Các nhà nghiên cứu cho biết rằng hệ thống miễn dịch bẩm sinh của trẻ em giúp ứng phó với COVID-19 hiệu quả hơn so với hệ thống miễn dịch của người lớn, theo tờ Wall Street Journal.

trẻ em
(Ảnh minh họa: Par David Tadevosian/Shutterstock)

Gần như hầu hết trẻ em chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, chỉ có một số ít trường hợp có triệu chứng nặng sau khi nhiễm COVID-19. Không giống như các loại virus hô hấp khác như cúm hoặc virus hợp bào hô hấp, virus corona (gây bệnh COVID-19) hầu như không tấn công trẻ em như người trưởng thành hoặc người cao tuổi.

Do virus không gây nguy cơ cao cho trẻ em nên nhiều bậc cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ đủ điều kiện thấp hơn nhiều so với người lớn.

Các chuyên gia y tế công cộng đã đưa ra nhiều lời giải thích khoa học cho sự bảo vệ của trẻ trước COVID-19, nhưng vẫn đề cao vai trò của vắc-xin với những em dễ bị nhiễm bệnh và để kiểm soát sự truyền nhiễm.

Tỷ lệ trẻ nhập viện do mắc COVID-19 đã đạt kỷ lục vào hồi tháng 1 vừa qua ở Mỹ khi chủng Omicron xuất hiện, phá vỡ nhiều cột mốc trước đây.

Hệ thống miễn dịch bao gồm nhiều tuyến phòng thủ khác nhau. Miễn dịch bẩm sinh điều phối phản ứng ban đầu chống lại việc nhiễm bệnh, trong khi miễn dịch thích ứng phát triển chậm hơn và hình thành một hệ thống phòng thủ cụ thể.

Kevan Herold, chuyên gia miễn dịch học và nội khoa tại Đại học Yale (Mỹ), đã so sánh hệ miễn dịch của trẻ nhỏ như một “pháo đài thời trung cổ”.

Phản ứng miễn dịch bẩm sinh, trong đó có chất nhầy trong mũi và cổ họng giúp “bẫy” các vi khuẩn có hại, như một cái vách ngăn, đưa những kẻ tấn công đi ra ngoài.

Miễn dịch bẩm sinh có các protein và tế bào kích hoạt phản ứng miễn dịch ban đầu của cơ thể. Theo ông Herold, chúng như những viên đạn đại bác được phóng ra khi kẻ thù bắt đầu “xâm lược”.

Tuyến phòng thủ thứ 2 là hệ thống miễn dịch thích ứng, gồm có tế bào T và tế bào B. Hệ thống miễn dịch thích ứng mất nhiều thời gian để bắt đầu phản ứng, nhưng có thể ghi nhớ những điểm yếu của những kẻ từng xâm lược.

Khả năng miễn dịch bẩm sinh không có cùng một loại bộ nhớ, mà dựa trên các mô hình liên quan đến vi khuẩn có hại nói chung. Các nhà miễn dịch học đã tìm ra rằng hệ thống miễn dịch của trẻ có mức phân tử bẩm sinh cao hơn và tăng phản ứng bẩm sinh so với người lớn.

Tiến sĩ Herold và bà Betsy Herold (vợ của ông), bác sĩ về truyền nhiễm nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Montefiore ở Bronx, nhận định rằng đây là chìa khóa giúp trẻ ứng phó với COVID-19 tốt hơn.

Khi COVID-19 tấn công New York hồi đầu năm 2020, ông bà Herolds đã tìm hiểu lý do vì sao người lớn phải nhập viện nhiều hơn trẻ em khi cùng mắc COVID-19.

Cùng với các cộng sự, họ đã nghiên cứu hệ thống miễn dịch của trẻ em. Họ bắt đầu với cytokine, một hoạt chất protein nhỏ được tạo ra bởi một loạt các tế bào giúp chúng tương tác với nhau.

Nghiên cứu của ông bà Herolds đã so sánh 65 trẻ tuổi và 60 người nhiễm mắc COVID-19 ở New York. Kết quả chỉ ra rằng trẻ ít phụ thuộc vào hệ thống miễn dịch thích ứng hơn người lớn, có thể là do chúng có phản ứng bẩm sinh mạnh hơn.

Bên cạnh đó, họ cũng nghiên cứu các mẫu dịch mũi và cổ họng của 12 trẻ và 27 người lớn, trong đó nhận thấy rằng trẻ có nhiều gen liên quan đến khả năng miễn dịch bẩm sinh được kích hoạt. Chúng cũng là đối tượng có mức cytokine cao, liên quan đến khả năng miễn dịch bẩm sinh.

Amy Chung, nhà nghiên cứu tại Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne (Úc) nhận định rằng sau khi đưa máu của những người khỏe mạnh tiếp xúc với loại virus corona (gây nên COVID-19), thì những người cao tuổi khỏe mạnh có phản ứng kháng thể có sẵn mạnh trước COVID-19, có thể do họ đã tiếp xúc nhiều lần với các chủng virus corona khác, chẳng hạn các loại gây bệnh cảm lạnh thường.

Ngoài ra, trẻ không phản ứng kháng thể có sẵn mạnh bởi ít tiếp xúc với các chủng virus corona khác. Điều này có vẻ không tích cực nhưng trong trường hợp này, nó lại được xem là lợi thế. Khi trẻ tiếp xúc với virus corona (gây bệnh COVID-19), các kháng thể sẽ được huy động và tấn công ngay lập tức các bộ phận thiết yếu của virus.

Hệ thống miễn dịch của người lớn tuổi nhắm mục tiêu vào các bộ phận của virus corona (gây bệnh COVID-19) mà họ đã từng tiếp xúc trong các loại virus corona khác. “Những bộ phận đó dường như không quan trọng bằng việc ngăn ngừa việc nhiễm trùng”, tiến sĩ Chung cho biết.

Do trẻ có khả năng phục hồi tương đối cao trước COVID-19, nên một số cha mẹ đã không cho con đi tiêm vắc-xin. Cuộc khảo sát gần đây nhất của Tổ chức Gia đình Kaiser với 420 bậc phụ huynh chỉ ra rằng một nửa trong số đó không quá lo lắng nếu con cái nhiễm COVID-19.

Kate Symonds, 40 tuổi, sống ở Canandaigua, New York không có kế hoạch đưa con đi tiêm phòng, ngay cả khi chúng đủ điều kiện vì nguy cơ mắc bệnh nặng tương đối thấp và cũng bởi cô lo lắng về những tác dụng phụ sau khi tiêm.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tỷ lệ tiêm vắc-xin ở những người dưới 18 tuổi thấp hơn nhiều so với người trưởng thành. Cụ thể, chỉ có khoảng 40% trẻ em đủ điều kiện đã tiêm 2 mũi, so với khoảng 3/4 người lớn đủ điều kiện.

Vắc-xin COVID-19 chưa có sẵn cho trẻ dưới 5 tuổi. Theo một cuộc thăm dò, ngay cả khi có vắc-xin cho nhóm trẻ này, chỉ 31% phụ huynh có con ở độ tuổi đó đồng ý cho con tiêm. Khoảng 1/4 số còn lại kiên quyết không cho con tiêm chủng.

Bà Betsy Herold cho hay rằng có một số trường hợp trẻ em bị nhiễm COVID-19 phải nhập viện điều trị, một số khác tiếp tục có triệu chứng sau khi khỏi bệnh. Nhóm đối tượng này cũng có nguy cơ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), tình trạng hiếm gặp sau khi nhiễm COVID-19. Được biết, MIS-C có thể dẫn đến việc tổn thương nội tạng hoặc thậm chí tử vong.

Theo WSJ,

Phan Anh

Xem thêm: