Bài viết của một tác giả người Trung Quốc

Trẻ em Trung Quốc sinh ra và lớn lên ở Nhật, tuy biết nói tiếng Hoa, nhưng thói quen sống và tính cách gần như đã giống như người Nhật. Nhớ khi còn nhỏ, tôi là người dạy dỗ các con, thế nhưng sau khi đi học thì đổi lại là các con dạy tôi.

Tuy tôi sống nhiều năm ở Nhật, nhưng vẫn có thói quen của người Trung Quốc, đôi khi không phù hợp với xã hội Nhật Bản. Sau khi các con dần lớn lên, chúng phát hiện tôi thường hay không tuân thủ quy tắc, luôn tự cho mình là đúng, không suy nghĩ cho người khác. Thế là các con thường nhắc nhở tôi: “Sao mẹ lại không thử suy nghĩ cho người khác chứ ạ? Đừng nói lớn tiếng như vậy ạ, mọi người đều đang nhìn mẹ đấy…”. Thói quen, lễ nghĩa, cách hành xử của người Trung Quốc và Nhật Bản quả thật rất khác biệt, tôi cần phải “nhập gia tùy tục”, dần dần hòa nhập với xã hội Nhật Bản.

Vài năm trước, tôi đi làm ở một công ty chỉ toàn người Nhật, ban đầu tôi rất ít khi nói chuyện với họ. Một năm sau, tôi đã hiểu thói quen nói chuyện của người Nhật và nhận ra rằng họ nói chuyện rất khiêm tốn, làm việc cũng cực kỳ nhã nhặn, vậy mà trước đây tôi từng hiểu lầm những người ở đây đạo đức giả. Thế nhưng sau này tôi mới nhận thấy thì ra chỉ là người Nhật họ thích dùng cách nói chuyện và làm việc khiêm tốn nhã nhặn mà thôi. Và những thói quen, phép tắc, lễ nghĩa dân tộc tốt đẹp này đều là bởi vì Nhật Bản vô cùng xem trọng việc giáo dục người dân của mình.

Việc giáo dục quốc dân của Nhật Bản bắt đầu từ mẫu giáo, họ dạy trẻ cách xây dựng thói quen sống tốt. Dù là những đứa trẻ nước ngoài sống ở Nhật cũng không ngoại lệ, giáo viên không hề phân biệt, đều sẽ dạy trẻ theo tập quán truyền thống của người Nhật. Bắt đầu từ học sinh tiểu học đã phải học những phép tắc lễ nghi đơn giản, còn học sinh trung học và cấp ba thì sẽ học kính ngữ, lễ nghĩa, luật lệ…, vì vậy sau khi trưởng thành, trẻ sẽ tự nhiên biết tuân thủ quy củ cũng như rất biết phép tắc và có giáo dục.

người nhật
(Ảnh: Internet)

>> Vì sao trẻ em Nhật Bản rất ngoan

Có rất nhiều người thân và bạn bè từ Trung Quốc từng đến Nhật đều nói với tôi rằng họ cực kỳ bất ngờ đối với viêc tuân thủ quy tắc của người Nhật, còn về mặt lễ nghĩa cũng khiến họ thán phục. Có nhiều người chỉ mới đến Nhật chưa đến một tuần là đã không còn vứt rác bừa bãi và cũng biết khiêm nhường hơn.

Nơi tôi làm việc đôi khi sẽ có du khách Trung Quốc đến thăm, một lần nọ tôi quên nói với khách người Trung Quốc cách sử dụng sản phẩm, thế là quản lý nhắc nhở tôi lập tức đi nói với họ ngay. Tôi không dám chậm trễ, vội vàng đuổi theo người đó để giải thích kỹ càng và sau khi xin lỗi, tôi mới cúi chào rời đi, điều này khiến ông ấy vô cùng cảm động. Khi ông ấy lại đi ngang cửa hàng của chúng tôi, tôi và quản lý cùng cúi chào cảm ơn ông ấy và ông ấy đã thốt lên: “Thật là lịch sự!”

Còn nhớ có một đồng nghiệp người Nhật từng nói với tôi rằng khoảng 20-30 năm trước, Nhật Bản cũng giống như Trung Quốc, mọi người cũng cực kỳ không thuân thủ quy tắc. Thế nên chính phủ đã đề xướng để mọi người tuân thủ quy tắc, lễ nghĩa và bắt đầu giáo dục người dân về phương diện này, sau đó dần dần xã hội Nhật Bản mới trở thành giống như ngày nay.

Hai tháng trước, đột nhiên tôi đổi sang đi làm buổi sáng, mỗi ngày đi tàu điện ngầm lúc 8 giờ, vào khoảng thời gian này vô cùng đông đúc. Ở cửa tàu điện ngầm, tôi nhìn thấy có rất nhiều người điều tiết giao thông, họ mặc đồng phục màu xanh, đầu đội mũ, đeo bộ đàm và mang theo loa. Mỗi buổi sáng đều nghe họ nói cùng một câu: “Hành khách đi xe số… mời đi bên này, xin hãy chú ý an toàn!”. Tôi nghĩ thầm: Người Nhật tuân thủ quy tắc như vậy, chẳng lẽ còn cần phải hướng dẫn họ hay sao?.

Thế nhưng vài ngày sau tôi mới biết vì sao cần phải có người giữ trật tự, bởi vì tuyến tàu điện ngầm này đang trong quá trình sửa chữa, đường đi rất hẹp. Dòng người đi làm đông đúc rất dễ xảy ra hiện tượng tắc nghẽn, thế nhưng mỗi lần đi qua đây, nhìn thấy mọi người đều cực kỳ yên lặng, xếp hàng lên xuống cầu thang.

Quả thật là môi trường xã hội tốt đẹp sẽ thay đổi thói quen, tính cách, cách hành xử và lễ nghĩa của một con người, thế nhưng để môi trường xã hội trở nên tốt đẹp cũng cần mỗi người phải chịu hi sinh thì mới thực hiện được.

Theo Secret China
Ngọc Trúc biên dịch

Xem thêm: