Facebook đã bị cáo buộc về chiến thuật “bắt nạt” để chặn người dùng xem hoặc chia sẻ nội dung tin tức của Úc trên trang của mình.

Facebook
(Ảnh minh họa: Alexey Boldin/Shutterstock)

Một nhà lập pháp cấp cao người Anh hôm 19/2 vừa qua đã cho biết trên tờ Reuters rằng hành động của công ty truyền thông xã hội là một nỗ lực nhằm “bắt nạt” một nền dân chủ và điều này sẽ củng cố quyết tâm của các nhà lập pháp trên toàn thế giới trong việc đối xử “cứng rắn” với các công ty công nghệ lớn.

“Theo tôi, hành vi bắt nạt mà họ đã thực hiện ở Úc, sẽ khơi dậy mong muốn tiến xa hơn của các nhà lập pháp trên toàn thế giới,” Julian Knight, chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Quốc hội Anh cho biết.

“Chúng tôi đại diện cho mọi người và tôi rất tiếc, nhưng quả thật bạn không thể đe dọa người khác như vậy. Và nếu Facebook nghĩ rằng họ sẽ làm điều đó, thì hãng này sẽ phải đối mặt với sự tức giận lâu dài giống như các hãng dầu mỏ và thuốc lá lớn.”

Các hạn chế của Facebook, được hãng đã nêu ra trong một tuyên bố trên trang web của mình vào hôm 17/2, được xem là phản ứng đối với luật Thương lượng Truyền thông theo kế hoạch của Úc, theo đó sẽ khiến nền tảng này phải trả tiền cho tin tức được chia sẻ trên trang web của mình.

Động thái này đã lan truyền khắp ngành công nghiệp tin tức toàn cầu.

Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Tin tức của Vương quốc Anh Henry Faure Walker cho biết việc Facebook bất ngờ chặn tin tức ở Úc trong bối cảnh đại dịch toàn cầu “là một ví dụ kinh điển về một thế lực độc quyền, hành xử như một kẻ bắt nạt chốn học đường, cố gắng bảo vệ vị thế thống trị mà không quan tâm đến những công dân và khách hàng mà mình phục vụ.”

Ông nói trong một tuyên bốrằng : “Các thỏa thuận đạt được gần đây giữa Google ở Úc và các nhà xuất bản tin tức là một sự thừa nhận đáng hoan nghênh đối với nguyên tắc báo chí độc lập phải được trả phí.”

Người phát ngôn của Guardian Media Group nói với tờ The Epoch Times trong một email rằng: “Chúng tôi vô cùng lo ngại về quyết định xóa tin tức khỏi nền tảng ở Úc của Facebook, điều này dọn đường cho việc lan truyền thông tin sai lệch vào thời điểm mà sự thật và những điều sáng tỏ trở nên hết sức cần thiết.”

“Các nền tảng trực tuyến thống trị hiện nay là một phương tiện quan trọng để đưa tin tức và thông tin trực tuyến. Chúng tôi tin rằng báo chí vì lợi ích công cộng nên được phổ biến rộng rãi nhất có thể để giúp mang lại một nền dân chủ hoạt động một cách lành mạnh.”

Các chính phủ trên khắp thế giới trong nhiều năm đã bối rối không biết phải làm sao với những công ty đã làm biến đổi truyền thông toàn cầu, khuếch đại thông tin sai lệch và lấy đi doanh thu từ các nhà sản xuất truyền thống trong lĩnh vực truyền thông.

Vào tháng 12/2020, chính phủ Vương quốc Anh đã xuất bản Sách Trắng về Tác hại của Trực tuyến (Online Harms White Paper), trong đó thừa nhận rằng “các nền tảng trực tuyến có thể là một công cụ lạm dụng và đe dọa, và chúng có thể được sử dụng nhằm làm suy yếu các giá trị dân chủ và cuộc tranh luận của chúng ta.”

Nhưng vào hôm 18/2, chính phủ đã có một đường lối thận trọng hơn so với một số nhà phê bình gay gắt của Facebook.

Người phát ngôn của chính phủ cho biết trong một tuyên bố: “Điều quan trọng là mọi người có thể tiếp cận tin tức và thông tin chính xác từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch toàn cầu.”

“Chúng tôi khuyến khích Facebook và chính phủ Úc hợp tác để tìm ra giải pháp.”

Đáp lại yêu cầu bình luận, Facebook đã nhắc đến tuyên bố trực tuyến của mình với tờ The Epoch Times, trong đó nói rằng dự luật của Úc “về cơ bản hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi và các nhà xuất bản sử dụng nó để chia sẻ nội dung tin tức” và “tìm cách trừng phạt Facebook đối với nội dung mà nó không lấy hoặc yêu cầu.”

Theo tuyên bố, thay vì “tuân thủ quy định của luật trong đó bác bỏ mối quan hệ này trên thực tế,” Facebook đã chọn cách chặn các nhà xuất bản tin tức Úc, không cho họ chia sẻ hoặc đăng bất kỳ nội dung nào trên các trang của mình và ngăn người dùng xem hoặc chia sẻ nội dung đó.

Mặc dù các nhà xuất bản quốc tế vẫn có thể đăng tin tức, nhưng người dùng Facebook ở Úc không còn có thể xem nội dung đó theo các quy định hạn chế.

Facebook cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai, chính phủ Úc sẽ nhận ra giá trị mà chúng tôi đã cung cấp và hợp tác với chúng tôi để tăng cường, thay vì hạn chế quan hệ đối tác của chúng tôi với các nhà xuất bản.”

Các lệnh cấm của Facebook được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nền tảng truyền thông xã hội tự do ngôn luận Parler trở lại trạng thái trực tuyến.

Parler đã hoạt động trở lại với một dịch vụ lưu trữ mới sau khi bị loại bỏ khỏi Amazon Web Services (AWS) khoảng 1 tháng trước. AWS đã chấm dứt hợp đồng lưu trữ và đình chỉ trang web của Parler khỏi các máy chủ của mình.

Sau khi bị AWS tuyên bố “nghỉ chơi”, Parler đã chứng kiến một sự gia tăng đáng kể về số lượng người dùng khi có nhiều người chuyển từ Facebook, Twitter và các nền tảng mạng xã hội khác do lo ngại về vấn đề kiểm duyệt sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị Twitter đình chỉ, tiếp sau đó là việc Google và Apple đã xóa Parler khỏi các cửa hàng ứng dụng của mình.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: