Gần đây, 3 cựu quản lý cấp cao của TikTok tại Mỹ đã tiết lộ với Forbes rằng mặc dù họ được thuê vào vị trí lãnh đạo công ty, nhưng cuối cùng họ đã từ chức sau khi biết rằng tất cả các chỉ thị sẽ phải được chấp thuận bởi công ty mẹ Bytedance có trụ sở tại Bắc Kinh.

shutterstock 1541597285
3 người từng là quản lý cấp cao của TikTok tiết lộ, mọi chỉ thị đều phải được công ty mẹ Bytedance có trụ sở tại Bắc Kinh chấp thuận. (Ảnh minh họa: Ascannio/ Shutterstock)

Cựu quản lý cấp cao của TikTok tiết lộ lý do từ chức

Forbes đưa tin, ít nhất 5 quản lý cấp cao của TikTok tại Mỹ đã từ chức trong 2 năm qua sau khi biết rằng mình không thể tác động đến việc ra quyết định và mọi việc phải do Bắc Kinh chỉ đạo. Ba người nhận trả lời phỏng vấn của Forbes cũng trong số này.

Một trong những cựu quản lý cấp cao nói với Forbes, “Rất nhiều chỉ thị đều đến từ tổng bộ, và chúng tôi không nhất thiết phải tham gia vào quá trình ra quyết định. Tôi đã làm lĩnh vực này trong một thời gian dài, và tôi không muốn có người đến nói với tôi rằng phải làm như thế nào.”

Một cựu quản lý khác nói với Forbes rằng gần đây chủ quản thứ tư đã rời đi vì sau khi tái cơ cấu doanh nghiệp, người ta nói rằng ông phải báo cáo với ban lãnh đạo ByteDance ở Bắc Kinh, chứ không phải ban lãnh đạo của TikTok.

Người thứ ba này nói, “Những người này được tuyển dụng vào các vị trí lãnh đạo công ty ở Mỹ, và kết quả là, quyền hạn của họ bị giảm và họ phải chịu sự sai bảo của những người ở Bắc Kinh.”

Nhân vật được biết đến nhiều nhất và gần đây đã rời vị ghế là giám đốc an ninh toàn cầu của TikTok là ông Roland Cloutier. Ông giữ chức vụ này cho đến tháng 7. Ông Cloutier đã không trả lời yêu cầu phỏng vấn.

Theo Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew, việc thay đổi chức vụ của ông Cloutier là vì TikTok tạo ra một đơn vị mới để quản lý dữ liệu người dùng của Mỹ, điều này đã “thay đổi quan phạm vi chức vụ của giám đốc an ninh toàn cầu”.

Các tài liệu nội bộ mà trang tin công nghệ Gizmodo có được cho thấy TikTok đã hy vọng “làm suy yếu công ty mẹ ByteDance”“làm suy yếu mối liên hệ của nó với Trung Quốc”.

Tuy nhiên, 12 người đã nghỉ việc nói với Forbes rằng ByteDance vẫn có nhiều quyền kiểm soát rất lớn đối với TikTok, và một cựu nhân viên thậm chí còn cho Forbes xem một tờ phiếu lương, người đưa ra phiếu lương này là ByteDance.

Theo báo cáo, kiểm toán viên nội bộ của TikTok cũng đồng thời kiêm công việc kiểm toán nội bộ cho ByteDance. Trong một cuộc gọi được ghi âm vào tháng 9/2021, kiểm toán viên nói với các thành viên của nhóm Tin cậy & An toàn (Trust & Safety) của Mỹ rằng cần phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa với văn phòng Bắc Kinh.

Kiểm toán viên này nói với phía đối phương rằng họ phải hợp tác với Bắc Kinh, thậm chí là “những thay đổi cụ thể dành riêng cho thị trường Mỹ”, bởi vì trụ sở chính của Trung Quốc kiểm soát quyền truy cập vào các công cụ bên trong ứng dụng, “nếu không có cầu nối đó, có thể có một số loại hạn chế, và sẽ khó hoàn thành công việc hơn.”

Một số nhân viên TikTok, bao gồm các phòng sản phẩm, phòng kỹ thuật và đội ngũ chiến lược, thậm chí cả những người quản lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người dùng Mỹ, cho biết họ trực tiếp chịu sự chỉ đạo của ban lãnh đạo ByteDance của Trung Quốc.

Các chuyên gia đặt câu hỏi về việc TikTok nghe theo ĐCSTQ

TikTok là ứng dụng chia sẻ video ngắn do công ty công nghệ ByteDance của Trung Quốc phát triển, được giới trẻ đặc biệt yêu thích. Ứng dụng đã có ở hơn 150 quốc gia, với 1 tỷ người dùng. Tại Mỹ, lượt tải xuống lên đến hơn 200 triệu.

Ông Gordon Chang, một thành viên cấp cao tại Viện Gatestone, một tổ chức nghiên cứu tư vấn nổi tiếng tại Mỹ, nói với The Washington Times rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “sử dụng TikTok để quảng bá câu chuyện mà họ tự kể”.

Ông nói với tờ The Washington Times: “Việc TikTok ngừng một số trang web bảo thủ chắc chắn là kết quả của quyết định của Bắc Kinh và nó không thể là ngẫu nhiên.”

“TikTok rõ ràng là dễ dàng kích động bởi nội dung bảo thủ không phù hợp với tuyên truyền của chủ nghĩa cộng sản của nó,” Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông viết trong một bài đăng trên blog NewsBusters vào đầu tháng này.

Theo một cuộc khảo sát do Forbes công bố, 300 nhân viên hiện tại của ByteDance và TikTok đã từng làm việc cho truyền thông nhà nước Trung Quốc, và 15 nhân viên vẫn đang làm việc cho cả hai.

TikTok là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên toàn cầu vào năm 2020 và 2021. Cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố hôm thứ Năm (22/9) đã xếp hạng TikTok là ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến thứ hai trong độ tuổi 13 – 17, sau YouTube và đứng trước Snapchat, Instagram và Facebook.

Một cuộc thăm dò vào tháng 7/2022 cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ việc gỡ TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng.

Chủ tịch tổ chức “Convention of States Action” (COSA), ông Mark Meckler nói với Newsmax rằng TikTok không chỉ gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ, mà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng những người trẻ tuổi dễ bị nghiện. Ông nói: “Hầu hết các cử tri đồng ý rằng cuộc chiến kỹ thuật số của TikTok chống lại Mỹ phải dừng lại và họ cũng mong đợi Washington có hành động ngay lập tức để bảo vệ đất nước của chúng ta, chứ không phải là nghe theo ĐCSTQ.”

ĐCSTQ có thể thu được một lượng lớn thông tin bí mật thông qua TikTok

Truyền thông Mỹ đưa tin vào ngày 17/6 năm nay rằng nhiều năm qua, TikTok đã phản hồi các mối quan ngại về quyền riêng tư dữ liệu, hứa hẹn rằng thông tin mà nó thu thập về người dùng Mỹ được lưu trữ ở Mỹ, chứ không phải ở Trung Quốc, nơi đặt công ty mẹ của nền tảng video này.

Nhưng theo ghi âm bị rò rỉ từ hơn 80 cuộc họp nội bộ của TikTok, các nhân viên Trung Quốc đã liên tục truy cập dữ liệu không công khai về người dùng TikTok ở Mỹ. Chính hành vi khiến cựu Tổng thống Trump từng đe dọa cấm ứng dụng này ở Mỹ.

BuzzFeed News đã xem xét các đoạn ghi âm, trong đó có 14 phát biểu của 9 nhân viên TikTok khác nhau cho thấy rằng các kỹ sư ở Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu tại Mỹ, ít nhất từ ​​tháng 9/2021 đến tháng 1/2022.

Các đoạn ghi âm, trải dài từ các cuộc họp nhóm với lãnh đạo công ty và chuyên gia tư vấn đến các bài thuyết trình toàn thể về chính sách, được chứng thực bằng ảnh chụp màn hình và các tài liệu khác, cung cấp bằng chứng đáng kể để chứng thực các báo cáo trước đây về việc nhân viên Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng tại Mỹ.

Năm 2019, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Chính phủ Mỹ (CFIUS) bắt đầu điều tra các tác động an ninh quốc gia của việc thu thập dữ liệu tại Mỹ của TikTok. Vào năm 2020, Tổng thống Donald Trump khi đó đã đe dọa sẽ cấm hoàn toàn ứng dụng này vì lo ngại rằng Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng ByteDance để thu thập hồ sơ thông tin cá nhân của người dùng TikTok ở Mỹ. Khi đó, Tổng thống Trump đã viết trong lệnh hành pháp rằng “việc thu thập dữ liệu của TikTok có khả năng cho phép ĐCSTQ tiếp cận thông tin cá nhân và độc quyền của người Mỹ”.