Một mảnh vỡ tàu vũ trụ của Trung Quốc được cho là sẽ đâm vào Mặt Trăng vào ngày 4/3 tới đây và tạo ra một miệng núi lửa có đường kính khoảng 20 m. Ông Bill Gray, nhà phát triển phần mềm về thiên văn học, mới đây đã xác nhận rằng vật thể đang di chuyển tới gần Mặt Trăng chính là mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 3C của Trung Quốc. Đây vốn là mảnh vỡ được phóng từ sứ mệnh Hằng Nga 5 T1 hồi tháng 10/2014. Tàu vũ trụ đó chính là phiên bản tiền nhiệm của tàu Hằng Nga 5 thực hiện sứ mệnh lấy mẫu vật từ Mặt Trăng hồi năm 2020. 

tàu vũ trụ
(Ảnh minh họa: Par muratart/Shutterstock)

Ông Mark Robinson, Giáo sư nghiên cứu về Trái Đất và không gian tại Đại học Tiểu bang Arizona (Mỹ), cho hay trên tờ New York Times rằng vật thể nặng khoảng 4 tấn và di chuyển với tốc 9.173km/h sẽ đâm vào vùng tối của Mặt Trăng vào ngày 4/3. Dự kiến nó sẽ tạo ra một miệng núi lửa có đường kính khoảng 20 m trên bề mặt của Mặt Trăng.

Trước đó, ông Gray đã bị nhầm lẫn khi nhận dạng vật thể sắp đâm vào Mặt Trăng là tên lửa Falcon 9 của SpaceX, được phóng từ Cape Canaveral, Florida (Mỹ) hồi tháng 2/2015 trong nhiệm vụ triển khai vệ tinh Đài quan sát Khí hậu Không gian sâu (DSCOVR) của Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA). Ông Gray đã đăng thông báo điều chỉnh vào hôm 12/2.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Gray nhận được một bức thư của Jon Giorgini, kỹ sư Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA. Theo ông Giorgini, đường bay của vệ tinh DSCOVR không quá gần Mặt Trăng. Do đó, việc tên lửa Falcon 9 của SpaceX bay gần đến mức đâm vào Mặt Trăng có lẽ là điều không thể xảy ra.

Sau đó, ông Gray đã tìm kiếm thông tin về vật thể phóng trước tháng 3/2015 ở quỹ đạo cao ngang qua Mặt Trăng, vị trí mà rất ít tàu vũ trụ có thể đạt được. Cuối cùng, ông kết luận vật thể sắp đâm vào vùng tối của Mặt Trăng chính là mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 3C dựa trên những bằng chứng về quỹ đạo.