Bãi biển mà lại phủ đầy trứng ư? Một nhiếp ảnh gia nghiệp dư ở Phần Lan đã phát hiện ra cảnh tượng rất nhiều “trứng băng” xếp chồng lên nhau hết sức đáng kinh ngạc khi đi du lịch tại một hòn đảo cùng vợ. Đây rốt cuộc là hiện tượng gì?

Risto Mattila là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư sống ở thành phố Oulu của Phần Lan. Vào đầu tháng 11 năm ngoái, ông đã cùng vợ đến chơi ở đảo Hailuoto – một hòn đảo nhỏ nằm giữa Phần Lan và Thụy Điển.

Khi ông Mattila cùng vợ đang đi dạo thì họ bắt gặp một cảnh tượng khiến cả hai đều kinh ngạc: Bãi biển trước mắt họ phủ một vùng lớn đầy những “quả trứng”. Thật kỳ diệu!

Khi nói đến trứng trên bãi biển, nhiều người sẽ liên tưởng đến rùa biển, bởi vì chúng thường bò lên bãi biển để đẻ trứng. Thế nhưng một vùng lớn này phải có đến hàng trăm nghìn “quả trứng”, vậy thì có bao nhiêu con rùa biển mới đẻ được nhiều trứng đến vậy?

Ông Matilla cùng vợ sững sờ đến ngây người một lúc, sau đó ông tò mò quỳ xuống cầm một “quả trứng” lên xem thì phát hiện đó không phải là trứng thật, mà là những quả cầu băng trông rất giống trứng.

Những “quả trứng băng” bao phủ một vùng rộng khoảng 30 mét trên bãi biển, trong vắt và lấp lánh dưới ánh mặt trời. Ông Matilla choáng váng trước sức mạnh kỳ diệu của thiên nhiên và nhanh chóng dùng máy ảnh chụp lại hình ảnh tuyệt vời lần đầu được nhìn thấy này, đồng thời cũng có rất nhiều cư dân trên đảo đi ngang qua dừng lại chiêm ngưỡng.

Điều gì đã tạo nên cảnh tượng này? Ông Mattila đã đăng tải hình ảnh những “quả trứng băng” lên mạng, sau đó các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin, còn có một số chuyên gia giải thích về hiện tượng kỳ lạ này.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, ông Mattila cho biết: “Vào buổi sáng khi tôi phát hiện thấy những quả cầu băng, tuy gió rất mạnh, nhưng trời trong xanh và nhiệt độ vào khoảng -1 độ C.”

Chuyên gia thời tiết George Goodfellow cho biết: “Để hình thành những quả cầu băng, điều kiện là phải lạnh và nhiều gió.”

Jouni Vainio, một chuyên gia tại Viện Khí tượng Phần Lan (FMI), giải thích rằng “trứng băng” là một hiện tượng khí tượng cực kỳ hiếm gặp. Khi thời tiết lạnh, không khí lạnh và nước cùng ở trong trạng thái gần đóng băng, kết hợp thêm sự ảnh hưởng của bãi biển và thủy triều, cơ hội một phần mười triệu này mới có thể tạo thành một “quả trứng băng”.

Một số chuyên gia cho rằng quá trình hình thành “trứng băng” là cực kỳ hiếm. Trong quá trình này, những mảnh băng nhỏ liên tục bị gió và nước cuốn đi.

Nhà khí tượng học Judson Jones cũng cho biết, khi bờ biển bị nhiễu loạn do gió mạnh, trong điều kiện khí hậu đặc biệt, nước biển bị tác động sẽ đẩy nhanh theo từng lớp và đóng băng; đồng thời khi bị đẩy lên bờ sẽ xuất hiện hiện tượng lăn tròn, khiến lớp mặt được mài mòn dần trở thành hình cầu bóng nhẵn.

Chuyên gia thời tiết Goodfellow bổ sung thêm rằng tình hình chung là chúng được hình thành bởi những tảng băng lớn và sau đó di chuyển qua những con sóng để trở nên mịn và tròn hơn. Khi nước biển đóng băng trên bề mặt, chúng sẽ giống như đang lớn lên và khiến cho chúng bóng loáng hơn.”

Nhiếp ảnh gia Mattila cho biết: “Tôi đã sống ở gần đây suốt 25 năm qua nhưng chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ điều gì như thế này. Quả cầu nhỏ nhất giống như một quả trứng, còn quả lớn nhất thì lớn bằng quả bóng”. Vừa hay ngày hôm đó ông có mang theo máy ảnh nên đã chụp lại cảnh tượng kỳ lạ này và chia sẻ với mọi người.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện cảnh quan kỳ lạ này, trước đây cũng những cảnh tượng tương tự tại Nga và hồ Michigan ở Chicago. Năm 2016, người dân ở Siberia đã nhìn thấy những quả cầu băng có kích thước khoảng 1 mét bao phủ một vùng khoảng 18 km bờ biển.

Thanh Trúc

Xem thêm: