như con nước không chặn sẽ ngập trời. Tham dục quá sâu, nội tâm ắt sẽ bốc mùi khó chịu, tinh thần khô héo, phúc lộc thọ và tài vượng, may mắn nên có trong đời cũng bị bào mòn.

Cho nên, làm người phải thanh tịnh, học cách kiềm chế dục vọng của bản thân. Tĩnh tọa là một loại công pháp thường gặp trong dưỡng sinh, không chỉ giúp con người giảm áp lực, mà còn có thể chữa trị rất nhiều loại bệnh, đạt được hiệu quả dưỡng sinh. Khi ngồi tĩnh tọa không những tâm phải tĩnh, mà còn cần nắm vững một vài yếu lĩnh sau:

Tĩnh tâm: Xét về lý luận, khi ngồi tĩnh tọa, cần chú trọng tới chữ “Tĩnh”, bí quyết của tĩnh lại nằm ở tâm. Tĩnh tâm là yếu lĩnh nhập môn. Nếu tâm không thể tĩnh, thì mọi pháp tu hành đều chẳng thể đặt định gốc rễ. Vậy nên tĩnh tọa cần tĩnh tâm, tĩnh tâm cần dưỡng tâm, luyện tâm. Phép dưỡng tâm có 6 cách: Tâm rộng, tâm chính, tâm bình, tâm định, tâm tịnh, tâm an.

Từ đó mới có thể cắt bỏ những tâm tham dục lúc thường ngày như tâm cậy quyền, cậy thế, tâm oán hận, tâm sợ hãi, tâm thích hành ác, tâm tranh đấu… Tâm vướng bởi sự việc, lửa giận động ở trong đó; tâm hỏa hễ động, tinh khí ắt bị lay động. Tâm tĩnh vạn sự an.

Thiền định thanh tịnh
Một người phương Tây đang tập bài thiền định của Pháp Luân Công. (Ảnh: minghui.org)

Điều tức: Các chủng dục niệm đều do tâm sinh, nên tâm bất động mới có thể thấy được chân tâm, hay còn gọi đạo tâm của mình.

Trong khi thực hành tĩnh công, có thể lắng nghe hơi thở. Hơi thở nhanh chậm, nông sâu cứ thuận theo tự nhiên, không cần gắng sức lèo lái. Tâm không tạp niệm, vạn duyên buông bỏ, những chuyện đã qua không hồi tưởng, những chuyện trước mắt chẳng bận lòng, chuyện tương lai không xét đoán. Thân thể được thư giãn, tâm trí được nghỉ ngơi, tinh thần mới có thể an định, thư thái, tự nhiên.

Lê Minh