Nghiên cứu y học mới nhất cho thấy rằng hệ thống miễn dịch có chức năng dự phòng và nó vẫn có thể phát huy tác dụng miễn dịch trong trường hợp không có một số chất miễn dịch chủ chốt trong tế bào. Điều này làm nổi bật sự bí ẩn của cơ thể con người vượt xa sức tưởng tượng.

Hệ thống miễn dịch
(Ảnh minh họa: Yurchanka Siarhei/Shutterstock)

Các nhà khoa học tại Đại học Bonn (Đức) thực hiện nghiên cứu này, đã đăng bài luận văn trình bày trên tạp chí Frontiers in Immunology vào ngày 3/3. Theo đó, đối với hệ thống miễn dịch của con người, ngay cả khi một chất miễn dịch rất quan trọng hoàn toàn không có, nó sẽ không ảnh hưởng đến việc tế bào phát huy chức năng miễn dịch, bởi vì do trong tế bào có cơ chế dự phòng miễn dịch nên cơ chế này sẽ vẫn phát huy tác dụng miễn dịch để chống lại sự xâm nhập của các chất lạ như virus.

Nghiên cứu này tập trung vào hệ thống miễn dịch bẩm sinh của cơ thể con người và phân tích một trong những protein kinase quan trọng, TBK1, để xác định thêm vai trò của nó trong khả năng miễn dịch với virus. Các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng ngay cả những tế bào hoàn toàn không sản xuất TBK1 vẫn có thể kháng lại virus.

Theo tạp chí “Frontiers in Immunology”, nhà khoa học đứng đầu nghiên cứu này, Giáo sư Martin Schlee, cho biết: “Đáng ngạc nhiên là, trong cơ thể người nếu hoàn toàn không có protein kinase TBK1, thì cũng không làm giảm phản ứng chống virus.”

Cho đến nay, các nhà khoa học đã biết rằng hệ thống miễn dịch bẩm sinh này rất phức tạp, bao gồm gen, protein, ion, các phân tử nhỏ khác nhau và các tế bào khác nhau, chúng giống như một quân đoàn, có thể chia thành lực lượng dự bị (chẳng hạn như gen), lực lượng chính (chẳng hạn như protein), lực lượng trợ chiến (chẳng hạn như ion) và các tổ chức hiệp đồng khác nhau (chẳng hạn như các phân tử nhỏ khác nhau), giữa chúng có sự phối hợp chặt chẽ để phát huy cuộc “chiến đấu” chống lại các chất lạ.

Ví dụ: một loại “lính trinh sát” được gọi là thụ thể nhận dạng mẫu (PRR) gửi tín hiệu hóa học sau khi nhận ra hạt virus. Protein kinase TBK1 nhận được tín hiệu này, sau đó hoạt động như một chỉ huy (tư lệnh) quân đội, chỉ đạo các chất khác xâm nhập vào nhân tế bào, và kích hoạt hệ thống tác chiến miễn dịch.

Vì sao trong tình huống không có “tư lệnh”, cơ thể con người vẫn phát huy khả năng miễn dịch? Về vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã phân tích rằng có những “tư lệnh” khác trong các tế bào của con người mà trước đây không được biết đến, để thay thế. Tiến sĩ Julia Wegner, tác giả đầu tiên của nghiên cứu giải thích: “Có thể có một loại protein thứ hai rất giống với TBK1 đóng vai trò quan trọng. Nó được gọi là IkB kinase ε, hay viết tắt là IKKε”.

Các nhà khoa học giải thích thêm rằng điều này cho thấy tế bào có ít nhất 2 chỉ “tư lệnh” chỉ huy tác chiến miễn dịch, đó là TBK1 và IKKε. TBK1 là “tư lệnh” chính,  IKKε là “phó tư lệnh”. Nếu “tư lệnh” không có mặt thì “phó tư lệnh” lập tức phát huy tác dụng.

Tiến sĩ Vigna đặc biệt nhấn mạnh rằng nghiên cứu này chứng minh đầy đủ rằng tế bào người có cơ chế dự phòng miễn dịch rất phức tạp. Đây là điều mà trước đây các nhà khoa học chưa dự đoán được, vậy nên cần phải đợi thêm nhiều nghiên cứu khám phá. 

Trương Bỉnh Khai

Video: Ai có thể giữ vững sự cao quý trong sâu thẳm tâm linh mình?