Ai cũng mong muốn có một mái nhà yên ấm, hòa thuận để đi về. Tuy nhiên, tình cảm của nhiều đứa con đối với gia đình, ngoài những ấm ức, còn mang trong mình một chút hận thù cha mẹ. Cha mẹ không ổn định về mặt tình cảm, khoảng cách với con cái sẽ càng xa, vết thương trong lòng trẻ càng khó lành.

cha mẹ cáu gắt
(Ảnh: Pixel-Shot/ Shutterstock)

Thầy giáo Hải gần nhà tôi, tuổi còn trẻ, nghề nghiệp ổn định, được bố mẹ giúp mua nhà, lẽ ra cuộc sống sẽ thuận buồm xuôi gió. Tuy nhiên, chị Loan vợ anh lại thường dễ nóng giận, mất kiểm soát cảm xúc. Trong nhà cứ thế trở nên náo loạn, khi đứa con được 4 tuổi, anh Hải đành phải ly hôn vợ và nuôi con một mình.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Hải vào một trường trung cấp dạy học rồi kết hôn với chị Loan, vốn là bạn cùng lớp thời đại học. Họ đã có với nhau một bé gái. Vợ của anh Hải bình thường tính tình rất tốt, nhưng khi nóng nảy, cô ấy sẽ quát mắng, thậm chí đánh đập con mình. Chuyện bình thường như đứa trẻ đôi khi bị trớ sữa, cũng trở thành lý do khiến chị Loan cáu gắt, liền véo và đánh đứa trẻ mới vài tháng tuổi.

Ngay cả mẹ của anh đến chăm sóc con dâu và cháu, trong lòng cũng luôn nơm nớp lo lắng, sợ rằng mình có thể sẽ chọc giận con dâu nếu lỡ nói câu nào không hợp ý. Anh Hải cũng không ngờ sự việc lại nghiêm trọng như vậy, vốn là khi còn yêu đương tìm hiểu, chị Loan tuy tính tình khá thất thường, nhưng dù sao anh vẫn có thể chịu đựng được. Anh còn nghĩ có khi lập gia đình rồi, vợ có lẽ sẽ đằm thắm hơn. Thật không ngờ đến khi có con, vợ mình lại hung dữ với cả con gái bé bỏng như vậy. Ban đầu anh còn nghĩ đó là chứng trầm cảm sau sinh của phụ nữ, cũng dặn cả nhà cố gắng nhẫn nhịn.

Tuy nhiên, khi con gái lớn nhỉnh thêm chút, anh Hải nhận thấy rằng ở tuổi đi học, đứa trẻ rất ít nói chuyện, thậm chí khi có chút bất mãn liền bắt đầu dậm chân và ném đồ đạc. Đến lúc đó anh Hải mới nhận ra rằng đứa trẻ này tính khí giống hệt mẹ, không thể kiềm chế được cảm xúc của mình.

Sau đó hai người ly hôn, anh Hải một mình dắt theo đứa con gái 4 tuổi, dần dần con gái trở nên vui vẻ, tâm trạng dần ổn định, giao tiếp với người khác cũng trở nên bình tĩnh.

Tính cách của con trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cha mẹ. Những đứa trẻ lớn lên dưới sự dạy dỗ của cha mẹ hay cáu gắt thường không thể thoát khỏi 4 kiểu tính cách này:

1. Luôn tự tra khảo bản thân, sợ rằng đã làm sai điều gì 

cha mẹ cáu gắt
Cha mẹ hay cáu gắt khiến trẻ tự ti, chỉ cần có một chút xáo trộn là trẻ sẽ ngay lập tức nghi ngờ mình có thể đã làm gì sai, khiến người khác cảm thấy khó chịu. (Ảnh: Seahorse Krakenimages.com/ Shutterstock)

Vì bị cha mẹ bạo hành trong thời gian dài, đứa trẻ sẽ cảm thấy tự ti trong lòng, và vì không cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, nên chúng bắt đầu xem xét xem mình có đáng được yêu thương hay không. Do đó, những đứa trẻ thuộc những gia đình như vậy, nội tâm thường nhạy cảm, sẽ rất quan tâm đến ánh mắt của mọi người xung quanh. Chỉ cần có một chút xáo trộn là trẻ sẽ ngay lập tức bắt đầu nghi ngờ mình có thể đã làm gì không tốt, hoặc liệu mình có đang làm sai điều gì đó, khiến người khác cảm thấy khó chịu.

2. Yếu đuối, thích lấy lòng người khác

Những đứa trẻ chịu đựng sự cáu kỉnh của cha mẹ trong một thời gian dài sẽ có thói quen cố gắng làm hài lòng người khác vì chúng sợ bị la mắng và đánh đập. Hơn nữa, cha mẹ nóng tính vì muốn kiểm soát con cái, mong con làm theo ý mình nên trẻ lớn lên trong hoàn cảnh này thường không có tính quyết đoán và dễ phụ thuộc vào người khác.

3. Dễ mất bình tĩnh, suy sụp

cha mẹ cáu gắt
Cha mẹ không biết cách khắc chế cảm xúc của mình, trẻ cũng sẽ có những hành động tương tự, có thể sẽ thường xuyên khóc lớn, đập phá đồ đạc… (Ảnh: VasitChaya/ Shutterstock)

Những đứa trẻ thường chịu áp lực từ sự cáu gắt của cha mẹ cũng sẽ dễ bị suy sụp cảm xúc hơn, bởi vì sự cáu gắt của cha mẹ thực chất cũng là biểu hiện của sự suy sụp cảm xúc. Nếu không biết cách khắc chế cảm xúc của mình, trẻ có thể sẽ thường xuyên khóc lớn, đập phá đồ đạc hoặc thậm chí tự tử.

4. Cáu gắt, nóng giận

Những đứa trẻ thuộc loại gia đình này cũng sẽ có kiểu hành vi bắt chước cha mẹ, ví dụ như đột nhiên khóc lớn hoặc lăn lộn.

Vậy cha mẹ nên làm gì?

1. Tránh xa con bạn khi bạn sắp mất bình tĩnh

Cho dù đó là vấn đề riêng của cha mẹ hay vấn đề của con cái, đừng đến quá gần trẻ khi bạn cảm thấy cần phải “trút bầu tâm sự”. Việc coi thường cảm xúc của bản thân đối với người khác là điều rất không phù hợp. Bạn nên tránh xa con, tìm cách giải tỏa ổn thỏa, sau đó mới nên đến gần con.

2. Đừng cố gắng kiểm soát hoàn toàn đứa trẻ

cha mẹ cáu gắt
Bạn nên chọn cách giao tiếp ôn hòa, đồng thời hết sức tránh việc đánh đập, la mắng để trẻ phải phục tùng. (Ảnh:Alfira/ Shutterstock)

Đừng cố bắt trẻ hoàn toàn nghe lời bạn, trẻ là một cá thể độc lập, lớn lên sẽ dần rời xa cha mẹ. Để chấp nhận suy nghĩ độc lập của trẻ, bạn có thể chọn cách giao tiếp ôn hòa, đồng thời hết sức tránh việc đánh đập, la mắng để trẻ phải phục tùng.

3. Chấp nhận những thiếu sót  của con

Cuối cùng, bạn cần chấp nhận những khuyết điểm của con mình, đừng chỉ nói những câu như: “Sao ngu quá vậy?”, “Vô dụng y như bố mày!”, v.v. Đây đều là những lời lẽ đả kích cá nhân ngàn lần không nên sử dụng. Cha mẹ nên chấp nhận rằng con mình không hoàn hảo và nên phát hiện ra những ưu điểm của con mình, mới không lại chui vào vấn đề cũ.