Vào ngày 11/5 vừa qua, phần lõi của tên lửa Long March 5B (Trường Chinh 5B) do Trung Quốc phóng lên hôm 5/5 đã rơi trở lại Trái Đất. Phần lớn mảnh vỡ của tên lửa đã rơi xuống khu vực Đại Tây Dương vào chiều ngày 11/5, theo xác nhận của Không quân Mỹ.

manh vo ten lua trung quoc
(Ảnh: Aminata24)

Tuy nhiên, theo tờ The Verge, một mảnh vỡ dài khoảng 12m có thể đã rơi xuống một ngôi làng tại Bờ Biển Ngà, châu Phi, trích nguồn trang báo địa phương Afriksoir.

“Khi bạn biết rằng có một khối kim loại lớn vượt qua bầu khí quyển vào một thời điểm và vị trí nhất định, sau đó lại nghe thông tin về những mảnh vỡ từ trên trời rơi xuống ở đúng nơi, đúng lúc, thật không khó để kết nối hai chuyện với nhau,” Jonathan McDowell, nhà thiên văn học thuộc Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, người đã theo dõi sát sao câu chuyện về tên lửa rơi, cho biết trên tờ The Verge.

Ông McDowell chỉ ra rằng vị trí được báo cáo của các mảnh vỡ phù hợp với đường đi của tên lửa.

Các vấn đề xung quanh sự việc trên vẫn còn là điều bí ẩn.

“Phải chăng họ đã có một kế hoạch nhằm thay đổi quỹ đạo tên lửa, và đã đi nhầm hướng?” ông McDowell cho biết trên tờ The Verge. “Người Trung Quốc đã không hề nhắc gì đến kế hoạch này.”

Theo nội dung bài đăng trên trang twitter cá nhân, ông McDowell cho hay lõi tên lửa nặng 21 tấn là “vật thể lớn nhất rơi trở lại Trái Đất một cách không kiểm soát kể từ sau sự việc tàu vũ trụ Salyut-7 nặng 39 tấn năm 1991.”

Đây có thể không phải là lần cuối cùng chúng ta thấy các bộ phận tên lửa của Trung Quốc rơi từ trên trời xuống. Quốc gia này đã lên kế hoạch phóng thêm ít nhất 3 tên lửa nữa, dự kiến công việc trên sẽ được hoàn thành vào năm 2022.

>> Trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc đã rơi trở lại vào bầu khí quyển

Điều đó có nghĩa là rất nhiều vật thể mới sẽ có thể rơi trở lại Trái Đất chỉ vài ngày sau khi được phóng lên, ông McDowell giải thích trên tờ The Verge. “Và đây không phải là điều tốt.”

Theo Futurism,
Phan Anh