Con người chúng ta luôn tiềm ẩn nhiều khả năng kỳ diệu. Ngày nay, bằng những thí nghiệm khoa học, người ta đã chứng minh được rằng công năng của con người không phải là điều gì đó “mê tín”, mà thực sự có tồn tại. Những công năng của con người đã được thế giới công nhận hiện nay gồm có: công năng ban vận, nhận biết vật thể bằng bộ phận khác ngoài con mắt thường, truyền cảm tâm linh, thấu thị, dao thị, túc mệnh thông.

công năng
(Ảnh minh họa: Par Triff/Shutterstock)

1. Dùng công năng ban vận để di chuyển vật thể 

Trương Bảo Thắng (1960 – 3/8/2018), quê ở xã Bản Khê, huyện Tây Hồ, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, là một trong những người có công năng nổi tiếng nhất Trung Quốc giai đoạn những năm 1980.

Ông là đối tượng nghiên cứu của rất nhiều các Viện nghiên cứu, các Trường đại học, thậm chí là các chương trình nghiên cứu đặc biệt của Trung Quốc như Sở 507- Bộ công an, đơn vị chuyên nghiên cứu về những sự kiện bí mật, Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ của quân đội… Có rất nhiều bài báo, nghiên cứu khoa học, sách và video mô tả về khả năng đặc biệt của người đàn ông này.

Cuốn sách “Siêu nhân Trương Bảo Thắng” xuất bản năm 1989, do tác giả Gia Cát Hỉ Hán viết, được viết lời tựa bởi Lâm Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, đã ghi lại rất nhiều thí nghiệm cũng như câu chuyện về Trương Bảo Thắng.

công năng
(Ảnh: Chụp màn hình)

Dùng công năng để di chuyển vật thể là một trong những khả năng mà Trương Bảo Thắng thường xuyên biểu diễn. Để nghiên cứu thăm dò khả năng di chuyển vật thể của Trương Bảo Thắng, các giáo viên khoa Vật lý của Học viện Sư phạm Bắc Kinh đã sử dụng tất cả các thiết bị có tại viện, và tất cả thủ pháp nào có thể, tiến hành theo dõi toàn bộ quá trình di chuyển vật của ông.

Có một lần, Trương Bảo Thắng đã biểu diễn công năng trước cố Phó chủ tịch Trung Quốc, Vương Chấn. Bảo Thắng đã dùng công năng đưa 5 que diêm vào phong bì thư, đồng thời đọc và trả lời nội dung của thư vào chính mặt sau của lá thư trong phong bì thư đang được dán kín. Trong video dưới đây, Bảo Thắng cũng dùng công năng, lấy ra các viên thuốc nằm trong lọ thủy tinh đang được bịt kín.

2. Nhận biết vật thể bằng bộ phận khác ngoài con mắt thường

Đó là công năng nhận biết màu sắc, hình ảnh, chữ viết… thông qua bộ phận khác của cơ thể như ngón tay, chứ không phải bằng con mắt thường của chúng ta:

Giáo sư Lý Tự Sầm (Lee Si-chen/Li Sichun) là nhà khoa học xuất sắc người Đài Loan. Ông lấy bằng Tiến sĩ chuyên ngành điện tại Đại học Stanford. Giáo sư Lý có nhiều thành tựu lớn và nhận được nhiều giải thưởng khoa học, điển hình như nghiên cứu dẫn đến phát minh ra linh kiện bán dẫn lưỡng cực có tiếp giáp không đồng nhất (Heterojunction Bipolar Transistor – HBT), trở thành tiêu chuẩn sản xuất bộ khuếch đại công suất thống trị ngành sản xuất điện thoại di động với hàng tỷ linh kiện mỗi năm. Ông giữ chức hiệu trưởng Đại học Quốc gia Đài Loan từ năm 2005 đến năm 2013.

công năng
Giáo sư Lý Tự Sầm. (Ảnh: website Lý Tự Sầm)

Trước kia, ông chưa bao giờ tin rằng thế giới tâm linh có tồn tại, cho đến khi những cô cậu học trò tham gia khóa huấn luyện của ông phát hiện nhiều điều kỳ lạ từ những con chữ bị dấu kín dưới những chiếc găng tay đen. Từ năm 1993, trong vòng 9 năm, Giáo sư Lý Tự Sầm đã thực hiện hơn 3.000 lần thử nghiệm, chứng minh rằng việc dùng ngón tay đọc chữ và sự tồn tại của con mắt thứ 3 là việc có thật.

Để điều tra tính thực tế của hiện tượng con mắt thứ 3 và khả năng đọc chữ bằng tay, từ năm 1993, Giáo sư Lý đã bắt đầu thí nghiệm với 1 bé gái có bố là người Nhật, mẹ là người Trung Quốc, được sinh ở Mỹ có tên Takahashi (ông gọi là đối tượng C) có khả năng đọc chữ bằng tay bẩm sinh. Takahashi đã trải qua hơn 800 lần kiểm tra và cho kết quả rất khả quan. Từ năm 1996, Giáo sư Lý bắt đầu các lớp đào tạo khả năng đọc chữ bằng tay vào mùa hè cho các trẻ từ 6 đến 13 tuổi. 3 trẻ em trong đó có Takahashi là những có khả năng đọc bằng tay tốt nhất được lựa chọn là đối tượng nghiên cứu thường xuyên. Mỗi đứa trẻ trung bình thực hiện trên 300 bài kiểm tra đọc chữ bằng ngón tay bằng phương pháp mù đôi (double-blind), trong đó cả đối tượng thí nghiệm lẫn nhà khoa học đều không biết trước nội dung cần kiểm tra. 

Phương pháp kiểm tra: hơn 1.000 mẫu là các mảnh giấy 5x8cm được in 1 số có 2 chữ số hoặc 1 chữ tiếng Trung Quốc bằng máy in laser với mực in màu xanh lục, xanh lam hoặc đỏ vào các tờ giấy. Các bé được yêu cầu đút tay vào 1 chiếc găng tay vải đen có chất liệu chống ánh sáng. Những nhân viên thí nghiệm chọn ngẫu nhiên một mẫu, gấp đôi 2 lần và đưa vào găng tay qua 1 chiếc túi nhỏ có khóa kéo may phía trên của găng tay.

công năng
Các em bé đang cố gắng đọc các chữ được dấu trong găng tay đen. (Ảnh: GS. Lý Tự Sầm)

Bất cứ điều những đứa trẻ nhìn được trong não của mình sẽ các được báo cho nhân viên thí nghiệm và ghi lại. Sau đó các bé rút tay ra khỏi găng tay và viết lại đáp án trên mảnh giấy 5x5cm. Tiếp theo, nhân viên thí nghiệm sẽ mở khóa túi ở găng tay, lấy tờ giấy mẫu và dán cả mẫu chữ và câu trả lời lên bản ghi thí nghiệm.

SCLee ke qua thi nghiem 1
Bản ghi kết quả thí nghiệm. (Ảnh: GS. Lý Tự Sầm)

Trong 6 năm có 138 trẻ em tham gia khóa đào tạo. Có 98 trẻ hoàn thành khóa đào tạo và trong đó có 21 trẻ thể hiện khả năng đọc chữ bằng ngón tay đáng kể. 

SCLee Bang ket qua 2
Thống kê kết quả đào tạo khả năng đọc chữ bằng ngón tay qua 6 năm. (Ảnh: GS Lý Tự Sầm)

Quá trình thí nghiệm với các trẻ có thể nhìn được bằng ngón tay sau một thời gian được đào tạo, cho thấy, trong não trẻ sẽ xuất hiện một “màn hình” giống như màn hình tivi. Các ký tự nhìn được sẽ xuất hiện từ một phần nhỏ đến phần lớn hơn và cuối cùng xuất hiện trên toàn bộ “màn hình”. Quá trình phát triển “màn hình” này được người Trung Quốc gọi là mở con mắt thứ 3, hay là “khai thiên mục”.

Cac chu trong thi nghiem
Các phần của một chữ dần dần xuất hiện (ảnh: GS. Lý Tự Sầm)

Giáo sư Lý cũng sử dụng máy điện não (EEG) để đo sóng não alpha, máy siêu âm xuyên sọ để đo vận tốc dòng chảy máu não (cBFV), máy đo điện thế da đặt trong lòng bàn tay trái và phải của Takahashi khi thí nghiệm đọc chữ bằng ngón tay  trong khi mắt của bé nhắm hoặc bị bịt kín. Kết quả cho thấy khi bé nhìn thấy màu sắc hoặc các ký tự trên “màn hình” trong não, sóng não alpha sẽ gia tăng biên độ, điện áp cBFV sẽ giảm 20% sau đó lập tức phục hồi đồng thời điện thế da lòng bàn tay của đối tượng cũng tăng 30mV. Điều này dường như cho thấy sự tồn tại của con mắt thứ ba trong não là có thật cũng như mô tả một trong những cách thức con mắt thứ 3 này tiếp nhận thông tin và hiển thị trong não. 

3. Truyền cảm tâm linh

Không cần đến tiếp xúc trực tiếp các bộ phận cảm quan giữa 2 người với nhau, nhưng 1 phía hay 2 phía đều có thể truyền đi tín tức trong tư tưởng tâm linh:

Năm 2014, một thí nghiệm thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học tại Đại học California, Mỹ, tín hiệu kích chuột từ tay phải một người đang chơi trò chơi điện tử được ghi lại bằng máy điện não đồ (EEG- Electroencephalogram) và gửi qua Internet qua giao thức truyền tải văn bản (http) đến não một người thứ 2 cách đó hơn 1km, tín hiệu này thông qua hệ thống giao tiếp não và máy tính (BCI-Brain to Computer Interface) có thể kích thích tay phải người thứ 2 thực hiện cú kích chuột y như người thứ nhất.

Cũng trong năm 2014, một nhóm nghiên cứu người Israel và các nhà khoa học từ Trường Y – Đại học Harvard đã cho một người ở Ấn Độ đeo máy điện não đồ (EEG) không dây có kết nối với Internet và yêu cầu người này nghĩ về một lời chào như “xin chào”. Sau đó máy tính sẽ chuyển suy nghĩ đó thành một dạng mã nhị phân gồm các chuỗi 0 và 1.

Tin nhắn này sau đó được gửi đến Pháp qua thư điện tử (Email) và truyền cho người nhận thông qua hệ thống giao diện não và máy tính (BCI). Mặc dù không thể nghe hay nhìn thấy tin nhắn này, nhưng người nhận có thể thấy ánh sáng lóe lên ở tầm nhìn ngoại vi (peripheral vision – vùng rìa bao quanh phạm vi quan sát theo chiều ngang và chiều thẳng đứng của mắt khi nhìn thẳng).

mo hinh CBI than giao cach cam
Mô tả về thí nghiệm của các nhà khoa học Israel và Harvard. (Ảnh: Plos.org)

4. Thấu thị (nhìn xuyên qua)

Đây là loại công năng mà trong đó không cần phải dùng đến bộ phận cảm giác thông thường (con mắt) mà có thể “nhìn” xuyên qua chướng ngại vật để nhận biết trạng thái bên trong của vật thể. Ví dụ kinh điển cho thấy loại công năng này chính là chuỗi thí nghiệm Pearce – Pratt.

Năm 1934, Tiến sĩ J.B. Rhine thuộc Đại học Duke, Mỹ, đã thiết kế 5 bộ thẻ được gọi là Thẻ Trắc nghiệm Siêu cảm (Extrasensory Testing Cards). Trên mỗi bộ thẻ là một hình vẽ đơn giản: hình tròn, hình vuông, hình chữ thập, hình sóng nước và hình ngôi sao.

Bằng việc sử dụng 5 bộ thẻ này, ông và cộng sự, Tiến sĩ J.G. Pratt, đã tiến hành một chuỗi thí nghiệm trên một học sinh, H. E. Pearce, Jr., người tuyên bố là có công năng thấu thị.

6 loai cong nang cua con nguoi da duoc the gioi cong nhan 1
Pearce (trái) và J.B. Rhine (phải). (Ảnh: Wikipedia)

Các thí nghiệm được tiến hành 34 lần trong khoảng thời gian từ tháng 8/1933 đến tháng 3/1934. Năm loại thẻ (tổng cộng 25 thẻ) đã được sử dụng vào mỗi lần thí nghiệm. Người được thí nghiệm, Pearce, Jr., ngồi trong một căn phòng nhỏ tại thư viện Đại học Duke, trong khi cộng sự Pratt ngồi trước một chiếc bàn ở tòa nhà cách nơi mà ông có thể thấy Pearce từ 100-200 thước. Trước khi thí nghiệm bắt đầu, Pratt trộn một cách ngẫu nhiên những tấm thẻ và đặt chúng ở phía bên phải chiếc bàn, với mặt thẻ có hình úp xuống. Một cuốn sách cũng được đặt ở giữa chiếc bàn.

Ngay khi thí nghiệm bắt đầu, Pratt chọn một tấm thẻ bằng tay phải và đặt nó lên cuốn sách với mặt có hình úp xuống. Cùng lúc đó, Pearce cố gắng đoán xem hình trên chiếc thẻ là gì. Một phút sau, Pratt dùng tay trái để chuyển chiếc thẻ từ cuốn sách sang phía bên trái của chiếc bàn với mặt thẻ úp xuống, và rồi chọn tấm thẻ tiếp theo bằng tay phải. Với mỗi chiếc thẻ được chọn trong vòng một phút, quá trình này tiếp tục cho tới khi 25 chiếc thẻ được lấy hết. Những chiếc thẻ luôn được đảm bảo là úp xuống trong toàn bộ quá trình, và cả Pearce và Pratt đều không thể nhìn thấy các hình vẽ.

Sau khi hoàn thành lượt đầu tiên của thí nghiệm, Pearce sẽ ghi lại đáp án vào một tờ giấy, gói kín trong một phong bì và đưa cho Tiến sĩ Rhine. Pratt cũng ghi lại đáp án mà ông cố gắng đoán rồi đưa riêng nó cho Tiến sĩ Rhine. Tiến sĩ Rhine mở cả 2 phong bì và sau đó tiến hành phân tích kết quả thống kê. Pratt và Pearce cũng so sánh kết quả thống kê của Tiến sĩ Rhine với đáp án mà họ tự lưu để xem có sai sót nào không. Toàn bộ quá trình thí nghiệm rất tỉ mỉ, kỹ càng, và kết quả thống kê thu được là rất chính xác.

Phân tích thống kê cho thấy trong 74 lượt thí nghiệm với 1.850 chiếc thẻ được chọn, độ chính xác trong đáp án của Pearce là hơn 30%. Điều này vượt qua xác suất thống kê khi đoán ngẫu nhiên (chỉ là 20%), và mức độ có ý nghĩa lên tới 10-22. Nếu đoán ngẫu nhiên mà không có công năng thấu thị thì không bao giờ đạt chính xác đến 30%. Thí nghiệm này đã được công nhận rộng rãi trong lĩnh vực tâm lý học và Tiến sĩ Rhine cũng được ca ngợi như là cha đẻ của bộ môn cận tâm lý đương đại.

6 loai cong nang của con nguoi da duoc the gioi cong nhan 2
J.B. Rhine (trái) đang tiến hành một thí nghiệm với 5 bộ thẻ để kiểm tra công năng thấu thị. (Ảnh: Đại học Duke)

5. Dao thị (công năng nhìn xa)

Đây là loại công năng mà có thể miêu tả lại một cách chuẩn xác về cảnh vật hay sự kiện của một nơi nào đó mà người có công năng chưa từng đến:

Năm 1995, (CIA) Cục tình báo trung ương Mỹ giải mật và chấp thuận công bố một số tài liệu tiết lộ về việc tham gia một chương trình bí mật có tên Stargate kéo dài 25 năm.

Ingo Swann, một người tham gia thí nghiệm này có thể nhìn thấy được các vòng tròn đặc trưng bao quanh sao Mộc trước khi NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) chụp ảnh nó bằng tàu không gian Pioneer 10. Điều này đã được ghi nhận trong nghiên cứu: 

“Để xác định liệu có cần một tín hiệu báo hiệu đặc biệt ở điểm đích cần quan sát hay không, Swann đã đề xuất thực hiện một thí nghiệm quan sát dao thị sao Mộc trước chuyến bay Pioneer 10 của NASA. Trong thí nghiệm đó, trong sự thất vọng của ông (và của chúng tôi), ông đã nhìn thấy một vòng tròn bao quanh sao Mộc, và tự hỏi liệu ông có nhìn nhầm sao Thổ thành sao Mộc hay không? Các đồng nghiệp trong lĩnh vực thiên văn học cũng khá thờ ơ, cho đến khi chuyến bay ngang sao Mộc xác định vòng tròn không ai ngờ đó thực sự tồn tại”.

6 loai cong nang cua con nguoi da duoc the gioi cong nhan 4
Ông Ingo Swann. (Ảnh: Đại học West Georgia)

6. Túc mệnh thông

Đây là công năng có thể nhìn ngược về quá khứ và thấy được những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai:

Gary E. Schwartz là một cái tên nổi tiếng trong giới nghiên cứu về các hiện tượng siêu thường. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard và là giáo sư tâm thần học và tâm lý học tại Đại học Yale, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Tâm lý học Yale và đồng giám đốc của Phòng khám Y học Hành vi Yale từ năm 1976-1988. Ông hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm vì những tiến bộ về ý thức và sức khỏe (LACH) tại Đại học Arizona.

Gary là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như “Các thí nghiệm sau sự sống”, “Các thí nghiệm về chữa bệnh bằng năng lượng”, “Đồng phương tương tính và Một Tâm trí”, “Các thí nghiệm về Thiên Chúa”… Ông cũng nằm trong danh sách các nhà khoa học đã soạn thảo Tuyên ngôn về một nền Khoa học hậu duy vật.

công năng
Gary E. Schwartz và cuốn sách Các thí nghiệm về Thiên Chúa. (Ảnh ghép từ Đại học Arizona và Amazon)

Tháng 4/2001, Gary nhận được cuộc gọi từ một người Anh có tên là Christopher Robinson.

Christopher Robinson (còn gọi là Chris) là một người kỳ lạ, ông có những giấc mơ tiên tri sau một trải nghiệm cận tử vào năm 1988. Các giấc mơ của ông luôn chỉ cho ông biết trước rằng ông sẽ làm gì, gặp ai hoặc điều gì sẽ xảy ra, kể cả một vụ án ở một khu vực nào đó trong tương lai với tỷ lệ chính xác 100%. Điều này khiến cho Chris có thể giúp cảnh sát Anh truy bắt được rất nhiều tội phạm quan trọng nhờ những chi tiết thấy được trong các giấc mơ tiên tri về các vụ án. Vì vậy, Chris được gọi là Thám tử Giấc mơ (Dream Detective).

Chris Robinson tham tu giac mo
Christopher Robinson và cuốn sách Thám tử Giấc mơ. (Ảnh ghép từ Amazon và psychicworld.net)

Chris muốn bay từ Anh sang Arizona để Gary có thể làm thí nghiệm về những trải nghiệm của mình. Thoạt đầu, Gary không tin những điều này, nhưng sau khi đọc cuốn sách Thám tử Giấc mơ mà Chris gửi, đồng thời được biết rằng Chris muốn tự bỏ tiền túi của mình cho vé máy bay và chi phí ăn ở và trao đổi với Chris qua điện thoại, Gary thực sự hy vọng rằng hợp tác giữa ông và Chris sẽ là thí nghiệm đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử cận tâm lý học đương đại, thậm chí là trong khoa học nói chung.

Là một giáo sư Đại học, Gary thiết kế thí nghiệm rất nghiêm ngặt theo phương pháp khoa học:

Đầu tháng 8/2001, Chris bay đến từ nước Anh, ở trong một khách sạn ở Tucson, Arizona. Trước khi Chris đến, Gary chọn 20 địa điểm khác nhau của vùng phía nam bang Arizona. 10 trong 20 địa điểm này sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên cho thí nghiệm. Gary viết tên 20 địa điểm ra giấy và cho mỗi tờ giấy ghi địa điểm vào một phong bì, niêm phong lại. Sau đó ông xáo trộn thứ tự các phong bì, cho vào 1 gói hàng rồi gửi tất cả đến Bill Simon (đồng tác giả của cuốn sách) ở phía nam bang California. Bill nhận được gói hàng gồm có 20 phong bì, ông đưa cho một người thứ 3 (Gary không biết họ là ai).

Người thứ 3 mở gói hàng, xáo trộn thứ tự các phong bì vẫn còn niêm phong, sau đó đánh số thứ tự các các phong bì từ 1 đến 20 ở ngoài vỏ phong bì, rồi đưa lại cho Bill. Sự việc này được ghi hình lại bằng video camera.

Trong 3 tháng 5, 6, 7 trước khi đến Mỹ và mỗi đêm ở khách sạn tại Mỹ, Chris được yêu cầu mơ về 10 địa điểm mà ông sẽ tới cùng Gary trong 10 ngày liên tục mà ông không biết trước tên địa điểm, ghi lại các đặc điểm của địa điểm và các sự việc liên quan vào cuốn nhật ký giấc mơ. Việc này được ghi hình bằng video camera.

Cứ đầu mỗi buổi sáng trong 10 ngày thí nghiệm, Gary đến phòng khách sạn nơi Chris ở, Chris sẽ nói cho ông biết những đặc điểm hoặc những sự việc sẽ xảy ra tại địa điểm mà hai người sẽ ghé thăm hôm đó. Ngay sau đó, Gary gọi điện thoại cho Bill, yêu cầu người thứ 3 bóc các phong bì đã đánh thứ tự từ 1 đến 10 tương ứng với ngày thí nghiệm và đọc cho ông biết tên địa điểm ông và Chris sẽ phải đến trong ngày hôm đó. Sự việc này được ghi hình lại bằng video camera.

Sau đó, Gary và Chris sẽ cùng nhau đến địa điểm được thông báo bởi Bill để xác định những đặc điểm, sự việc mà Chris mơ thấy và ghi lại trong nhật ký đó có đúng với những gì diễn ra trong thực tế hay không. Thật là kỳ lạ, tất cả những đặc điểm và sự việc diễn ra tại địa điểm mà Chris mơ thấy trước và ghi chép lại đều tồn tại và trùng khớp với các đặc điểm và sự việc mà Gary và Chris nhìn thấy khi ghé thăm 10 địa điểm trong 10 ngày thí nghiệm. Toàn bộ sự việc này cũng được ghi hình lại bằng video camera.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: