Đám tang của Nữ hoàng Elizabeth II là một sự kiện cấp nhà nước. Tất cả phụ nữ hoàng gia phải đeo mạng che mặt màu đen để thể hiện sự tôn trọng đối với bà. 

New Project 18
Công nương xứ Wales Kate Middleton đeo mạng che mặt trong lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II. (Ảnh chụp màn hình video)

Nữ hoàng Elizabeth II, quốc vương trị vì lâu nhất của Anh, đã qua đời vào ngày 8/9 ở tuổi 96. Khi tham dự các sự kiện khác nhau của lễ tang, các thành viên nữ trong gia đình hoàng gia sẽ phải đeo khăn tang để tôn vinh nữ hoàng quá cố. Khăn tang của hoàng gia Anh không phải là kiểu khăn trùm đầu che kín tóc và vai mà là một tấm lưới (hoặc ren) màu đen gần như trong suốt.

Theo BBC, các thành viên trong gia đình tang quyến của hoàng gia bắt buộc phải đội khăn tang khi đến một lễ tang cấp nhà nước. Nhưng mạng che mặt không chỉ được sử dụng trong hoàng gia Anh. Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy cũng từng đeo mạng che mặt trong lễ tang của Tổng thống John F. Kennedy ở Washington, D.C., vào tháng 11/1963.

Trang web về đức tin của Liên minh Phúc âm cho biết thường thì cô dâu, các sơ, người theo đạo Hồi hoặc đạo Do Thái Chính thống mới đeo khăn trùm đầu, nhưng phụ nữ Cơ đốc giáo cũng tuân thủ quy định che đầu khi thờ cúng theo một truyền thống lâu đời.

Lily Wilson, chủ nhân của Veils by Lily ở Kimmswick, Missouri, cho biết mạng che mặt là một biểu tượng chất chứa rất nhiều ý nghĩa có từ thời Tân Ước của Kinh thánh.

“Trong 1 Cô-rinh-tô 11, sứ đồ Phao-lô đã hướng dẫn hội thánh đầu tiên tại Cô-rinh-tô rằng phụ nữ nên che đầu khi cầu nguyện hoặc nói tiên tri”, cô nói.

Wilson cho biết việc sử dụng mạng che mặt không còn phổ biến vào khoảng những năm 1960 trong cộng đồng các giáo phái Công giáo và Tin lành chính thống.

Tuy nhiên, những chiếc mạng đang dần quay trở lại. 

“Trong những năm gần đây, một số phụ nữ theo đạo Thiên chúa đã bắt đầu quay lại với tập tục này, đặc biệt là ở các giáo xứ Công giáo bảo thủ và một số giáo phái Thiên chúa giáo”, cô nói.

Việc đeo mạng che mặt cũng được áp dụng trong đám tang.

“Trong quá khứ, mọi người không hào hứng với việc thể hiện cảm xúc ở nơi công cộng. Mạng che mặt trong đám tang được sử dụng với hai mục đích là mang đến sự riêng tư cho người đeo và giúp họ che đầu theo hướng dẫn của Thánh Phao-lô trong 1 Cô-rinh-tô 11”, cô giải thích.

Linh mục Jeffrey Kirby, mục sư của Giáo xứ Our Lady of Grace ở Indian Land, South Carolina, cho biết Kinh thánh dạy rằng: “Mái tóc là niềm vinh quang của phụ nữ”.

Vào thời Kinh thánh, phụ nữ che tóc ở nơi công cộng là dấu hiệu của sự khiêm tốn và nếu cô ấy đã kết hôn thì đó là dấu hiệu của tình yêu và sự tôn trọng đối với chồng.

“Ngày nay phụ nữ không bắt buộc phải đeo mạng che mặt. Có nhiều phụ nữ đeo mạng và cứ khăng khăng yêu cầu người khác phải làm theo, nhưng lời khuyên của Thánh Phao-lô chỉ giới hạn ở người Cô-rinh-tô. Ông ấy không yêu cầu mọi người phải đeo mạng che mặt trong các cộng đồng Cơ đốc giáo khác. Ngày nay, khi phụ nữ đeo mạng che mặt trong một nghi lễ nào đó thì đó là dấu hiệu cho thấy sự tôn trọng của cô ấy đối với mọi người. Đeo mạng che mặt trong đám tang là một phong tục truyền thống thể hiện sự tôn trọng, trân quý của nữ giới với người đã khuất”, ông giải thích.

Đối với Wilson chiếc mạng che mặt mang ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần và thể hiện sự tôn kính của con người đối với Đức Chúa Trời.

Minh Minh (Theo Fox News)