Nhờ công nghệ nano, các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ giờ đây đã có thể xác định chính xác thực phẩm nào bị hỏng cũng như phát hiện ra một loại cảm biến có khả năng giám sát thời gian sử dụng của sản phẩm. Điều này cũng góp phần giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm trên toàn thế giới.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), có khoảng 1/3 tổng lượng lương thực được sản xuất hằng năm bị lãng phí hoặc thất thoát từ các trang trại, cửa hàng cho đến các hộ gia đình. Thụy Sĩ chiếm một phần không nhỏ khi trung bình có tới 190kg thực phẩm/đầu người bị lãng phí hằng năm.

Tiến sĩ Niloufar Sharif đến từ Viện Công nghệ Lausanne (Thụy Sĩ) cho biết công nghệ nano đóng gói thông minh có thể xác định chính xác sản phẩm nào bị hư hỏng cũng như tìm ra một loại cảm biến có khả năng giám sát thời gian sử dụng của sản phẩm hết sức hữu ích. Nó có thể phát hiện các dấu hiệu thực phẩm hỏng hoặc hết hạn mà không cần dựa vào “date” của nhà sản xuất. Những cảm biến nano siêu nhỏ này được tích hợp vào bao bì thực phẩm và phản ứng khi thực phẩm hỏng. Sau đó, một hệ thống sẽ diễn giải dữ liệu và chuyển nó thành một dấu hiệu mà mọi người có thể đọc được ở bên ngoài gói thực phẩm.

công nghệ nano
Tiến sĩ Niloufar Sharif. (Ảnh: Future Food Initiative)

Các loại thực phẩm khác nhau sẽ phân hủy theo những cách không giống nhau, với tỷ lệ khác nhau và trong các điều kiện khác nhau, chẳng hạn như ánh sáng và độ ẩm. Tiến sĩ Sharif tin rằng các cảm biến mà nhóm của cô đang nghiên cứu có thể phản ứng với một số loại khí trong quá trình vi khuẩn hoặc nấm hoạt động trên thực phẩm.

Một trong những phương pháp có thể sử dụng là theo dõi nồng độ pH để biết liệu thứ gì đó có tính axit, trung tính hay kiềm và có thể chỉ ra sự phân hủy thực phẩm. Thực phẩm an toàn để sử dụng có độ pH là 7. Nếu độ pH di chuyển vào vùng không an toàn, một cảm biến trên nhãn sẽ cảnh báo cho người quản lý thực phẩm hoặc người mua hàng rằng thực phẩm không còn an toàn để sử dụng.

Dự án của cô Sharif được chọn là một phần của ”Sáng kiến lương thực tương lai” (Future Food Initiative), chương trình khoa học – công nghiệp của Thụy Sĩ nhằm mở rộng nghiên cứu và giáo dục trong lĩnh vực thực phẩm và dinh dưỡng.

Hiện cô Sharif đang thiết lập phòng thí nghiệm cho giai đoạn đầu tiên trong 3 giai đoạn của dự án: Thử nghiệm cảm biến với các loại khí khác nhau, tích hợp cảm biến vào vật liệu đóng gói và thử nghiệm trên thực phẩm thực tế.

Trước đó, hai giáo sư Cornelia Gabriela Palivan và Ozana Fisher tại Đại học Basel (Thụy Sĩ) đã phát minh ra bao bì thông minh sử dụng công nghệ “con nhộng”, trong đó hoạt động như một tín hiệu đèn giao thông nhằm thông báo về tình trạng tươi mới của sản phẩm. Khi bao bì hiện nhãn xanh, thực phẩm vẫn đang còn tốt, còn khi bao bì hiện nhãn đỏ, thì tức là thực phẩm đã có dấu hiệu ôi thiu.

Cong nghe nano giup nhan dien thuc pham het date 2
Loại bao bì có nhãn dán hoạt động như tín hiệu đèn giao thông giúp nhận biết tình trạng thực phẩm bên trong, giúp hạn chế việc đánh giá bằng mắt và mũi. (Ảnh chụp màn hình)

Việc nghiên cứu và ứng dụng bao bì thông minh vào thực tế là rất quan trọng, một phần nó giúp đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, mặt khác giúp chống lãng phí trong bối cảnh có rất nhiều sản phẩm được dán thời hạn sử dụng ngắn hơn thời gian sử dụng thực với mục đích kích cầu khả tăng chi tiêu của người dân, dẫn tới tình trạng nhiều thực phẩm chưa hỏng đã bị vứt bỏ vì hết “date” do nhà sản xuất ghi trên nhãn.

Bà Karin Spori, giám đốc điều hành của Foodwaste.ch, một tổ chức phi lợi nhuận tại Thụy Sĩ tin rằng các nhà sản xuất có thể sẽ áp dụng công nghệ trên nếu chính quyền yêu cầu. Tuy nhiên, theo bà Karin, người dùng có thể cảm thấy không thoải mái khi áp dụng công nghệ nano trên thực phẩm.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: