Ngày nay, cả người lớn và trẻ em đều đang dành quá nhiều thời gian để nhìn vào màn hình TV, laptop, điện thoại… Những thiết bị này mang lại rất nhiều sự tiện lợi cho chúng ta trong học tập, làm việc và giải trí. Nhưng đồng thời chúng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, cảm xúc và sự phát triển trí não ở trẻ em.

cai nghien dien thoai 2
(Ảnh: Shutterstock)

Ở Mỹ, trẻ từ 8 đến 12 tuổi dành trung bình 4 đến 6 giờ mỗi ngày để nhìn vào màn hình. Thanh thiếu niên có thể dành tới 9 giờ mỗi ngày, người lớn thậm chí còn dành nhiều thời gian hơn với 10,5 giờ mỗi ngày.

Chưa có hướng dẫn cụ thể về thời lượng sử dụng các thiết bị điện tử đối với người trưởng thành. Nhưng đối với trẻ em, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị dựa trên độ tuổi để đảm bảo rằng thời gian sử dụng thiết bị sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

  • Trẻ từ 0 đến 18 tháng tuổi: Trẻ dưới 18 tháng tuổi không nên dành bất kỳ khoảng thời gian nào để nhìn vào màn hình, trừ lúc trò chuyện bằng video với các thành viên trong gia đình. Thay vào đó, bác sĩ Angela Mattke tại Trung tâm nhi khoa Mayo Clinic khuyên cha mẹ nên dành thời gian tương tác trực tiếp với con cái, khuyến khích con học đọc và vui chơi.
  • Trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi: Ở độ tuổi này, trẻ có thể dùng một số món đồ công nghệ nhưng cha mẹ chỉ nên cho con xem các nội dung về giáo dục và cần có người giám sát khi con dùng thiết bị.
  • Trẻ từ 2 đến 5 tuổi: Thời điểm này, trẻ có thể bắt đầu sử dụng các thiết bị giải trí ngoài giờ học nhưng nên hạn chế. Học viện Tâm thần Trẻ em & Vị thành niên Hoa Kỳ (American Academy of Child & Adolescent Psychiatry) khuyến nghị bạn không nên cho con dùng các thiết bị công nghệ quá 1 giờ vào các ngày trong tuần và 3 giờ vào các ngày cuối tuần.
  • Trên 5 tuổi: Chưa có một nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả trẻ em ở độ tuổi này. Nhưng cần đảm bảo thời gian sử dụng các thiết bị điện tử không ảnh hưởng đến việc học, các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, các hoạt động thể chất, giấc ngủ hoặc sức khỏe tinh thần của trẻ.
tre nghien dien thoai di dong 2
(Ảnh: Shutterstock)

Những tác động tiêu cực khi nhìn vào màn hình quá nhiều

1. Các vấn đề về hành vi và học tập ở trẻ em

Bác sĩ Angela Mattke cho biết xem TV quá nhiều có thể khiến trẻ bị chậm phát triển về nhận thức, ngôn ngữ và cảm xúc xã hội. Xem TV hoặc xem video YouTube có thể giúp con bạn bớt hiếu động trong giây lát, nhưng thời gian sử dụng thiết bị quá lâu sẽ sinh ra nhiều hành vi không tốt sau này. 

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy trẻ 2 tuổi xem TV hơn 3 giờ mỗi ngày có nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ cao hơn 3 lần so với trẻ đồng trang lứa xem TV chưa đến 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nguyên nhân là do trẻ học tương tác trực tiếp với người và vật nhanh hơn so với việc nhìn vào màn hình. 

Bác sĩ Angela Mattke còn cho biết thêm rằng trẻ từ 6 tháng tuổi đã biết bắt chước hành động trên TV. Cô chia sẻ: “Có mối liên hệ chặt chẽ giữa những nội dung truyền thông bạo lực và hành vi hung hăng của trẻ em.”

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy thanh thiếu niên sử dụng các loại màn hình từ 7 giờ trở lên mỗi ngày có nguy cơ trầm cảm hoặc lo âu cao gấp đôi so với những người sử dụng màn hình ít hơn 1 giờ.

điện thoại di động, trẻ xem điện thoại,  trẻ xem TV
(Ảnh: Storyblock)

2. Hội chứng béo phì

Khi dùng các loại màn hình, chúng ta thường ngồi hoặc nằm xuống. Thói quen này sẽ khiến bạn ngày càng lười vận động, tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì cùng với các vấn đề mãn tính như bệnh tim. 

Ngồi trước màn hình máy tính thường xuyên có thể khiến bạn dễ nghĩ đến các bữa ăn nhẹ. Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy những trẻ em giảm 50% thời gian sử dụng thiết bị công nghệ sẽ ăn ít calo hơn so với những trẻ em giữ lịch trình như bình thường. 

Người lớn dành nhiều thời gian cho màn hình cũng có nguy cơ béo phì cao hơn. Một nghiên cứu quy mô vào năm 2003 theo dõi những phụ nữ trung niên trong hơn 6 năm chỉ ra rằng cứ 2 giờ xem TV mỗi ngày, phụ nữ có nguy cơ béo phì cao hơn 23%.

Dien thoai
(Ảnh: Shutterstock)

3. Vấn đề về giấc ngủ

Theo nghiên cứu của WHO, ánh sáng xanh là loại ánh sáng phát ra liên tục từ những thiết bị công nghệ như máy tính, tivi, điện thoại smartphone, ipad, đèn led… Đây là “căn bệnh” của xã hội thời đại ngày nay vì bất cứ trong công việc, học tập hay vui chơi giải trí, người ta đều tiếp xúc những thiết bị phát ra ánh sáng màu xanh. 

Melatonin là một hormone được sản xuất bởi tuyến tùng, đây là tuyến có kích thước bằng hạt đậu nằm ở giữa não. Melatonin có tác dụng gây buồn ngủ nên thường được sử dụng trong việc điều hòa giấc ngủ, hỗ trợ chữa mất ngủ và nhịp sinh học nhưng nó không phải là thuốc ngủ. Thông thường, cơ thể bạn tạo ra nhiều melatonin vào ban đêm, lượng melatonin tăng vào buổi tối khi mặt trời lặn và giảm dần vào buổi sáng khi mặt trời mọc. 

Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử có thể làm giảm mức melatonin trong cơ thể bạn. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy thanh thiếu niên sử dụng các loại màn hình nhiều hơn 3 giờ mỗi ngày thường khó ngủ hơn so với những người ít nhìn vào màn hình. Các chuyên gia khuyên bạn nên ngừng sử dụng các loại màn hình ít nhất 30 phút và lý tưởng nhất là 2 tiếng trước khi ngủ.

su dung dien thoai
(Ảnh: Shutterstock)

4. Các vấn đề về lưng và cổ

Nhìn xuống màn hình điện thoại hoặc máy tính bảng trong nhiều giờ có thể gây căng thẳng cho cơ cổ và các xương nhỏ ở đầu cột sống của bạn. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy thanh thiếu niên dành nhiều thời gian sử dụng màn hình có nhiều khả năng bị đau đầu và đau lưng hơn những người ít sử dụng. Nếu bắt buộc phải sử dụng các món đồ công nghệ trong thời gian dài, chuyên gia khuyên bạn nên dùng thiết bị hỗ trợ chống màn hình để không phải duy trì tư thế cúi đầu về phía trước.

Rất khó để chúng ta loại bỏ hoàn toàn các món đồ công nghệ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Nhưng bạn có thể tự điều chỉnh thời gian sử dụng hợp lý để tránh các vấn đề sức khỏe cho chính mình và người thân. Với trẻ em, bạn nên làm theo hướng dẫn của các chuyên gia, bởi sử dụng các thiết bị công nghệ không chỉ gây hại cho sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng đến hành vi sau này của trẻ.

Theo Insider
Minh Khuê

Xem thêm: