Bạn đã bao giờ gặp những khoảnh khắc quen thuộc đến mức nghĩ rằng mình đã từng trải qua chưa? Nếu câu trả lời là có thì không chỉ có mình bạn đâu. Bạn là 1 trong 2/3 dân số thế giới đã trải qua hiện tượng ‘déjà vu’. Lý do tại sao xuất hiện hiện tượng này? Bạn có khả năng nhìn thấy trước tương lai hay đó chỉ đơn giản một trục trặc của bộ não? Hiện tượng này đến tận hôm nay vẫn làm các khoa học gia bối rối. 

I – Góc nhìn khoa học: Một trò đùa của não bộ

Nghiên cứu ‘déjà vu’ tự nó là một thử thách, vì nó xảy ra không thể đoán trước cũng như không thể tính toán được. Mặc dù các nhà khoa học thần kinh trên thế giới chưa thống nhất về mặt lý thuyết, nhưng có 3 cách giải thích được ủng hộ rộng rãi cho hiện tượng này:

1. Đơn giản là do chúng ta không nhớ 

Theo lý thuyết ảnh 3 chiều, ‘déjà vu’ xảy ra khi một vật thể mà chúng ta đã nhìn thấy trước đây là một phần của khung cảnh mới, khiến toàn bộ cảnh tượng đều có vẻ quen thuộc một cách kỳ lạ. Bởi vì vật thể này thúc đẩy trí óc của chúng ta tạo lại bối cảnh khi gặp nó lần đầu tiên, khiến chúng ta cảm thấy như đã từng ở trong toàn bộ khung cảnh thay vì chỉ biết một đối tượng.

Điều này được giải thích trên cơ sở bộ não lưu giữ ký ức dưới dạng ảnh 3 chiều vốn có thể tái tạo lại từ một mảnh nhỏ trong toàn bộ bức tranh. Tuy nhiên, mảnh ảnh 3 chiều càng nhỏ – có thể là một vật thể, một mùi vị hoặc một âm thanh – thì hồi ức sẽ càng kém hơn, khiến chúng ta cảm thấy rằng chúng ta đang nhớ mang máng điều gì đó mà không biết chính xác đó là điều gì. 

human head g4bdeb23a4 1920
Holograms là hình ảnh 3 chiều được tạo ra bằng phép chiếu ảnh. Theo lý thuyết bộ não Holonomic, nhận thức của con người có thể được mô hình hóa như một mạng lưới lưu trữ ảnh 3 chiều. (Hình ảnh: 94150121 qua Pixabay)

2. Bộ não xử lý thông tin chậm

Khi chúng ta trải nghiệm điều gì đó, chúng ta thường nhận được một lượng lớn thông tin thông qua 5 giác quan của cơ thể. Các nhà khoa học đã phát hiện rằng bộ não phải xử lý rất nhiều thông tin để diễn giải ra trong một khoảnh khắc. Do đó, điều cần thiết là tất cả các giác quan của cơ thể và cơ chế xử lý của não bộ phải hoạt động đồng bộ. Nếu có một chút chậm trễ, bạn có thể gặp phải hiện tượng ‘déjà vu’.

Lý thuyết xử lý kép nói rằng ‘déjà vu’ xảy ra khi não của chúng ta nhận được các thông tin đầu vào khác nhau từ cùng một cảnh tượng ở các thời điểm khác nhau. Vì một số thông tin đến não bị chậm trễ nên được xử lý như một sự kiện riêng biệt, khiến chúng ta cảm thấy như thể chúng ta đang trải qua cùng một việc hai lần. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta đã trải qua tình huống đó trước đây, chỉ là nó được xử lý từ các thông tin đầu vào khác.  

3. Chúng ta đã bị phân tâm 

Lý thuyết về tình trạng phân tâm nói rằng ‘déjà vu’ xảy ra khi sự chú ý của chúng ta trở lại sau khi bị phân tán. Nó giải thích rằng trong khi chúng ta tập trung sự chú ý vào một đối tượng cụ thể thì bộ não vẫn đang ghi nhận mọi thứ xung quanh một cách vô thức, chẳng hạn như những gì chúng ta nhìn thấy qua tầm nhìn ngoại vi. Sau đó, khi chúng ta chú ý trở lại thì xuất hiện cảm giác như chúng ta đã từng ở đó rồi; bởi vì, trên thực tế đúng là chúng ta đã thấy nó – chỉ là theo một cách mất tập trung. 

II – Quan điểm tâm linh: Ký ức tiền kiếp

Không hài lòng với nỗ lực giải thích của khoa học về hiện tượng ‘déjà vu’, nhiều người đã tìm đến tâm linh để tìm câu trả lời.

Họ cho rằng cảm giác ‘bỗng dưng thấy quen’ gắn liền với những hồi ức từ tiền kiếp. Theo cách giải thích này, những trải nghiệm từ kiếp trước được lưu trữ trong tiềm thức của chúng ta và chúng được kích hoạt khi chúng ta đến cùng địa điểm, gặp phải tình huống giống thế hoặc gặp cùng một người trong kiếp này.

Mặc dù rất khó để cung cấp bằng chứng khoa học về các vấn đề tâm linh, nhưng chủ yếu dựa trên những giai thoại mà lý thuyết này được ủng hộ. Những người đã trải qua liệu pháp thôi miên hồi quy thường thấy rằng một số người bạn hiện tại của họ là những người có mối quan hệ với họ trong kiếp trước – với ngoại hình khác nhau và đóng những vai trò khác nhau. Và rằng một số nơi tự nhiên khiến họ cảm thấy thoải mái (ngôi nhà hoặc thành phố nào đó) đã từng là nơi ở của họ trong tiền kiếp. 

pexels rodnae productions 8865721
Theo những câu chuyện về thôi miên hồi quy, rất có thể các cặp đôi trong kiếp này đã từng có mối liên hệ tình cảm từ vài kiếp trước. (Ảnh: RODNAE Productions via Pexels)

III – Ai có nhiều khả năng bị ‘déjà vu’?

60-70% những người có sức khỏe tốt cho biết đã trải qua ‘déjà vu’ ít nhất một lần trong đời. Đây quả thực là một hiện tượng khá phổ biến. Hầu hết hiện tượng này xảy ra ở độ tuổi từ 15 đến 25, cho thấy khả năng trải nghiệm ‘déjà vu’ giảm khi chúng ta già đi. 

Theo nghiên cứu, những người thường xuyên đi du lịch hoặc những người có thể nhớ những giấc mơ của mình có nhiều khả năng gặp hiện tượng này hơn những người khác. Cảm giác căng thẳng hoặc mệt mỏi cũng có liên quan đến tần suất xuất hiện của ‘déjà vu’ vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến trí nhớ của một người. 

4. Các hiện tượng ‘déjà’ khác

Hiện tượng ‘déjà vu’ được gọi theo tên tiếng Pháp, dịch theo nghĩa đen là “đã thấy”. Tuy nhiên, cũng có những trải nghiệm quen thuộc không phải cảm nhận bằng mắt thường.

Déjà entendu, có nghĩa là “đã nghe”, xảy ra khi chúng ta cảm thấy như chúng ta đã nghe thấy một điều gì đó giống thế mặc dù chúng ta không thể nhớ là khi nào hoặc ở đâu. Một trường hợp điển hình là nghe một bài hát trên radio có vẻ giống như một giai điệu quen thuộc nào đó, mặc dù nó vừa mới được phát hành. 

Một trải nghiệm ly kỳ khác được gọi là ‘Déjà rêvé’ – nghĩa là “đã mơ thấy” – nó xảy ra khi một điều gì đó chúng ta nhìn thấy trong giấc mơ lại trở thành hiện thực. Vì nó cung cấp thông tin về tương lai, nó thường được coi là giấc mơ tiên tri.

fantasy g914c5e16e 1920
Để được xếp vào dạng giấc mơ tiên tri, giấc mơ phải được ghi lại hoặc chia sẻ với người khác trước khi xảy ra trong đời thực, và phải có một số chi tiết độc đáo để tránh việc cố ý thực hiện. (Ảnh: KELLEPICS qua Pixabay)

Cuối cùng là ‘déjà vécu’, hay “đã sống” trong tiếng Pháp, dường như là hiện tượng ít phổ biến nhất. Được mô tả như một phiên bản cường độ cao hơn của ‘déjà vu’, ‘déjà vécu’ thông thường có tác động mạnh đến nỗi khiến cá nhân đó phải gián đoạn các hoạt động hàng ngày do cảm giác quen thuộc mãnh liệt. Trải nghiệm ‘déjà vécu’ thường khiến người đó tin vào kiếp trước và coi đó là những ký ức.