Vấn đề “bắt nạt trên mạng” – “cyber-bullying” đang ngày càng phổ biến. Cô bé Amy Everette (14 tuổi) từng làm người mẫu đại diện cho nhãn hiệu nón Akubra là nạn nhân của vấn nạn này đã tự sát và làm dấy lên một làn sóng bất bình tại Úc.

Dolly, doitfordolly
(Ảnh: facebook Akubra Hats)

Amy Everett, còn gọi là “Dolly” đã tự tử vì không chịu nổi việc bị “bắt nạt trên mạng”, cô bé từng là người mẫu đại diện cho nhãn hiệu nón rộng vành Akubra khi em 8 tuổi.

Cha em, ông  Tick Everett đã viết trên Facebook: “Dolly đã mạnh mẽ làm điều mà con bé nghĩ để có thể thoát khỏi thế giới xấu xa này, nhưng Dolly không bao giờ biết rằng nỗi đau quá lớn và sự trống rỗng bỏ lại phía sau sự ra đi của con bé.”

Người cha đau khổ đã bảo những kẻ đã hành hạ thiên thần bé nhỏ của ông đến đám tang của con ông để nhìn thấy rõ hơn hậu quả oan nghiệt mà họ đã tạo ra. Ông kêu gọi mọi người chung tay để ngăn chặn vấn nạn bắt nạt này để sự ra đi của Dolly không trở thành vô nghĩa.

Gia đình cô bé cho biết, họ sẽ bắt đầu thực hiện chiến dịch Dolly’s Dream để giúp mọi người nâng cao nhận thức về sự bắt nạt, lo lắng, trầm cảm và tự sát của thanh thiếu niên. “Chúng tôi không quan tâm đến ai và lý do tại sao người ta đẩy con gái tôi tới điểm này, chúng tôi chỉ muốn cứu những gia đình khác, để họ không phải trải qua nỗi buồn và bi kịch mà gia đình chúng tôi đang trải qua”, họ nói.

Gia đình Dolly còn chia sẻ một bức tranh cô bé vẽ với thông điệp “hãy nói ngay cả khi giọng nói của bạn run rẩy” đậm nét, đã hoàn thành trước khi cô bé ra đi vào ngày 3 tháng 1.

2018 01 16 064615
(Ảnh: facebook Ken O’Dowd MP )

“Thông điệp mạnh mẽ này nói về nơi tối tăm, đáng sợ mà thiên thần xinh đẹp của chúng tôi đã đến”, gia đình nói.

Theo BBC, cứ 5 trẻ thì sẽ có 1 trẻ trở thành nạn nhân của nạn bắt nạt trong năm qua tại Úc.

Nhãn hiệu nón Akubra cũng đăng một lời tri ân đến Dolly, họ cho hay “bất kể bắt nạt loại nào cũng không thể chấp nhận được”. Họ viết trên Facebook: “Chúng tôi đã rất sốc và đau buồn khi biết về sự ra đi của Dolly, cô gái trẻ mà hầu hết các bạn sẽ nhận ra trong chiến dịch quảng cáo của chúng tôi vào Giáng Sinh vừa qua. Chúng tôi sẽ đứng lên vì bất kỳ hành vi bắt nạt nào”.

Bé gái Úc tự tử vì bị bắt nạt trên mạng và nỗi đau của gia đình
(Ảnh: facebook Akubra Hats)

Theo Trung tâm Quốc gia về Ngăn chặn Ức hiếp (NCAB) của Úc, trong khi tỷ lệ bắt nạt tổng thể đã giảm trong thập kỷ qua, thì việc bắt nạt qua mạng đã có sự gia tăng mạnh mẽ.

Jeremy Blackman của NCAB nói với đài BBC rằng “điều khác biệt trong các trường hợp đe doạ, bắt nạt trực tuyến chính là có thể bắt nạt liên tục, 24/7”, và thêm vào đó việc ẩn danh trên internet khiến những người bắt nạt cảm thấy khó thấu cảm với nạn nhân của mình hơn.

Một buổi lễ tưởng niệm Dolly sẽ được tổ chức trong cộng đồng mục vụ tại Katherine, nơi cô bé lớn lên.

Dưới đây là clip do gia đình Dolly thực hiện trong chiến dịch chống lại nạn “bắt nạt trên mạng”:

Không phải chỉ ở nước ngoài mới diễn ra nạn “bắt nạt trên mạng”, ngay tại Việt Nam cũng có rất nhiều trường hợp xảy ra. Bắt nạt qua mạng thường để lại nhiều hậu quả nặng nề, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Nó có thể dẫn tới rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, tự làm đau bản thân. Nạn nhân thường thiếu tự tin và tổn thương sự tự trọng nặng nề, có cảm giác sợ hãi, buồn bã, tức giận nhiều hơn sau khi bị bắt nạt.

Những hành vi nào được xem là “bắt nạt trên mạng”? Là hành vi đe dọa, xâm hại, làm nhục, làm xấu hổ hoặc tra tấn bằng tinh thần qua tin nhắn, mạng Internet, các trang mạng xã hội và qua các thiết bị điện tử. Đó là những hành vi hoặc hành động mang tính chất hung hăng, có chủ đích bởi một người hoặc một nhóm người nào đó lặp đi lặp lại qua thời gian lên một cá nhân khác và thường thì nạn nhân không thể dễ dàng tự vệ được.

Do sự phổ biến của mạng xã hội, internet… nên một khi những nội dung bắt nạt xuất hiện thì thường lưu lại rất lâu và phổ biến trên một diện rộng, cho nên việc thoát khỏi nó là rất khó khăn. Vấn nạn này mang đến hậu quả nghiêm trọng khôn lường cho tinh thần của thanh thiếu niên và hành vi bắt nạt trên mạng này ngày càng gia tăng.

Có nhiều trẻ đã trở thành nạn nhân và quá nửa những thanh thiếu niên này không nói cho cha mẹ biết việc mình bị bắt nạt. Vì thế các bậc cha mẹ hãy giáo dục cho trẻ biết rằng bắt nạt người khác, dù bằng cách nào đi nữa thì cũng là điều không được chấp nhận và sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng đến mức độ nào. Hãy quan tâm đến trẻ nhiều hơn để biết trẻ có đang phải chịu đựng sự bắt nạt hay không trước khi quá muộn.

Thanh Minh

Xem thêm: