Ngày 8/5, NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) đã phóng thành công 2 vệ tinh nhỏ theo dõi bão hàng giờ từ một căn cứ tại New Zealand, theo tờ Space.

vệ tinh
(Ảnh minh họa: aappp/Shutterstock)

Đây là hoạt động thuộc sứ mệnh TROPICS nhằm cải thiện năng lực dự báo sớm những cơn bão có sức tàn phá lớn. Cụ thể, hai vệ tinh được tên lửa của công ty Rocket Lab (Mỹ) đưa vào quỹ đạo.

Phát biểu tại cuộc họp báo về vụ phóng đầu tiên của sứ mệnh TROPICS, nhà khoa học Will McCarty của NASA cho biết nhờ các thiết bị theo dõi trên mà giới nghiên cứu sẽ có thể theo sát sự hình thành và hoạt động của bão trên Thái Bình Dương từng giờ so với chu kỳ 6 giờ/lần như các vệ tinh hiện nay.

Ngoài ra, thông tin thu thập được về lượng mưa, nhiệt độ và độ ẩm có thể giúp các nhà khoa học xác định chính xác hơn nữa cường độ cũng như vị trí bão đổ bộ, qua đó hỗ trợ người dân ven biển sẵn sàng phòng chống bão và khả năng sơ tán khẩn cấp.

Giám đốc điều hành chương trình của NASA Ben Kim nhận định nhiều tổ chức như Trung tâm Bão Quốc gia, Trung tâm Phối hợp Cảnh báo Bão cùng một số cơ quan khác đã sẵn sàng tiếp nhận nhiều hình ảnh hữu ích. Về lâu dài, việc hiểu hơn về sự hình thành và tiến triển của những cơn bão sẽ giúp cải thiện các mô hình khí hậu trong tương lai.

Con tàu vũ trụ thứ 2 do Rocket Lab chế tạo dự kiến phóng thêm 2 vệ tinh lên quỹ đạo trong khoảng 2 tuần tới, qua đó tạo thành chùm 4 vệ tinh theo dõi bão. Chùm vệ tinh này ban đầu dự định có 6 vệ tinh thay vì 4. Tuy nhiên, năm ngoái, NASA đã thất bại trong vụ phóng 2 vệ tinh đầu tiên sau khi tên lửa US Astra gặp trục trặc ngay sau khi cất cánh.

Phan Anh

Video: Vì sao khi Đức Phật tại thế không có tượng Phật, chùa chiền, kinh sách?