Mới đây, trên mạng xã hội Wechat ở Trung Quốc có chia sẻ bài viết khuyết danh tác giả có tên là “Vì sao ở Mỹ nói dối còn tồi tệ hơn cả trộm cắp?”. Trong đó, tác giả đã nói về một số kinh nghiệm của bản thân, hiểu sâu sắc tầm quan trọng của “sự tin tưởng” ở Mỹ.

Dưới đây là toàn bộ bài viết:

Nước Mỹ là một quốc gia trọng chữ tín, không có chữ tín thì sẽ khó sống ở Mỹ, một tỷ phú có thể phá sản, nhưng đã mất chữ tín thì hoàn toàn kết thúc.

Chữ tín có quan trọng không? Không có chữ tín thì ngay cả nhà cũng không thuê được, không thể sống được, chữ tín không quan trọng ư? Nếu như trong một xã hội có một quy tắc hay một quy tắc ngầm đặt “sự tin tưởng lẫn nhau” là quan trọng thì nó là quan trọng, còn nếu trong một xã hội có một quy tắc hay một quy tắc ngầm đặt “sự tin tưởng lẫn nhau” là không quan trọng thì nó không quan trọng.

1. Quên ví tiền ở thư viện cũng không phải lo

Lần đầu tiên tôi biết về sự tin tưởng lẫn nhau trong xã hội Mỹ là một câu chuyện ‘không nhặt của rơi’. Vào năm 2002, tôi đang học tiến sĩ tại Đại học Kansas, bởi vì giao tiếp tiếng Anh không được tốt nên tôi tham gia hoạt động “Góc Anh ngữ”. Đây là hoạt động mà nhà trường tổ chức để các du học sinh nâng cao khả năng tiếng Anh, trong nhóm có các sinh viên người Mỹ đến trò chuyện cùng các sinh viên nước ngoài.

Một ngày nọ, tôi đang trò chuyện cùng một nam sinh viên người Mỹ, đột nhiên cậu ấy nói: “Thôi rồi, tôi để quên ví tiền ở thư viện rồi”. Tôi vội nói: “Vậy cậu mau quay lại tìm đi!”. Cậu ấy ngừng một lúc rồi nói: “Không sao, chúng ta nói tiếp đi. Người phát hiện ví của tôi sẽ gọi cho tôi, bởi vì trong ví có giấy tờ và số điện thoại của tôi”. Tôi bất ngờ lắm, nửa tin nửa ngờ câu trả lời của cậu ấy.

Một tuần sau, chúng tôi lại gặp nhau ở Góc Anh ngữ. Tôi hỏi cậu ấy: “Cậu tìm được ví chưa?”. Cậu ấy nói tìm thấy rồi, là do người phát hiện gọi điện thoại cho cậu ấy. Tôi vẫn nửa tin nửa ngờ, bởi vì chuyện này quá là khó tin.

Sau này, tôi đã trải nghiệm rất nhiều chuyện nên không thể không tin vào tình bạn và sự tín nhiệm giữa người Mỹ với nhau.

Vào năm 2005, tôi đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại New York. Một lần nọ, tôi đến một phòng tranh thăm bạn người Mỹ, trò chuyện một lúc, anh ấy nói: “Có một viện bảo tàng đang tổ chức triễn lãm nghệ thuật Trung Quốc, có muốn cùng đi xem không?”. Đương nhiên là tôi đồng ý.

Khi đến viện bảo tàng, tôi nhận ra phải mua vé. Không ngờ người bạn kia nói với người trông cửa rằng: “Tôi là hội viên của Hiệp hội bảo tàng”. Thế là chúng tôi được cho đi. Tôi quá bất ngờ nên hỏi: “Vì sao họ không kiểm tra thẻ hội viên của anh vậy? Chỉ dựa vào một câu nói là tin ngay à?”. Anh ấy nói: “Không phải là hội viên thì sẽ không nói thế đâu”. Đương nhiên, bạn của tôi thật sự là hội viên của Hiệp hội bảo tàng.

Nơi tôi làm nghiên cứu sau tiến sĩ là Viện bảo tàng nghệ thuật thủ đô lớn của New York rất nổi tiếng, tôi có thẻ làm việc của viện, dùng thẻ này thì có thể ra vào tham quan bất cứ viện bảo tàng nào ở Mỹ mà không cần mua vé.

Mỗi lần tôi dùng thẻ này để vào viện bảo tàng, người trông cửa luôn hỏi tôi: “Có ai đi cùng không?”, ý là họ cũng có thể miễn phí vé cho bạn đi cùng tôi.

Sau này, tôi rời khỏi lĩnh vực bảo tàng để đi dạy học. Một lần nọ, tôi lại đến New York tham quan bảo tàng, tôi không còn thẻ công việc trước đó nữa, tôi có người quen làm việc trong đó, nếu gọi họ ra đón tôi vào thì vẫn có thể hưởng đãi ngộ miễn vé, nhưng tôi sợ phiền, vừa vặn tôi có mang theo danh thiếp cũ. Thế nên tôi tự nhủ thử xem sao và đưa ra danh thiếp cũ của mình (trên đó không có ảnh). Không ngờ người trông cửa vẫn cho tôi vào và còn hỏi tôi có đưa bạn đi cùng hay không. Tôi nghĩ thầm, thế này thì dễ bị lừa quá rồi ý chứ!

Vào năm 2010, tôi làm việc ở bang Florida. Một ngày kia, tôi và vợ đến Disneyland ở Orlando (bang Florida) chơi. Quy định của công viên này là vé của người ngoài bang (bao gồm người nước ngoài) là 290 đô, còn người trong bang chỉ cần trả 99 đô (bởi vì chúng tôi đã đóng thuế bang). Khi mua vé, tôi có mang chứng minh, sau khi xuất trình thì mua được vé 99 đô, còn vợ tôi lại để quên chứng minh trên xe. Nếu như quay về bãi đỗ xe để lấy thì hẳn là phải mất nửa giờ, bởi vì bãi đỗ xe quá lớn, phải đi xe của công viên mới đến được, tôi nói với người bán vé rằng: “Xin hãy tin tôi, đây là vợ tôi, chúng tôi đều là người ở đây”. Người bán vé đã tin lời tôi và bán vé 99 đô cho vợ tôi.

Vào tháng 3/2015, cả nhà chúng tôi đến nông trại chơi, trong đó có những con thú nhỏ mà con gái tôi thích. Hôm đó là thứ bảy, rất nhiều người đến nông trại, tôi đẩy xe nôi của con gái, để đầy đồ mang theo phía trên, bao gồm quần áo, đồ ăn trưa, đồ chơi của con… Ở cửa vườn bách thú, tôi thấy có để rất nhiều xe nôi, tôi cũng để xe ở đó mà không đụng đến đồ trên xe. Bởi vì khi đó tôi đã khá hiểu xã hội Mỹ rồi. Hai giờ sau, tôi quay lại cổng để lấy xe thì thấy chỉ còn xe nôi của tôi ở đó, xem kỹ thì thấy đồ trên xe không thiếu gì cả.

 ở Mỹ nói dối còn tồi tệ hơn cả ăn cắp
Rất nhiều người dân ở các quốc gia trên thế giới thích môi trường sống ở Mỹ. (Ảnh: Justin Setterfield/Getty Images)

2. Mua đồ điện, quần áo mà không vừa ý thì có thể trả hàng lấy lại tiền

Sự “dễ dàng tin tưởng” giữa người Mỹ với nhau phần nhiều thể hiện ở lòng tin trong dịch vụ ở các trung tâm mua sắm lớn nhỏ. Khi mua đồ ở bất cứ đâu, ngoài thực phẩm và những món hàng đặc thù ra thì đều có thể trả hàng lấy lại tiền trong thời hạn. Tôi đã từng trải qua rất nhiều những việc như vậy. Ví dụ như đồ điện, quần áo, giày dép hoặc các sản phẩm khác mua rồi mà cảm thấy không tốt, cứ cầm đi trả. Có một lần, tôi mua một cái đồ bơm cho chiếc phao bơi cao su của con, sau khi trả tiền tôi quên lấy hàng mà đi mất.. Về nhà mới nhận ra là đã quên đồ ở cửa hàng nên lập tức quay lại lấy thì phát hiện thấy họ để cái đồ bơm ở nơi trả hàng để đợi tôi đến lấy.

Có thể có người sẽ hỏi, các nơi buôn bán đều như vậy, liệu có bị lợi dụng hay không? Có đấy, nhưng dù sao cũng rất ít. Tôi từng nghe nói có một lần một nhóm các nghiên cứu sinh Mỹ muốn tổ chức tiệc nhưng không có loa. Thế là họ lấy tiền đến siêu thị mua một cái loa tốt. Sau bữa tiệc, họ mang trả cái loa và lấy lại toàn bộ số tiền. Thật ra thì những người ở siêu thị cũng biết rõ là có người cố ý làm như thế, nhưng họ vẫn làm ngơ, bởi vì đây là quy định cơ bản, sẽ không thay đổi vì một số ít người nào đó.

3. Đóng tài khoản ngân hàng chỉ cần một cú điện thoại

Ở Mỹ làm gì cũng rất tiện lợi, có rất nhiều việc đều có thể giải quyết qua điện thoại. Trước đây khi tôi thuê nhà và sau khi lúc mua nhà, mở các dịch vụ như gas, điện nước, rác… và thanh toán phí dịch vụ đều chỉ gọi điện thoại là có thể giải quyết được. Các đơn vị dịch vụ này sau khi nhận được điện thoại của tôi, họ chỉ cần xác nhận tên, ngày sinh, số an sinh xã hội, địa chỉ nhà, điện thoại… là được. Hơn nữa, tôi nói gì họ sẽ tin thế đó. Tôi thầm nghĩ, nếu có ai mà trộm những thông tin cá nhân này của tôi, mạo nhận tôi thì phiền phức đây, nhưng tôi chưa từng nghe thấy có việc như vậy xảy ra.

Việc khiến người ta bất ngờ đó là còn có thể đóng tài khoản ngân hàng bằng cách gọi điện thoại. Tôi từng làm việc ở tiểu bang North Carolina và có mở một tài khoản ngân hàng tại đó, sau này chuyển đến bang Missouri, trong tài khoản đó còn hơn 5.000 đô la. Không ngờ đầu năm nay, ngân hàng đó gửi thư đến muốn tăng phí dịch vụ thường niên, tôi cảm thấy không đáng nên muốn đóng tài khoản, nhưng tôi không thể nào tự mình đến bang North Carolina được nên đã gọi điện thoại hỏi thử liệu có thể đóng tài khoản được hay không. Phía bên kia xác nhận thông tin cơ bản xong thì nói: “Xin anh hãy yên tâm, chúng tôi sẽ viết số tiền trong tài khoản của anh thành chi phiếu và gửi đến nhà hiện tại của anh trong vòng một tuần”.

Quả nhiên nội trong vòng một tuần, tôi đã nhận được chi phiếu, bên trên có viết số tiền không thiếu một xu. Tôi cứ như sống trong mơ vậy, tôi thầm nghĩ, nếu thật sự có người trộm thông tin của tôi thì liệu số tiền này có còn không chứ?

4. Người Mỹ cho rằng nói dối còn tồi tệ hơn cả trộm cắp

Những ví dụ trên đây hoàn toàn không phải là tôi muốn nói rằng nước Mỹ là một quốc gia “đêm không cần đóng cửa, trên đường không có ai nhặt của rơi”, nước Mỹ cũng có những vụ lừa đảo và phạm tội, nhưng nhìn chung thì đây là một quốc gia trọng chữ tín, mọi người tin tưởng lẫn nhau, bởi vì trong mắt người Mỹ, hành vi gian lận còn tồi tệ hơn cả trộm cắp, có lẽ  trộm cắp là vì nhất thời cấp bách, còn lừa đảo thì nói lên bản tính của một con người. Một khi đã thất tín thì người đó sẽ rất khó để khôi phục lại lòng tin. Không chỉ cá nhân, đơn vị hoặc công ty cũng vậy, một khi siêu thị bán hàng giả mà bị phát hiện thì không chỉ phải bị phạt số tiền gấp trăm lần giá trị tiền hàng, mà nghiêm trọng hơn là một khi việc làm này bị truyền ra ngoài, kết quả chỉ có một – đóng cửa.

Nói chung, người Mỹ rất tuân thủ luật pháp, đây là bởi vì được hình thành từ thói quen chấp hành luật pháp nghiêm túc. Về việc tuân thủ luật pháp, tôi thường xuyên hình dung đầu của người Mỹ là “não máy tính”, không biết tùy cơ ứng biến. Khi tiếp xúc với người Mỹ, tôi từng thử lách luật, nhưng đều không nhận được bất cứ phản ứng đáp lại nào. Ví dụ như, khi tôi là sinh viên, ra ngoài tìm việc để bù lại chi phí sinh hoạt, nhưng do không có chứng nhận làm việc hợp pháp ở Mỹ, công ty của người Mỹ đều không tuyển tôi. Còn khi tôi giúp đỡ một vài người bạn Mỹ, họ trả tôi tiền công, tôi hy vọng có thể trả tôi tiền mặt, như vậy sẽ có thể không phải trả thuế. Không ngờ là họ đều nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ và nói: “Đây là nước Mỹ, mọi người đều phải đóng thuế.”

Ngọc Trúc biên dịch

Xem thêm: