Cựu giám đốc an ninh của Twitter là Peiter Zatko cho biết công ty truyền thông xã hội này khá yếu kém về an ninh mạng, khiến nhiều lần họ phải đối mặt với các rủi ro tình báo nước ngoài.

shutterstock 1891723090
Cựu giám đốc an ninh của Twitter là Peiter Zatko cho biết công ty truyền thông xã hội này khá yếu kém về an ninh mạng, nhiều lần phải đối mặt với các rủi ro tình báo nước ngoài. (Nguồn: Viewimages/ Shutterstock)

Theo CNN, ông Zatko đã chỉ ra rằng cho dù họ đang nhận tiền từ các nguồn không đáng tin cậy của Trung Quốc hoặc không chịu được các yêu cầu kiểm duyệt của Nga, giới điều hành Twitter vì theo đuổi sự tăng trưởng ngắn hạn nên sẵn sàng để người dùng Twitter và nhân viên vào rủi ro và đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Những các cáo buộc về an ninh quốc gia này là một phần trong bản đệ trình gần 200 trang của Zatko lên Quốc hội, Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng liên bang Mỹ. Hồ sơ cáo buộc các giám đốc điều hành của Twitter đã che đậy các lỗ hổng nghiêm trọng chính trong công ty và lừa dối công chúng.

Twitter đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNN về rủi ro tình báo nước ngoài. Nhưng một phát ngôn viên của Twitter cho biết cáo buộc của Zatko là “mâu thuẫn, không chính xác, và đặc biệt phiến diện”.

CNN chỉ ra rằng Zatko là một chuyên gia an ninh mạng có nhiều năm kinh nghiệm, từng làm việc cho Google, nền tảng thanh toán Stripe và Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo Zatko, ông đã kêu gọi Twitter chú ý về những rủi ro nhưng đã bị trì hoãn nên từ tháng trước ông đã báo cáo vấn đề với cơ quan chức năng Mỹ.

Hồ sơ cáo buộc liên quan đã được gửi đến Ủy ban Tình báo Thượng viện và Ban An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ.

Zatko cho biết trong hồ sơ rằng ngay trước khi ông bị sa thải, nhà chức trách Mỹ đã cung cấp cho Twitter bằng chứng cụ thể rằng ít nhất một trong những nhân viên của công ty đang làm việc cho cơ quan tình báo của chính phủ khác. Tài liệu không cho biết Twitter phản ứng như thế nào.

Tiết lộ của Zatko có thể làm dấy lên lo ngại về an ninh mạng của Mỹ.

Trong những năm gần đây, Washington lo ngại rằng các chính phủ độc tài có thể đánh cắp dữ liệu công dân Mỹ thông qua các công ty công nghệ tư nhân, hoặc sử dụng các nền tảng xã hội để tác động đến dư luận Mỹ, lan truyền thông tin sai lệch trong cử tri Mỹ hoặc thu thập thông tin tình báo về các nhà hoạt động nhân quyền.

Nếu những cáo buộc trong tài liệu là đúng, Twitter có thể vô tình là cánh cửa cho các chính phủ độc tài biến những nỗi sợ hãi đó thành sự thật.

Đáp lại tiết lộ, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ là Marco Rubio cam kết sẽ điều tra thêm các cáo buộc.

Ông Rubio nói: “Twitter luôn đưa ra những quyết định thực sự tồi tệ từ kiểm duyệt đến vấn đề bảo mật. Với khả năng của công ty trong việc ảnh hưởng đến diễn ngôn quốc gia và các sự kiện toàn cầu thì đây là vấn đề rất đáng ngại. Cần thiết tiếp thu cáo buộc này thật nghiêm túc và chờ đợi thêm thông tin”.

Nghi vấn nhượng bộ Nga trước cuộc xâm lược Ukraine

Theo tiết lộ của Zatko, một vài tháng trước khi Nga xâm lược Ukraine, quan chức kỹ thuật khi đó của Twitter là Parag Agrawal dường như đã sẵn sàng có động thái nhượng bộ lớn với Điện Kremlin.

Ông cho biết thời điểm đó, Agrawal đã đề xuất rằng Twitter nên theo các yêu cầu của Nga, mặc dù làm như vậy có thể dẫn đến việc kiểm duyệt hoặc giám sát sâu rộng.

Chi tiết về vấn đề này không được nêu trong tài liệu. Nhưng vào mùa hè năm ngoái, Nga đã thông qua luật yêu cầu các nền tảng công nghệ phải mở văn phòng tại Nga nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh cấm quảng cáo.

Các chuyên gia an ninh phương Tây vào thời điểm đó cho biết động thái này có thể mang lại cho Nga nhiều ảnh hưởng hơn đối với các công ty công nghệ của Mỹ.

Zatko cho biết trong hồ sơ rằng mặc dù cuối cùng đề xuất đã bị loại bỏ, nhưng phần nào cho thấy Twitter có khả năng bỏ những nguyên tắc quan trọng để theo đuổi sự phát triển người dùng.

“Việc CEO hiện tại của Twitter có ám chỉ thân Putin làm gia tăng lo ngại về tác động của Twitter đối với an ninh quốc gia của Mỹ”, Zatko cáo buộc trong hồ sơ gửi cơ quan chức năng Mỹ.

Nguồn tài chính từ Trung Quốc

Hồ sơ cáo buộc còn chỉ ra vấn đề Twitter có những thỏa hiệp liên quan đến Trung Quốc. Twitter được cho là đã nhận tiền từ các “thực thể Trung Quốc” không được tiết lộ, những “thực thể” này vẫn có quyền truy cập thông tin để khám phá danh tính của những người ở Trung Quốc vượt qua kiểm duyệt của nhà chức trách Trung Quốc để sử dụng Twitter.

Ông Zatko nói: “Giới điều hành Twitter nhận thức rõ rằng việc chấp nhận tiền của Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho người dùng Trung Quốc, nhưng Twitter đã phải thỏa hiệp vì phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn doanh thu này”.

Chú trọng tăng trưởng người dùng khiến dung túng tài khoản spam

Tài liệu cũng cho biết Twitter ưu tiên tăng trưởng người dùng hơn là loại bỏ các tài khoản spam, theo Reuters. Hồ sơ tố giác tiết lộ rằng giới điều hành mạng xã hội này đủ điều kiện để giành được khoản tiền thưởng cá nhân lên đến 10 triệu USD là vì liên quan đến sự gia tăng người dùng hàng ngày.

Đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ là Chuck Grassley cho biết, hồ sơ cáo buộc này làm gia tăng những lo ngại nghiêm trọng về quyền riêng tư và an ninh quốc gia Mỹ nên cần cần phải tiến hành một cuộc điều tra.

Ông Grassley nói: “Ví dụ một nền tảng công nghệ thu thập một lượng lớn dữ liệu người dùng nhưng lại sở hữu cơ sở hạ tầng bảo mật cực yếu kém… điều này sẽ dẫn đến thảm họa”.

Giới hacker Mỹ đã ngưỡng mộ Zatko từ những năm 1990 khi ông phát minh ra một công cụ bẻ khóa mật khẩu. Sau đó, ông đã sử dụng các kỹ năng hack của mình để trở thành một nhà tư vấn bảo mật được ngưỡng mộ.