Ngày 28/10 vừa qua, Facebook đã thông báo sẽ đổi tên công ty thành Meta. Theo CEO Mark Zuckerberg, quyết định đổi tên là nhằm hướng tới tương lai, tập trung vào “Vũ trụ ảo” (Metaverse) của Facebook, trong bối cảnh mạng xã hội này đang phải đối mặt với nhiều vụ bê bối.

công ty
(Ảnh minh họa: fyv6561/Shutterstock)

CEO Facebook cũng tuyên bố rằng công ty Meta sẽ gồm 2 bộ phận chính, một cho ứng dụng và dịch vụ hiện có, một cho những kế hoạch tương lai.

Cụ thể, ông Mark Zuckerberg cho biết: “Chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học từ việc giải quyết các vấn đề xã hội và trong nền tảng đóng, giờ là lúc tận dụng mọi thứ chúng tôi đang có và hướng tới xây dựng chương mới. Các ứng dụng và tên nhãn hiệu của chúng tôi vẫn vậy, không có thay đổi”.

Hồi tháng 7 vừa qua, Facebook thông báo quyết định thành lập nhóm tập trung vào xây dựng Metaverse. Và 2 tháng sau đó, Facebook cho biết đã nâng vị trí của Andrew “Boz” Bosworth từ giám đốc phụ trách phần cứng của Facebook lên vị trí giám đốc công nghệ. Ông Mark Zuckerberg cho biết thêm rằng: “Hy vọng của chúng tôi là trong thập niên tới, Vũ trụ ảo sẽ đạt tới mốc tỷ người sử dụng, xây dựng được cộng đồng thương mại điện tử trị giá hàng trăm tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm cho những nhà phát triển và sáng tạo”.

Anne Olderog, lãnh đạo cấp cao của công ty tư vấn Vivaldi với 20 năm kinh nghiệm về chiến lược thương hiệu, cho rằng Facebook đang cố gắng chuyển hướng câu chuyện từ những vấn đề hiện tại của họ sang Metaverse.

Do đó, thay vì giới truyền thông tiếp tục xoáy vào những bê bối hiện tại của Facebook, họ có thêm việc để làm với Metaverse mà CEO Mark Zuckerberg vừa giới thiệu. Đồng thời, các sản phẩm khác hiện tại của công ty như Instagram, WhatsApp… sẽ có công ty “mẹ” là Meta, không còn chịu ảnh hưởng bởi cái tên Facebook đầy tai tiếng.

Trước đó, Frances Haugan, cựu giám đốc sản phẩm của Facebook tiết lộ rằng công ty này đã nhiều lần vi phạm các tiêu chuẩn an toàn, nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Cô cho biết, Facebook mới chỉ có hành động đối với ít hơn 5% các trường hợp bạo lực và ngôn từ kích động thù địch, nhưng đồng thời lại nói với các nhà đầu tư rằng họ đang xem xét những rủi ro này một cách nghiêm túc.

Cô Haugen cho biết, cô đã nộp 8 đơn khiếu nại lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ, tố cáo những lời nói dối của Facebook. Cô có hàng chục ngàn trang tài liệu chứng minh cho vụ án của mình.

Cô nói: “Hết lần này đến lần khác, trên Facebook, tôi đã thấy sự xung đột lợi ích giữa những điều có lợi cho công chúng và những điều có lợi cho Facebook. Và Facebook đã chọn cách tối ưu hóa lợi ích của chính mình hết lần này đến lần khác, để có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Tôi đã xem nhiều mạng xã hội, tình hình trên Facebook tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ mạng xã hội nào mà tôi từng thấy trước đây”.

Ngoài ra, cô Haugen tin rằng gốc rễ các vấn đề của Facebook là năm 2018 họ đã thay đổi thuật toán của trang web. Thuật toán mới nhằm mục đích hiển thị cho người dùng nội dung mà họ có nhiều khả năng tương tác nhất.

Cô Haugen giải thích: “Ngày nay, một trong những cách Facebook lựa chọn những nội dung này là, họ đang tối ưu hóa nội dung có thể khơi dậy sự tương tác và phản ứng (của người dùng). Nhưng nghiên cứu của riêng Facebook cho thấy, những nội dung gây thù hận, chia rẽ và phân cực … dễ khơi dậy cơn giận dữ hơn những cảm xúc khác”.

Cô Haugen nói rằng thông tin sai lệch và nội dung kích động thù địch, là những thứ giữ chân mọi người và cho phép Facebook phát triển mạnh mẽ. Cô nói thêm, mặc dù Facebook nhận ra rằng nếu họ chuyển đổi và bảo vệ trước nội dung (gây thù hận) mà họ hiển thị, thì họ sẽ mất đi lợi nhuận.

Cô Haugen giải thích thêm: “Khi bạn tiêu thụ nhiều nội dung hơn, Facebook sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Mọi người thích tham gia vào những thứ gây ra những phản ứng cảm xúc không đáng có. Càng tiếp xúc nhiều với sự tức giận, họ càng tương tác và tiêu thụ nhiều hơn”.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: