Một nghiên cứu mới cho thấy hiệu quả của 2 loại vắc-xin COVID-19 được sử dụng phổ biến nhất ở Mỹ là Pfizer và Moderna đã sụt giảm đáng kể vào tháng 7/2021.

vắc-xin
(Ảnh minh họa: siam.pukkato/Shutterstock)

Các nhà nghiên cứu đến từ Mayo Clinic và công ty phân tích dữ liệu nference có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ) đã phát hiện ra rằng các loại vắc-xin của hãng Moderna và Pfizer có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona gây ra đại dịch COVID-19, trong khoảng thời gian từ tháng Giêng cho tới tháng 6/2021.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, hiệu quả của vắc-xin Moderna đã giảm xuống còn 76% vào tháng 7, trong khi hiệu quả của vắc-xin Pfizer giảm mạnh xuống còn 42%.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu hồ sơ sức khỏe từ Mayo Clinic để xác định tính hiệu quả của vắc-xin trong một nghiên cứu mới được đăng tải trực tuyến.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, trong cùng thời điểm giảm hiệu quả, biến thể Delta đã ngày càng trở nên phổ biến hơn ở Minnesota khi chiếm hơn 70% số ca nhiễm bệnh của tiểu bang.

“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng mặc dù cả 2 loại vắc-xin COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA đều bảo vệ mạnh mẽ chống lại sự lây nhiễm và ca bệnh nặng, nhưng có sự khác biệt về hiệu quả thực của chúng so với nhau và so với những tháng trước khi xảy ra đại dịch”.

Khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin Pfizer và Moderna vào tháng 12/2020, họ cho biết rằng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc-xin Pfizer đạt hiệu quả 95% việc ngăn ngừa COVID-19, trong khi Moderna là 94,1%.

Các công ty gần đây đã báo cáo vấn đề liên quan đến việc sụt giảm hiệu quả, trong đó, Moderna giảm xuống còn 93% sau 6 tháng và Pfizer giảm hiệu quả xuống còn 84%.

Nhưng các nghiên cứu khác gần đây chỉ ra rằng khả năng hiệu quả thật sự còn thấp hơn nhiều, đặc biệt là đối với vắc-xin Pfizer. Ví dụ, một nghiên cứu từ Qatar cho thấy hiệu quả của vắc-xin COVID-19 do Pfizer sản xuất chỉ là 53,5%; trong khi các nhà nghiên cứu ở Israel kết luận vắc-xin Pfizer chỉ đạt hiệu quả 39% trong việc chống lại sự lây nhiễm COVID-19.

Mời xem thêm:

Theo ông Eric Topol, Giám đốc và người sáng lập Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps, các nghiên cứu gần đây đã đưa ra ước tính hiệu quả của vắc-xin mRNA chống lại sự lây nhiễm có triệu chứng của virus corona là khoảng 50% đến 60%.

Ông cho biết: “Cần phải nói thật về việc giảm khả năng bảo vệ của vắc-xin mRNA so với việc lây nhiễm biến thể Delta có xuất hiện triệu chứng. Chắc chắn chúng tôi muốn nhiều người hơn nữa tiêm chủng, nhưng sự thật mới tạo nên sự tin tưởng. Và sự thật mới có thể giúp hướng dẫn mọi người cách thức an toàn, sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách, hệ thống thông gió và tất cả các công cụ khác mà chúng ta có và biết là sẽ giúp ích”.

Tiến sĩ Monica Gandhi, giáo sư y khoa tại Đại học California – San Francisco và Bệnh viện Đa khoa San Francisco, cho biết rằng hiện tượng nhiễm bệnh dù đã tiêm chủng, được cho là xuất phát từ việc giảm thời gian ủ bệnh của biến thể Delta, khiến tải lượng virus ở mức cao cao hơn, hoặc làm suy giảm lượng kháng thể trong máu.

Trong một email gửi tới The Epoch Times, bà cho biết: “Do tế bào T bảo vệ chúng ta chống lại bệnh nặng và chúng không suy yếu theo thời gian, nên khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng có thể được duy trì, ngay cả khi các kháng thể trong mũi (giúp bảo vệ khỏi tình trạng nhiễm bệnh dù đã tiêm chủng ở mức nhẹ) suy yếu đi”.

Sự sụt giảm hiệu quả của vắc-xin COVID-19 khiến các quan chức Mỹ cân nhắc việc khuyến nghị một số nhóm dân cư nhất định nên tiêm liều bổ sung.

FDA Mỹ được cho là sẽ sớm cấp phép liều vắc-xin COVID-19 bổ sung, trước khi diễn ra cuộc họp ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ vào ngày 13/8 để thảo luận xem liệu việc tiêm thêm liều bổ sung có cần thiết hay không.

Tháng trước, ban cố vấn này đã cân nhắc xem có nên khuyến nghị tiêm liều vắc-xin bổ sung hay không, nhưng cuối cùng đã quyết định không đưa ra khuyến nghị trên tại thời điểm đó.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: