Mới đây, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã mở một mẫu đá trên Mặt Trăng. Được biết, loại mẫu này đã được niêm phong ngay khi còn ở trên Mặt Trăng từ cách đây 50 năm.

mẫu đá
Mẫu đá được thu thập trên Mặt Trăng vào năm 1972. (Ảnh: NASA)

Cụ thể, mẫu đá có tên là 73001 được 2 nhà phi hành gia Eugene Cernan và Harrison Schmitt thu thập tại Thung lũng Taurus-Littrow vào tháng 12/1972 trong lần làm nhiệm vụ trên tàu con thoi Apollo 17. Nó được đặt trong một ống kim loại hút chân không dài 35 cm, rộng 4 cm và là một trong 2 mẫu đá được niêm phong ngay từ trên Mặt Trăng.

Tại Trung tâm Không gian Johnson của NASA đặt tại Houston, các chuyên gia đã tiến hành mở hộp chứa. Kể từ khi sứ mệnh Apollo 17 hoàn thành vào năm 1972, và cũng là lần cuối con người đặt chân lên Mặt Trăng, số đá trên vẫn chưa được tiếp xúc với khí quyển Trái Đất.

Tại sao NASA lại phải chờ lâu đến vậy? Lori Glaze, Giám đốc Bộ phận Khoa học Hành tinh của NASA giải thích rằng: “Cơ quan hiểu rằng khoa học và công nghệ sẽ phát triển và cho phép các nhà khoa học nghiên cứu vật chất theo những cách thức mới, để giải quyết những câu hỏi mới trong tương lai”.

Trước đó, vào năm 2019, NASA cũng đã nghiên cứu những mẫu đá trên Mặt Trăng không bị niêm phong. Kết quả là các nhà khoa học đã có thêm hiểu biết về một số hiện tượng như lở đất tại những nơi không có không khí như Mặt Trăng.

Đối với mẫu đá bị niêm phong, các nhà khoa học dự đoán rằng bên trong ống đựng sẽ chứa chất bay hơi trong điều kiện nhiệt độ bình thường bên cạnh đất đá.

Tuy nhiên, lượng khí này sẽ cực thấp nên các nhà khoa học phải sử dụng 2 thiết bị đặc biệt để thu được khí thoát ra từ ống kim loại. Một thiết bị có tên gọi “ống góp” do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington chế tạo. Thiết bị còn lại là phát minh của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA).

Với bất kỳ chất khí nào thu được từ mẫu phẩm, các nhà khoa học sẽ sử dụng kỹ thuật khối phổ để nhận diện chúng. Khối phổ là một kỹ thuật phân tích trong phòng thí nghiệm, để tách các thành phần của một mẫu theo khối lượng và điện tích của chúng.

“Mỗi thành phần khí được phân tích có thể mang đến những hiểu biết khác nhau về nguồn gốc của các chất bay hơi trên Mặt Trăng và trong Hệ Mặt Trời”, Francesca McDonald, người đứng đầu dự án tại ESA, giải thích.

Việc phân tích mẫu đá trên được đánh giá sẽ là bước chuẩn bị cho sứ mệnh tàu Artemis sắp tới của NASA với nhiệm vụ đưa con người lên Mặt Trăng lần đầu tiên sau hơn 50 năm.

Theo AFP,

Phan Anh