Mức phóng xạ cực kỳ cao đã được ghi nhận trong một lò phản ứng bị hỏng tại nhà máy hạt nhân Fukushima I sau gần 6 năm nhà máy chịu khủng hoảng nặng do cả ba lò phản ứng số 1, 2 và 3 đều xảy ra sự cố.

Người mặc trang phục bảo hộ tại phòng điều khiển trung tâm cho lò phản ứng 1 và 2 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ảnh chụp ngày 14/5/2015

Nhà điều hành của cơ sở Fukushima I – Công ty điện năng Tokyo (TEPCO), thông báo mức phóng xạ trong không khí ghi nhận đã ở mức 530 sievert/giờ trong buồng chứa của lò phản ứng số 2. Đây là một trong ba lò phản ứng đã nóng chảy do hậu quả thảm họa sóng thần Nhật Bản tháng 3/2011.

Mức phóng xạ cao vượt bậc cho thấy thử thách mà hàng nghìn các công nhân đang phải đối mặt, cũng như áp lực của TEPCO phải sớm bắt đầu giải thể nhà máy – một quá trình dự kiến sẽ tiêu tốn đến 4 thập kỷ.

Ngay cả khi 30% biên độ sai số đã được xem xét, mức phóng xạ này vẫn được một số chuyên gia đánh giá là “vượt ngoài sức tưởng tượng”, cao hơn nhiều so với mức 73 sievert/giờ được máy cảm biến ghi được năm 2012.

Tuy nhiên TEPCO cũng chỉ ra rằng, camera thăm dò đã thâm nhập sâu hơn vào trong lò phản ứng so với những lần trước, và thông số mà nó đưa ra chỉ tập trung tại một điểm. Người ta ước chừng mức độ phóng xạ tại những nơi khác được camera ghi lại là thấp hơn nhiều.

Người nhiễm xạ ở mức 1 sievert sẽ bị mệt mỏi và nôn mửa, mức 5 sievert sẽ gây tử vong cho một nửa số người nhiễm xạ trong vòng 1 tháng, và 10 sievert sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng trong vòng một tuần.

Công ty TEPCO cũng cho biết, hình ảnh phân tích đã cho thấy một lỗ hổng trong lưới sắt phía dưới buồng áp lực của lò phản ứng. Lỗ thủng có đường kính 1m này có lẽ được tạo ra do nhiên liệu hạt nhân nóng chảy rơi xuống và xuyên thủng buồng áp lực, sau khi trận sóng thần đã làm tê liệt hệ thống làm lạnh dự phòng của Fukushima I.

“Đây có thể là do nhiên liệu hạt nhân nóng chảy và xuyên thủng một lỗ trong buồng chứa, nhưng hiện tại chỉ là giả thuyết.” Phát ngôn viên của công ty TEPCO, ông Tatsuhiro Yamaghishi nói với hãng tin AFP.

“Chúng tôi tin rằng bức ảnh chụp được cho thấy những thông tin rất hữu ích, nhưng chúng tôi vẫn cần điều tra thêm vì tình huống thực sự bên trong rất khó phỏng đoán.”

Sự tồn tại của một trường phóng xạ nguy hiểm sẽ làm nỗ lực tháo dỡ nhà máy trở nên khó khăn hơn.

TEPCO có ý định gửi một con robot điều khiển từ xa vào trong buồng chứa của lò phản ứng số 2. Nó được thiết kế có sức chống chịu mức phóng xạ tổng cộng là 1000 sievert, nghĩa là nó có thể hoạt động trong khoảng gần 2 giờ trước khi bị trục trặc.

Công ty TEPCO cho biết phóng xạ vẫn chưa thoát ra khỏi lò phản ứng, và nói thêm rằng con robot nói trên vẫn còn có thể sử dụng khi nó di chuyển từ nơi này sang nơi khác và ghi lại cường độ phóng xạ ở các mức khác nhau.

Mạng lưới các công ty liên kết cùng với TEPCO ở nhà máy FUkushima I vẫn chưa xác định được vị trí và trạng thái của nhiên liệu nóng chảy trong ba lò phản ứng bị hư hại nặng nhất. Dỡ bỏ nhà máy hoàn toàn là một thử thách chưa từng có trong lịch sử ngành năng lượng hạt nhân.

Một lượng nhiên liệu hạt nhân nóng chảy được phỏng đoán đã tích lại ở buồng chứa của lò phản ứng hạt nhân bị hư hại, nhưng cường độ phóng xạ nguy hiểm khiến các kĩ sư không thể ước lượng chính xác tình trạng của nhiên liệu lắng cặn.

Vào đầu tháng 2 năm nay, ngành điện lực của Nhật đã công bố một bức ảnh chụp được dưới lò phản ứng số 2 mà họ cho rằng có thể là những thanh nhiên liệu uranium nóng chảy, lần đầu được phát hiện kể từ thảm họa sóng thần năm 2011.

(Ảnh qua The Guardian)
(Ảnh qua The Guardian)

Tháng 12 năm nay, chính phủ Nhật Bản đã ước tính chi phí tháo dỡ nhà máy và khử nhiễm phóng xạ tại các khu vực lân cận, cũng như phí bồi thường thiệt hại và phí lưu kho chất thải phóng xạ, đã tăng lên đến mức 150 tỷ USD, gần như gấp đôi ước tính đưa ra năm 2013

Theo The Guardian
Thạch Khánh

Xem thêm: