Trẻ em thường bị người lớn nhắc nhở phải cẩn thận với những món đồ bằng sứ. Lũ trẻ vì thế có thể lớn lên với suy nghĩ rằng sứ là một vật liệu rất dễ vỡ và phải nâng niu cẩn thận (hoặc tốt hơn là đừng động vào nó). Những đứa trẻ như thế rất có thể sẽ ngạc nhiên khi được nhìn thấy một tòa tháp lớn bằng sứ – một kiến trúc có thật từng tồn tại ở Trung Quốc.

thap luu ly nam kinh
Tháp Lưu Ly ở Nam Kinh

Tháp Lưu Ly ở Nam Kinh được xây dựng vào thời nhà Minh đầu thế kỷ 15. Tòa tháp này nằm trong quần thể chùa Báo Ân Tự và đã từng được xem là một trong ‘Bảy Kỳ Quan của Thế Giới Trung Đại.’

Quả đúng như vậy, ngôi chùa này được rộng rãi thừa nhận là ngôi chùa đẹp nhất Trung Hoa, bởi lẽ không giống như các ngôi chùa bình thường khác làm từ gỗ, các bức tường của nó được làm từ gạch sứ trắng lưu ly. Cái tên Tháp Lưu Ly cũng bắt nguồn từ đây. Thật không may, tòa tháp bị hủy đi vào thế kỷ 19. Ngày nay, người ta đã phục dựng lại kiến trúc này và mở cửa công khai để công chúng rộng đường chiêm bái.

Quá trình xây dựng thời nhà Minh

Tháp Lưu Ly ở Nam Kinh được vua Minh Thành Tổ, hiệu Vĩnh Lạc, cho phép xây dựng năm 1412 và mất 17 năm để hoàn thành. Tòa tháp cùng quần thể các kiến trúc xung quanh được hoàng đế cho xây dựng để tưởng nhớ song thân phụ mẫu, hoặc chỉ duy nhất mẫu hậu của ngài. Vì ngôi chùa là thể hiện lòng hiếu thảo của hoàng đế nên người ta đã đặt tên nó là ‘Báo Ân Tự’. Không có nhiều ghi chép về chùa Báo Ân, có thể là vì nó đã bị lu mờ bởi sự chói lọi, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, của Tháp Lưu Ly.

hoang de vinh lac nha minh
Vua Minh Thành Tổ, hiệu Vĩnh Lạc, tranh trục, mực màu trên lụa. Tại Bảo Tàng Cung Điện Quốc Gia, Đài Bắc

Ngôi chùa bằng sứ lưu ly

Tháp Lưu Ly là một chùa tháp xây dựng theo kiến trúc truyền thống của Trung Hoa. Kết cấu của ngôi chùa được phát triển từ ‘stupa’ (tạm dịch: Phù Đồ, một dạng công trình của Ấn Độ dùng để bảo quản di hài của các vị Phật). Phong cách kiến trúc stupa theo chân Phật giáo đến với vùng đất người Hán và được cải biến thành kiến trúc chùa tháp mà chúng ta thấy hiện nay.

Các chùa tháp thường được xây dựng bằng gỗ, sau này gạch và đá cũng dần dần được sử dụng. Tháp có nhiều tầng và bố trí cầu thang bên trong để cho người leo được lên trên. Từ các tầng cao, người ta có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng quang cảnh xung quanh.

thap luu ly nam kinh 2
Sơ đồ quần thể Báo Ân Tự

Không phải là lớn nhất, nhưng là đẹp nhất

Tháp Lưu Ly cao 79m, có đáy hình bát giác đường kính 30m. Những ghi chép cho thấy người ta từng muốn nâng độ cao của tháp lên 101m bằng cách xây thêm 4 tầng, mặc dù vậy chuyện này đã không bao giờ có thể xảy ra.

>> Chữ Vạn của nhà Phật: Biểu tượng phổ biến trong các nền văn minh tiền sử

Tháp Lưu Ly không cao nhất (Tháp Liêu Địch ở Hà Bắc cao tới 84m), nhưng nó xứng đáng là tòa tháp đẹp nhất. Cái tên Lưu Ly bắt nguồn từ những viên gạch lưu ly (gạch sứ trắng) được dùng để dựng lên tòa tháp này.

Vào ban ngày, ánh sáng mặt trời rọi lên các viên gạch khiến cả tòa tháp bừng lên lấp lánh. Vào ban đêm, khoảng 140 lồng đèn bằng sứ cùng nhau thắp sáng tòa tháp này. Thêm vào đó, các loại men khác nhau được trộn vào các viên gạch, tạo cho chúng các màu xanh lá, vàng và nâu, phía trên tô vẽ các hoạ tiết thực vật, động vật và phong cảnh. Các hình tượng Phật cũng góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp của tòa tháp này.

thap luu ly nam kinh 3
Một ô cửa khai quật lên từ tàn tích của Tháp Lưu Ly.

Phục dựng lại tòa bảo tháp

Thật đáng tiếc là Tháp Lưu Ly của Vĩnh Lạc Đế đã không tồn tại được cho đến ngày nay. Năm 1853, Thái Bình Thiên Quốc, đội quân nổi loạn theo đạo Thiên Chúa lúc đó đã chiếm được Nam Kinh. Tới năm 1856, họ đã triệt để phá hủy ngôi chùa này, mục đích có thể là để ngăn quân địch lợi dụng tòa tháp này để quan sát, hoặc do xung đột về tín ngưỡng.

Năm 2008, một số di hài của các hòa thượng đã được các nhà khảo cổ học khai quật từ tàn tích của Tháp Lưu Ly. Năm 2010, Vương Kiện Lâm, chủ tịch tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt, được cho là đã ủng hộ 1 tỷ tệ (khoảng 150 triệu đô la Mỹ) để xây dựng dự án Công viên Di sản Lưu Ly.

Kết quả là tòa tháp cổ đã được phục dựng lại một phần, nhưng đáng tiếc không phải là từ gạch lưu ly, mà là từ thép và kính. Bên cạnh tòa tháp, Công viên Di Sản Lưu Ly còn có một bảo tàng Phật giáo theo phong cách vị lai. Công viên này đã được mở cửa cho công chúng từ năm 2015.

thap luu ly nam kinh 4
Tòa Tháp phục dựng ngày nay

Theo Ancient Origins
Quốc Hùng (dịch với sự cho phép của tác giả)