Tiến sĩ Eric Feigl-Ding, nhà dịch tễ học và là thành viên cấp cao tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), cho hay rằng biến thể mới Omicron (B.1.1.529) có thể lây nhiễm mạnh hơn khoảng 500% so với biến thể Delta. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Omicron là “biến thể đáng lo ngại”. Được biết, chủng này chứa 32 đột biến trong protein gai, có khả năng lẩn tránh miễn dịch ở những người đã tiêm vắc-xin COVID-19 và từng nhiễm COVID-19 trước đó, đã xuất hiện tại Bỉ, Nam Phi, Hồng Kông, Israel, Ý, Anh, Đức. Các quan chức WHO cho hay rằng sẽ phải mất nhiều tuần để đánh giá về mức độ lây lan, khả năng “né” vắc-xin của Omicron cũng như xem xét các phương pháp điều trị hiện tại có thể ứng phó với virus hay không. Trong khi đó, nhiều hãng dược phẩm như Pfizer, BioNTech, Moderna, đã đồng loạt đưa ra những tuyên bố khác nhau nhằm cập nhật vắc-xin COVID-19 để chống lại biến thể mới.

biến thể mới Omicron
(Ảnh minh họa: Corona Borealis Studio/Shutterstock)

Omicron đã được giới khoa học mô tả là “biến thể tồi tệ nhất mà chúng tôi từng thấy cho đến nay” và các nhà khoa học cũng lo ngại rằng chủng trên sẽ lan rộng.

Theo hãng tin Newsweek, Tiến sĩ Eric Feigl-Ding cho biết hôm 26/11 vừa qua rằng, Omicron có nhiều lợi thế cạnh tranh tiềm năng so với các biến thể cũ.

 

Ông cũng lưu ý rằng biến thể mới Omicron chứa số lượng “đột biến xấu” trong protein gai nhiều gấp đôi so với chủng Delta.

“Biến thể B.1.1.529 mới có khả năng lây nhiễm cạnh tranh cao hơn khoảng 500%, là chỉ số đáng kinh ngạc nhất tính cho đến nay”, nhà dịch tễ học Feigl-Ding chia sẻ trên Twitter kèm với hình ảnh so sánh lợi thế cạnh tranh của các chủng khác.

Bên cạnh đó, ông còn đưa ra nhận xét về vị trí phân cắt furin (furin cleavage) trong protein gai của virus, phần quan trọng của virus corona giúp xác định khả năng lây truyền của virus.

Ông cho biết rằng đây là lần đầu tiên mà một biến thể có đột biến vị trí phân cắt 2 furin. Biến thể Omicron chứa không chỉ 1 mà là 2 đột biến vị trí phân cắt furin – P681H và N679K. Theo nhà virus học Tom Peacock, đây là lần đầu tiên ông quan sát được những đột biến này ở cùng một chủng virus corona.

Ở một diễn biến khác, do lo ngại biến thể mới, hàng loạt các quốc gia đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh từ châu Phi, trong đó có Mỹ, Canada, Brazil, Ireland, Nhật Bản, Singapore, Israel.

Trước sự việc này, Bộ Y tế Nam Phi cho rằng động thái vội vàng áp đặt lệnh cấm đi lại là sai lầm và trái với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla tuyên bố những lệnh cấm đi lại là “một cách tiếp cận sai, với định hướng sai và đi ngược lại các tiêu chuẩn cũng như khuyến nghị của WHO”. So sánh tỷ lệ lây nhiễm hằng ngày ở Nam Phi và ở một số nước châu Âu, ông Phaala cho rằng động thái trên của các nước châu Âu “không khoa học”, đồng thời cảnh báo những phản ứng như vậy có thể khiến các quốc gia né tránh báo cáo về những trường hợp nhiễm biến thể mới Omicron.

WHO ngày 26/11 đã kêu gọi các nước không nên vội vàng áp đặt hạn chế đi lại thời điểm này. Theo người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier, sẽ mất vài tuần để tìm hiểu tác động của biến thể mới. Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về các đột biến và những ảnh hưởng của các đột biến đối với độc lực và khả năng lây lan của biến thể này. Đại diện WHO tại Nga, bà Melita Vujnovic cho hay rằng không có cơ sở để hoảng sợ về biến thể Omicron, bởi hiện tại chưa có thông tin về mức độ bảo vệ mà vắc-xin có thể cung cấp chống lại chủng virus này.

Theo đó, WHO khuyến nghị các nước vào thời điểm này cần thận trọng khi đưa ra các biện pháp đối với việc đi lại, “tiếp tục áp dụng cách tiếp cận khoa học và căn cứ vào nguy cơ khi thực hiện các biện pháp về đi lại”.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: