Tại ngôi trường xanh Green Free School ở Copenhagen, Đan Mạch, học sinh được học cách đọc, viết, học toán và khoa học. Nhưng trên tất cả, các em sẽ được khuyến khích cách tư duy thân thiện với thiên nhiên, môi trường.

Green Free School
(Ảnh: Green Free School)

Trường được thành lập vào năm 2014 bởi nhà làm phim người Đan Mạch, Phie Ambo và dịch giả người Mỹ, Karen MacLean. Hiện tại Karen đã rời trường, Ambo vẫn là chủ tịch hội đồng quản trị. Là một nhà làm phim về thế giới sinh học, Ambo cảm thấy trân trọng mọi thứ xuất hiện cuộc sống nhưng cô chưa bao giờ thấy sự trân trọng đó được dạy cho trẻ em ở các trường học Đan Mạch.

Trên lý thuyết, cô không gặp khó khăn để mở trường Green Free School. Bất cứ ai cũng có thể thành lập một trường tư ở Đan Mạch với nhà nước chi trả khoảng 3/4 chi phí. Học phí là 2.600 kroners (khoảng 400 USD) một tháng. Thế nhưng, để tìm được địa điểm mở trường lại là câu chuyện khác hẳn. Năm đầu tiên, Ambo chỉ lang thang quan sát ở các cabin. Sau đó, cô tìm thấy một tòa nhà sơn công nghiệp cũ. Cô quyết định biến địa điểm độc hại này thành một ngôi trường xanh hoàn toàn. Từ trang web đến cơ sở vật chất, các nhà sáng lập sử dụng màu xanh lá cây cùng các nguyên liệu tự nhiên nhằm hướng cho khách hàng cái nhìn thiện cảm về mục tiêu thành lập trường.

Green Free School
(Ảnh: Green Free School)

Giáo trình giảng dạy của Green Free School được hướng theo phương pháp tư duy hệ thống và học tập qua các dự án nhỏ. Học sinh phải biết cách nhìn vào bức tranh tổng thể thay vì đánh giá điểm nhỏ lẻ. Ví dụ: thay vì dạy học sinh trồng một cái cây, giáo viên sẽ hướng dẫn các em tư duy làm thế nào một cái cây kết nối với các sinh vật khác và điều gì xảy ra nếu một phần của kết nối bị phá vỡ.

Trường học có khoảng 200 học sinh trong độ tuổi từ 6 đến 15, các em được dạy cách làm vườn, tự trồng thức ăn, được hướng dẫn làm dự án tái sử dụng các vật liệu cũ. Giáo viên cũng dạy học sinh cách ủ phân, thu gom nước mưa và tái chế. Lớp học ở đây, không có bàn ngồi riêng, không bảng đen và không có bài kiểm tra.

Green Free School
Trẻ em học trồng trọt (Ảnh: Green Free School)

Học sinh cũng được làm nhiều dự án nhỏ và thực hành liên tục. Các em sẽ tự trồng rau, tìm thức ăn, trồng nấm, vẽ tranh thiên nhiên, học cách nấu chúng và ăn chúng. Ở tiết học khác, giáo viên sẽ hướng dẫn các em làm thí nghiệm trên sợi và quần áo, tìm hiểu xem cần bao nhiêu nhiệt để làm nóng chảy một mảnh sợi và sự khác biệt giữa polyester và len cũng như thời gian tồn tại của chúng.

Thầy trò cùng học nông nghiệp đô thị trong một khu vườn hữu cơ cách trường học 10 phút đi bộ. Bắt đầu từ mùa xuân này, các lớp học làm vườn của trường sẽ thử nghiệm cách làm mới. Học sinh sẽ nghiên cứu bảy hoặc tám cách làm vườn khác nhau trong các ô thí nghiệm mà các em tự thiết kế. Nhà trường cũng tổ chức lớp học về greenwashing, giúp các em hiểu được thế nào là một sản phẩm thực sự bền vững hay thân thiện với môi trường.

Green Free School
Trẻ em học làm vườn (Ảnh: Green Free School)

“Làm việc với cảm xúc hạnh phúc và phấn khởi là rất quan trọng. Không chỉ được học các kỹ năng cơ bản như khoa học và toán học, học sinh ở đây còn được học cách trở thành con người linh hoạt và có đủ bình tĩnh để vượt qua mọi việc trong cuộc sống. Tôi nghĩ đó là chìa khóa của mọi vấn đề” – Cô Ambo. Có nhiều lý do khác nhau khiến phụ huynh đăng ký cho con em mình vào trường Green Free School. Một số cha mẹ đến vì thích định hướng thân thiện với môi trường, có cha mẹ lại muốn con học ở ngôi trường nhỏ để xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với toàn xã hội. Đan Mạch có rất nhiều ngôi trường nhận hàng ngàn trẻ em và rõ ràng bậc phụ huynh không thoải mái với điều này.

Green Free School
Vật dụng học tập (Ảnh: Green Free School)

Mặc dù trường hoạt động với phương châm xây dựng môi trường sống bền vững, thân thiện với thiên nhiên, nội quy mà cô Ambo đặt ra không quá nghiêm ngặt. Trường phục vụ thức ăn làm từ thực vật nhưng vẫn cho phép học sinh mang theo bất cứ món gì các em muốn ăn. Mỗi tháng một lần, nhà trường sẽ mời mọi người đến ăn một bữa thuần chay và hữu cơ.

Minh Minh

MỜI XEM VIDEO: Mục đích cao nhất của giáo dục

Xem thêm: