Theo một nghiên cứu mới đăng tải vào đầu tháng 8/2022 của các nhà khoa học tại Đại học Stockholm (Thụy Điển), nước mưa ở khắp mọi nơi trên Trái Đất đều không an toàn để dùng làm nước uống do có chứa chất hóa học độc hại khó phân hủy PFAS ở mức vượt ngưỡng khuyến cáo an toàn.

nước mưa
(Ảnh minh họa: Igor Batenev/Shutterstock)

PFAS (per- and polyfluoroalkyl substances) thường được gọi là “hóa chất vĩnh viễn” bởi chúng phân hủy vô cùng chậm. Hóa chất này trước đây được tìm thấy trong bao bì, dầu gội đầu hoặc đồ trang điểm nhưng giờ đây đã xuất hiện tràn lan ngoài môi trường, trong đó có nước và không khí.

Cụ thể, trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Environmental Science and Technology, Giáo sư Ian Cousins tại Đại học Stockholm, đồng thời là tác giả nghiên cứu, cho biết rằng căn cứ các thông số mà ông và các cộng sự đo được, không có nơi nào trên Trái Đất này có nguồn nước mưa an toàn có thể dùng để uống. Bảng tổng hợp dữ liệu được thực hiện từ năm 2010 cho thấy ngay cả ở Nam Cực hay cao nguyên Tây Tạng, các mức PFAS trong nước mưa vẫn cao hơn 14 lần so với ngưỡng khuyến cáo an toàn mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) của Mỹ đưa ra.

Một khi uống hay ăn vào, PFAS được cho là sẽ tích tụ trong cơ thể. Thậm chí việc phơi nhiễm loại hóa chất này còn có thể dẫn tới các vấn đề liên quan tới khả năng sinh sản, làm chậm phát triển ở trẻ nhỏ, làm tăng lượng cholesterol, đồng thời làm gia tăng nguy cơ béo phì hoặc một số loại ung thư nhất định như ung thư tuyến tiền liệt, thận và tinh hoàn.

Bên cạnh đó, Giáo sư Cousins cho hay rằng PFAS tồn tại “dai dẳng và phổ biến đến mức chúng sẽ không bao giờ biến mất khỏi hành tinh này. Con người đã hủy hoại môi trường sống của chính mình khi làm ô nhiễm Trái Đất đến mức không thể phục hồi”. Dù vậy, ông cho rằng mức độ PFAS ở người thực sự đã giảm “khá đáng kể trong 20 năm qua” và “mức độ xung quanh (của PFAS trong môi trường) vẫn tương đương với mức ghi nhận trong 2 thập kỷ”.

Trà Vân

Top 5 trận hải chiến lớn nhất lịch sử Đại chiến thế giới lần thứ hai